Hong Leong Bank Việt Nam đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Hong Leong Bank Việt Nam đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.

Ngân hàng ngoại trở lại với tài chính tiêu dùng nội

(ĐTCK) ANZ hay Commonwealth bán đi mảng bán lẻ tại Việt Nam không có nghĩa thị trường cho vay cá nhân, tiêu dùng kém hấp dẫn ngân hàng ngoại.

Các dự báo đưa ra, năm 2020 sẽ là năm tài chính - tiêu dùng bùng nổ.

Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có thể rộng cửa cho vay, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân tại một số ngân hàng trong nước hiện đang có chiều hướng nhích lên do cơ cấu lại nguồn vốn theo quy định của Thông tư 22/2019/TT-NHNN khi phải giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn từ 40% xuống 37% từ đầu tháng 10/2020.

Trong khi đó, nhiều ngân hàng nước ngoài đang gia tăng sức cạnh tranh lãi suất cho vay tiêu dùng.

Ông Dương Ðức Hùng, Tổng giám đốc Hong Leong Bank Việt Nam chia sẻ, tín dụng tiêu dùng đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm qua, ở mức 30-60% mỗi năm.

Bởi vậy, sẽ không ngạc nhiên nếu cho vay tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng trên 20% trong năm 2019. 

Theo lãnh đạo Hong Leong Bank Việt Nam, tăng trưởng GDP của Việt Nam được duy trì ở mức cao kéo theo sự gia tăng thu nhập cá nhân và sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, đây là yếu tố then chốt cho tăng trưởng tín dụng tiêu dùng.

Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng trong tổng tín dụng của nền kinh tế mới ở mức khoảng 20% cho thấy dư địa tăng trưởng còn rất nhiều.

“Việt Nam là thị trường ưu tiên của Hong Leong Bank bởi cơ hội tăng trưởng lớn, đặc biệt ở mảng bán lẻ. Việc ra mắt ứng dụng ngân hàng số HLB Connect trong tháng 11/2019 là một bước trong chiến lược mở rộng mảng bán lẻ của Hong Leong Bank tại Việt Nam”, ông Hùng nói và thông tin thêm, trong năm 2020 sẽ tiếp tục hoàn thiện giải pháp ngân hàng số để tạo nên trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.

Với chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, chính sách lãi suất của Hong leong Bank Việt Nam khá đa dạng, với lãi suất cho vay mua nhà từ 7,75%/năm, mua xe chỉ từ 7,5%/năm.

Tại Shinhan Bank, ngân hàng này chào mời lãi suất cho vay tiêu dùng cá nhân (tín chấp) từ 20-21%/năm, tức chưa tới 2%/tháng, với hạn mức cho vay gấp 7 lần lương, nhưng số tiền vay không quá 50 triệu đồng. Trường hợp khách hàng vay hạn mức cao hơn, lãi suất cho vay thấp hơn khoảng 1-2%/năm. Ðối với tín dụng mua nhà, lãi suất cho vay chưa tới 10%/năm.

Shinhan Bank là một trong những ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang đẩy mạnh cho vay nhỏ, lẻ tại Việt Nam.

Vào cuối năm 2019, tức sau 2 năm kể từ ngày bắt đầu (18/12/2017), Shinhan Bank đã hoàn tất việc nhận chuyển giao toàn bộ khối ngân hàng bán lẻ từ ANZ Việt Nam, qua đó duy trì vị trí ngân hàng nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam ở thời điểm hiện tại.

Indovina Bank - ngân hàng liên doanh đầu tiên ở Việt Nam, vừa đưa ra chương trình cho vay ưu đãi dành cho khách hàng mua bất động sản và ô tô.

Cụ thể, Indovina Bank có 2 lựa chọn cho người vay: Một là lãi suất cố định 7,99%/năm và miễn phí trả nợ trước hạn từ năm thứ ba; hai là lãi suất cố định 9,99%/năm kèm miễn phí trả nợ trước hạn và không quy định thời gian trả nợ trước hạn.

Mức lãi suất cố định được áp dụng trong 12 tháng đầu tiên. Mức lãi suất cho thời gian tiếp theo được Ngân hàng và khách hàng đàm phán trực tiếp khi vay vốn.

Riêng cho vay mua nhà, thời gian cho vay lên đến 25 năm và tỷ lệ vay tối đa 80% giá trị tài sản đảm bảo.

Sở dĩ, mảng bán lẻ luôn được cả ngân hàng nội và ngoại, cũng như công ty tài chính quan tâm bởi biên lợi nhuận trong cho vay nhỏ lẻ cao hơn cho vay tổ chức.

Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), trong những năm gần đây, lợi nhuận do FE Credit đem lại chiếm khoảng 50% nguồn lợi nhuận của Ngân hàng mẹ VPBank.

Con số này ở HD SAISON là gần 1/3 tổng lợi nhuận của HDBank...

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong giai đoạn 2016-2018, bình quân tăng trưởng dư nợ cho vay tài chính - tiêu dùng đạt 36%/năm.

Theo ông Minh, mức tăng trưởng cao tiếp tục được duy trì trong năm 2019, cũng như các năm tiếp theo và điều này đã thu hút các công ty tài chính, các ngân hàng.

Tuy nhiên, nợ xấu trong lĩnh vực tài chính - tiêu dùng theo đó có xu hướng gia tăng, nhất là ở các công ty tài chính tiêu dùng, do điều kiện cho vay dễ.              

Tin bài liên quan