Đầu năm nay, Shinhan Card (Hàn Quốc) đã được chấp thuận việc mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential ở Việt Nam.

Đầu năm nay, Shinhan Card (Hàn Quốc) đã được chấp thuận việc mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential ở Việt Nam.

Nhà đầu tư ngoại khuấy động thị trường tài chính tiêu dùng

Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang ở giai đoạn “vàng” để phát triển và đó là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều ông lớn nước ngoài - những nhà đầu tư “vàng” - muốn thâm nhập thị trường này thông qua việc mua lại các công ty tài chính Việt.

Nhà đầu tư “vàng” nhắm thị trường “vàng”

Xu hướng không thực sự thể hiện rõ trên số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bởi trong 2 tháng đầu năm nay, mới chỉ có 1 dự án mới và 4 lượt góp vốn, mua cổ phần trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và bảo hiểm, với tổng vốn ít ỏi 0,17 triệu USD. Song các động thái trên thị trường cho thấy, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến các công ty và thị trường tài chính Việt Nam.

Mới đây nhất, Aeon (Nhật Bản) - vốn chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực bán lẻ - cũng không giấu giếm tham vọng nhảy vào thị trường tài chính Việt Nam. Ông Masaki Suzuki, Chủ tịch Công ty Dịch vụ tài chính Aeon, khi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, đã cho biết, Aeon sẽ mở rộng hoạt động sang đầu tư tài chính tại Việt Nam thông qua việc mua lại các công ty tài chính của nước ngoài, hoặc các công ty tài chính có cổ phần nhà nước.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác đã bắt đầu và sẵn sàng “gửi chân” vào  thị trường tài chính Việt. Mới nhất và có lẽ cũng gây bất ngờ nhất là việc Tập đoàn Srisawad (Thái Lan) đã đề nghị mua lại Công ty Tài chính ALC I của Agribank đang làm ăn bết bát, thua lỗ lớn, thậm chí âm cả vốn chủ sở hữu. Srisawad không chỉ sẵn sàng hoàn trả 100% vốn điều lệ của ALC I cho Agribank (200 tỷ đồng), mà còn trả hết cả phần nợ gốc mà ALC I đã vay của Agribank (323 tỷ đồng) để được sở hữu hoàn toàn công ty này. Biên bản thỏa thuận giữa hai bên đã được ký kết, chỉ chờ sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là Srisawad có thể “tham chiến” trên thị trường tài chính Việt.

Đầu tháng 1 năm nay, Shinhan Card (Hàn Quốc) đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc mua lại toàn bộ Công ty Tài chính Prudential ở Việt Nam. Giá trị của thương vụ khoảng 151 triệu USD, tương đương 3.400 tỷ đồng.

Tháng 8 năm ngoái, khi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, ông Lim Yong Jin, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Shinhan Card cho biết, “luôn coi Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm để đầu tư trong tương lai”. Shinhan sẽ tập trung vào lĩnh vực tài chính tiêu dùng, vốn rất có nhiều tiềm năng ở thị trường Việt Nam.

Ngoài ra, có thể kể hàng loạt thương vụ nhà đầu tư mua lại các công ty tài chính ở Việt Nam. Cuối năm ngoái, Lotte Card (Hàn Quốc) đã chi một ngân khoản không nhỏ để mua lại TechcomFinance, công ty tài chính của Techcombank và bắt đầu thực hiện các hoạt động của một công ty tài chính tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam, như nhận tiền gửi của tổ chức; phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn của tổ chức; cho vay, gồm cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng…

Trước đó, Shinsei Bank (Nhật Bản) đã mua lại 49% vốn của Công ty Tài chính MB Shinsei từ MBBank. Các tổ chức tài chính lớn trên thế giới, như Credit Suisse, Deutsche Bank… cũng đã mua cổ phần của các công ty tài chính Việt, trong đó đáng chú ý có FE Credit… Các động thái này đã góp phần quan trọng thổi bùng sự sôi động của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam.

Xu hướng mới

Không chỉ là những động thái nhỏ lẻ, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, thì đầu tư vào lĩnh vực tài chính - ngân hàng sẽ là một xu hướng mới của các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư vào lĩnh vực này đang tăng nhanh trong những năm gần đây. Năm 2017, con số là trên 88 triệu USD, còn năm 2018 là gần 82 triệu USD, thông qua cả việc góp vốn, mua cổ phần.

Thậm chí, theo nhận định của ông Michael Dc Choi, Phó giám đốc Trung tâm M&A Hàn Quốc, Tổ chức Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (Kotra), tài chính - ngân hàng và fintech Việt sẽ là điểm nhấn của làn sóng đầu tư thứ tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam. Đây là một thực tế, bởi trong số các thương vụ nói trên, có thể thấy, bóng dáng của các nhà đầu tư Hàn Quốc là rất lớn. Các nhà đầu tư Hàn cũng đang rất quan tâm đến các ngân hàng Việt, cũng như các công ty chứng khoán Việt Nam.

Lý do hẳn nhiên xuất phát từ tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam, mà trong trường hợp này, là thị trường tài chính tiêu dùng Việt. Một con số được nhắc đến lâu nay, đó là với dân số gần 97 triệu người, thu nhập ngày càng tăng, quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam có thể đạt con số 1 triệu tỷ đồng trong năm 2019 và được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới.

Hiện tại, tổng tín dụng tiêu dùng của Việt Nam, gồm cả tín dụng liên quan đến nhà ở, chỉ chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế, nếu trừ tín dụng nhà ở, thì chỉ còn khoảng 12%. Trong khi đó, tỷ lệ này ở ASEAN là khoảng 34%, ở Trung Quốc khoảng 21%.

Thậm chí, ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc FE Credit còn cho rằng, tín dụng tiêu dùng trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở các nước phát triển còn lên tới 40-50%. Do vậy, “tiềm năng khai thác thị trường vẫn còn rất lớn”.

Có lẽ, vì tiềm năng lớn, nên không chỉ nhà đầu tư nước ngoài, mà rất nhiều ngân hàng Việt cũng chạy đua mở các công ty tài chính. Các công ty này thậm chí còn trở thành các “con gà đẻ trứng vàng” cho các ngân hàng mẹ. Vì thế, không quá khó hiểu khi các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách nhanh chân nhảy vào thị trường Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, khi trao đổi với báo giới, cũng khẳng định điều này. Theo ông Lực, các nhà đầu tư nước ngoài đều nhìn thấy các cơ hội lớn ở thị trường Việt Nam.

Ngăn chặn tín dụng đen sẽ tạo cơ hội để thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục phát triển

 Quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục tăng mạnh, ước tính tăng từ 646.000 tỷ đồng vào năm 2016 lên tới 1.000.000 tỷ đồng vào năm 2019. Trên thị trường hiện có 18 công ty tài chính đang hoạt động, trong đó có 6 công ty nước ngoài. Việc Chính phủ Việt Nam gần đây quyết tâm mạnh tay ngăn chặn tín dụng đen được cho là sẽ tạo cơ hội để thị trường tài chính tiêu dùng tiếp tục phát triển.

Tin bài liên quan