Những lưu ý khi doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội

Những lưu ý khi doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội

(ĐTCK) Doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) cần những điều kiện gì? Hạn mức, thủ tục vay như thế nào?

Trả lời:

 1. Điều kiện vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

b) Có dự án vay vốn phù hợp với ngành nghề đăng ký kinh doanh đã được thông báo công khai trên Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

c) Có tài sản bảo đảm theo quy định.

2. Hạn mức vay

a) Mức cho vay đối với mỗi khách hàng được căn cứ vào:

- Nhu cầu vay vốn của khách hàng.

- Vốn tự có tham gia vào dự án.

- Giá trị của tài sản bảo đảm.

- Khả năng hoàn trả nợ vay của khách hàng.

- Khả năng nguồn vốn của Dự án KFW.

b) Mức cho vay không quá 80%/giá trị của dự án xin vay, khách hàng có thể vay vốn cho nhiều dự án nhưng tổng dư nợ không quá 01 tỷ đồng/01 khách hàng và không quá 75% giá trị của tài sản bảo đảm.

3. Thủ tục vay

a, Hồ sơ vay vốn gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu số 01/TDDN;

- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc do cơ quan có thẩm quyền cấp: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy phép đầu tư đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

- Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật trong 02 năm liền kề và báo cáo nhanh về tình hình tài chính kể từ đầu năm tài chính đến thời điểm vay vốn. Nếu doanh nghiệp có thời gian hoạt động dưới 02 năm thì gửi báo cáo tài chính năm đã hoạt động (nếu có) và báo cáo về tình hình tài chính kể từ đầu năm tài chính đến thời điểm vay.

- Dự án vay vốn theo mẫu 02/TDDN.

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm tiền vay.

b, Thủ tục cho vay

Bước 1:  Khách hàng gửi bộ hồ sơ vay vốn tới NHCSXH nơi cho vay. Cán bộ được phân công nhận hồ sơ và kiểm tra bộ hồ sơ vay vốn. Nếu bộ hồ sơ đáp ứng đầy đủ về số lượng và thông tin theo quy định thì lập giấy nhận hồ sơ theo mẫu số 03/TDDN.

Bước 2:  Trong phạm vi 10 ngày làm việc, cán bộ tín dụng được Giám đốc NHCSXH nơi cho vay phân công tiến hành thẩm định tính đầy đủ, hợp pháp, hợp lệ của hồ sơ vay vốn và lập báo cáo thẩm định theo mẫu số 04/TDDN. Báo cáo thẩm định phải tuân thủ các nội dung theo mẫu hướng dẫn và được đánh máy.

- Nếu không đồng ý cho vay thì cán bộ tín dụng trình Trưởng phòng/Tổ trưởng tín dụng, sau đó trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay ký thông báo từ chối cho vay theo mẫu số 06/TDDN gửi cho khách hàng.

- Nếu đồng ý cho vay thì cán bộ tín dụng trình Trưởng phòng/Tổ trưởng tín dụng, kiểm soát tính hợp lệ và hợp pháp của hồ sơ, sau đó, trình Giám đốc NHCSXH nơi cho vay xem xét, quyết định cho vay, đồng thời thông báo cho khách hàng theo mẫu số 05/TDDN.

Sau đó cán bộ tín dụng được phân công cùng khách hàng lập Hợp đồng tín dụng theo mẫu 07/TDDN; Hợp đồng thế chấp tài sản đã thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định. Lệ phí công chứng và giao dịch bảo đảm do khách hàng chi trả.

Việc kiểm soát hồ sơ và phê duyệt kể từ khi cán bộ tín dụng được phân công thẩm định trình không quá 05 ngày làm việc.

Bước 3:  Hồ sơ vay vốn được duyệt bàn giao cho bộ phận kế toán làm căn cứ giải ngân và lưu trữ theo quy định. Các giấy tờ bàn giao cho bộ phận kế toán bao gồm:

- Giấy đề nghị vay vốn theo mẫu số 01/TDDN.

- Hợp đồng tín dụng theo mẫu số 07/TDDN.

- Hợp đồng thế chấp tài sản đã công chứng.

- Giấy đề nghị giải ngân theo mẫu số 09/TDDN.

Kế toán chỉ được phát tiền vay sau khi khách hàng đã làm các thủ tục nhập kho các giấy tờ gốc: Hợp đồng thế chấp tài sản đã công chứng; Giấy tờ liên quan đến tài sản bảo đảm.

Các giấy tờ còn lại được lưu tại bộ phận tín dụng.

Tiền vay được NHCSXH nơi cho vay giải ngân bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản theo yêu cầu của khách hàng nhưng phải phù hợp với các quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu khách hàng ký xác nhận vào phần theo dõi cho vay - thu nợ trong phụ lục hợp đồng tín dụng.

Tin bài liên quan