Thị phần cho vay tiêu dùng tín chấp của CTTC chỉ chiếm 12,4%

Thị phần cho vay tiêu dùng tín chấp của CTTC chỉ chiếm 12,4%

Nguồn vốn của công ty tài chính tiêu dùng từ đâu?

(ĐTCK) So với các quốc gia trên thế giới, thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam còn rất non trẻ. Chính bởi vậy, các công ty tài chính tiêu dùng (CTTC) vẫn có dư địa rất lớn để phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội.

Hướng tới nhóm khách mà ngân hàng không mặn mà

Tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, tổng dư nợ/GDP của toàn ngành tài chính tiêu dùng chiếm lần lượt 23% và 16%. Trong khi đó, tại Việt Nam, theo thống kê của StoxPlus, tổng dư nợ cho vay của toàn ngành tài chính tiêu dùng tăng chạm ngưỡng 26,55 tỷ USD vào năm 2016, chiếm 9,8% tổng GDP cả nước. Con số này tuy đã gấp 2 lần so với năm 2011 (5,2%), nhưng tỷ lệ thâm nhập còn thấp so với các quốc gia trên thế giới.

Mặc dù thị trường tài chính tiêu dùng đã chứng kiến nhiều cú nhảy vọt đáng kinh ngạc khi tỷ lệ tăng trưởng tổng số khoản vay đạt 11,4% trong năm 2016 so với tỷ lệ tăng 9,3% trong năm 2015; tính riêng tổng dư nợ cho vay tiêu dùng tín chấp tại các công ty tài chính đạt 3,3 tỷ USD, nhưng thực tế, thị phần cho vay dịch vụ tài chính tiêu dùng còn thấp.

Cụ thể, thị phần cho vay tiêu dùng tín chấp của CTTC chỉ chiếm 12,4%, phục vụ cho hơn 60% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương hơn 30 triệu khách hàng). Đối tượng khách hàng chính của các CTTC là những người dân có thu nhập trung bình thấp không ổn định và không thể tiếp cận dịch vụ tài chính tại các ngân hàng.

Trong khi đó, thị phần tín dụng tiêu dùng của các ngân hàng chiếm 87,6%, phục vụ cho gần 40% nhóm khách hàng trong độ tuổi lao động (tương đương gần 20 triệu khách hàng). Thị phần cho vay tiêu dùng của các ngân hàng gấp 7 lần so với CTTC, trong khi số lượng khách hàng ngân hàng phục vụ được chỉ bằng 2/3 so với CTTC.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động vốn FE Credit nhận định: “Khảo sát trên cho thấy, ngân hàng không mặn mà với nhóm khách hàng của CTTC”.

Huy động vốn không quá khó khăn

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Đoàn Mộng Điệp, Trưởng phòng Nguồn vốn Home Credit Việt Nam cho biết, CTTC huy động chứng chỉ tiền gửi từ các tổ chức bởi các lý do sau: Thứ nhất, các CTTC không được huy động tiền gửi từ dân cư; Thứ hai, các CTTC vay liên ngân hàng chỉ được vay kỳ hạn tối đa 1 năm; Thứ ba, CTTC vẫn phải tuân thủ các chỉ số thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Huy động qua chứng chỉ tiền gửi là một trong những kênh huy động nguồn vốn dài hạn của các CTTC từ các tổ chức, với lãi suất thông thường cao hơn lãi suất vay từ nguồn vốn ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng. Bên cạnh đó, phần huy động chứng chỉ tiền gửi dài hạn này chỉ chiếm một phần trong danh mục nguồn vốn vay của các CTTC. Do vậy, mặt bằng lãi suất trên thị trường là hoàn toàn do cung cầu thị trường cùng với chính sách điều tiết trên thị trường vốn của Ngân hàng Nhà nước quyết định.

“Lãi suất Home Credit đang huy động chứng chỉ tiền gửi từ các tổ chức hiện nay trong khoảng từ 8% - 11%/năm với các kỳ hạn lên đến 3 năm. Phần huy động chứng chỉ tiền gửi trung và dài hạn chiếm khoảng từ 15% - 20% của danh mục nguồn vốn Công ty”, bà Điệp nói.

Cụ thể hơn, ông Phúc cho biết, chứng chỉ tiền gửi được phát hành cho các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật Việt Nam. Theo đó, ký hợp đồng chứng chỉ tiền gửi và phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh dưới hình thức ghi sổ từ kỳ hạn 1 đến 60 tháng với mệnh giá: 1.000.000 đồng/chứng chỉ (tối thiểu 50.000.000 đồng/giao dịch).

Đối với tiền gửi có kỳ hạn, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước được phép mua tiền gửi có kỳ hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam theo hình thức ký hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn và phát hành chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn (tùy theo yêu cầu của khách hàng). Kỳ hạn từ 1 đến 60 tháng với số tiền tối thiểu là 50.000.000 đồng/giao dịch.

Đối tượng mua trái phiếu là các tổ chức trong và ngoài nước do tổ chức phát hành phát hành sơ cấp không bao gồm các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty con của tổ chức tín dụng. Hình thức là phát hành riêng lẻ thông qua đại lý phát hành. Theo đó, toàn bộ khối lượng được chào bán và phân phối không quá 99 nhà đầu tư. Kỳ hạn lớn hơn hoặc bằng 12 tháng, giá phát hành là 100% mệnh giá

Ông Phúc nói: “Khó khăn về huy động vốn khiến cho trước đây không ít CTTC hoạt động kém lành mạnh dẫn đến mất niềm tin của khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay, các CTTC hoạt động rất tốt nên việc huy động vốn không quá khó khăn. Chẳng hạn, tại FE Credit đang có hợp đồng vay vốn có thời hạn trị giá 155 triệu USD với Credit Suisse AG Singapore (Credit Suisse). Bên cạnh đó là hợp đồng với các ngân hàng, huy động từ khách hàng doanh nghiệp”.

Trong năm 2016, hoạt động huy động vốn của FE Credit tăng trưởng mạnh (tăng gần gấp đôi so với năm 2015), đạt hơn 27.000 tỷ đồng và trong tháng 8/2017, FE Credit đã nâng vốn điều lệ từ 2.790 tỷ đồng lên 4.474 tỷ đồng.

Thực tế trên cho thấy, một trong những lý do chính khiến lãi suất cho vay của các CTTC cao bởi vốn đầu vào cao do các CTTC hoạt động khác với ngân hàng, không được huy động vốn từ khách hàng cá nhân như ngân hàng mà huy động vốn đầu vào từ ngân hàng và doanh nghiệp. Trong khi đó, rủi ro từ hoạt động huy động vốn của các CTTC không phải là ít.

Ông Phúc cho biết, các rủi ro bao gồm, Ngân hàng Nhà nước có thể ban hành, điều chỉnh các văn bản pháp luật, chính sách, quy định theo hướng bất lợi liên quan đến tình hình huy động vốn của CTTC; rủi ro thanh khoản do căng thẳng thanh khoản vào những thời điểm then chốt như vào cuối năm; biến động lãi suất thị trường xảy ra khi lãi suất thị trường biến động mạnh sẽ gây ảnh hưởng đến tình hình huy động và lợi nhuận của công ty.             

Các quy định về huy động vốn của công ty tài chính

- Thông tư số 21/2012/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 01/2013/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số đều tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/06/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Nghị định số 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp

- Thông tư 211/2012/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

- Thông tư số 18/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/06/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay, đi vay; mua, bán có kỳ hạn giấy tờ có giá giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 34/2013/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

- Thông tư số 16/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư số 34/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Tin bài liên quan