Cần tính đến yếu tố người nước ngoài sử dụng tài sản thuộc quyền của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Việt Nam

Cần tính đến yếu tố người nước ngoài sử dụng tài sản thuộc quyền của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tại Việt Nam

Hạn chế rủi ro pháp lý trong cho vay tín dụng

(ĐTCK) Bộ Tư pháp đang trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Để hạn chế rủi ro pháp lý trong cho vay tín dụng thì một trong những điều căn bản nhất trong xây dựng Nghị định là sự tiếp cận toàn diện, thực tế về tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền dân sự.

Cụ thể hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước

Trước hết, Nghị định phải được xây dựng dựa trên tính khoa học, ý thức chính trị, sự thể chế hóa linh hoạt, sáng tạo, đúng đắn quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về bảo đảm cho kinh tế tư nhân phát triển, về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hạn chế rủi ro pháp lý trong cho vay tín dụng ảnh 1

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó cục trưởng, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp

Ở cách tiếp cận này, Nghị định cần bám sát, cụ thể hóa được quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo đảm sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế; về tôn trọng, thực hiện, bảo vệ quyền của doanh nghiệp, người dân về sở hữu tài sản, vốn đầu tư, thu nhập, lợi ích hợp pháp khác; về quyền được tự do hợp đồng trong chuyển nhượng, giao dịch, dùng tài sản để bảo đảm cho các nghĩa vụ dân sự, kinh tế; về quyền được tiếp cận các nguồn vốn, tiếp cận hiệu quả hệ thống đăng ký giao dịch, tài sản; về quyền được giải quyết tranh chấp dân sự một cách thống nhất, đồng bộ, tôn trọng quyền tự định đoạt, minh bạch về điều cấm, giới hạn thực hiện quyền trên cơ sở quy định của luật.

Sự vận dụng một cách cứng nhắc, không đầy đủ, không đúng hoặc chậm trễ những quan điểm, chủ trương hoặc chính sách nêu trên trong xây dựng Nghị định đều có thể tạo ra những nguy cơ, rào cản trong thi hành quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, không kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, làm tăng rủi ro pháp lý, chi phí cho tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

Người dân được làm những gì mà luật không cấm

Người dân được làm những gì mà luật không cấm, cơ quan có thẩm quyền chỉ làm những gì mà pháp luật quy định phải là nguyên tắc được tôn trọng nhất quán.

Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan đều ghi nhận cụ thể về việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền dân sự theo nguyên tắc: quyền chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

Trong xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự, Bộ luật Dân sự ghi nhận rõ, cá nhân, pháp nhân thực hiện quyền dân sự theo ý chí của mình, không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và giới hạn thực hiện quyền dân sự; trường hợp pháp luật không có quy định hoặc quy định không cụ thể thì không được từ chối, hạn chế quyền dân sự mà phải dựa trên sự thỏa thuận của các bên, trường hợp không có thỏa thuận thì tòa án, cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền sử dụng tập quán tương tự pháp luật, án lệ, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự hoặc lẽ công bằng để giải quyết.

Ở cách tiếp cận này, Nghị định phải bảo đảm được các yêu cầu sau:

Một là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền tự do lựa chọn nghĩa vụ được bảo đảm, có thể là nghĩa vụ của bên bảo đảm hoặc nghĩa vụ của người khác, bao gồm cả nghĩa vụ hiện tại, nghĩa vụ trong tương lai hoặc nghĩa vụ có điều kiện.

Hạn chế rủi ro pháp lý trong cho vay tín dụng ảnh 2

Tổ chức tín dụng, người dân phải được quyền lựa chọn tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Hai là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền lựa chọn cơ chế tham gia xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm thông qua cơ chế trực tiếp hoặc thông qua cơ chế đại diện, ủy thác.

Ba là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền lựa chọn áp dụng biện pháp bảo đảm và hình thức của việc thỏa thuận áp dụng biện pháp bảo đảm, một nghĩa vụ có thể được bảo đảm bởi một hoặc nhiều biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ; thỏa thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thể lập bằng hợp đồng riêng hoặc hợp đồng khác có điều khoản thỏa thuận về việc áp dụng biện pháp bảo đảm.

Bốn là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền lựa chọn tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ, mọi tài sản là bất động sản, động sản hiện có hoặc hình thành trong tương lai mà luật không cấm, không hạn chế giao dịch đều có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Năm là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền minh bạch giữa hiệu lực của hợp đồng bảo đảm với hiệu lực đối kháng của biện pháp bảo đảm. Hợp đồng bảo đảm đã có hiệu lực nhưng biện pháp bảo đảm chưa phát sinh hiệu lực đối kháng thì các bên vẫn phải chịu sự ràng buộc bởi quyền, nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Hiện có không ít băn khoăn, lo ngại của cả các tổ chức tín dụng và khách hàng về hiệu quả của việc cho vay tín dụng, bởi các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ tiềm ẩn rủi ro pháp lý.

Sáu là, tổ chức tín dụng, người dân là bên ngay tình phải được bảo vệ. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản là đối tượng của giao dịch đã được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo đảm ngay tình và giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm đã được xác lập theo thủ tục, hình thức phù hợp với quy định của pháp luật thì giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm vẫn có hiệu lực pháp luật, bên nhận bảo đảm không phải hoàn trả lại tài sản bảo đảm cho chủ sở hữu, trừ khi có thỏa thuận khác.

Trường hợp biện pháp bảo đảm đã phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba mà sau đó tài sản bảo đảm trở thành vật chứng trong việc xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tố tụng hoặc thi hành án thì theo yêu cầu của bên nhận bảo đảm, cơ quan có thẩm quyền hoàn trả tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật sau khi đã hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ, chứng minh và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ việc.

Bảy là, tổ chức tín dụng, người dân được quyền thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm, bên nhận bảo đảm có quyền tiếp cận trực tiếp, chi phối trực tiếp tài sản bảo đảm trong trường hợp có sự thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm, có căn cứ xử lý tài sản bảo đảm và biện pháp bảo đảm đã xác lập hiệu lực đối kháng theo quy định của Bộ luật Dân sự; bên nhận bảo đảm có quyền truy đòi tài sản bảo đảm là đối tượng của biện pháp bảo đảm đã xác lập hiệu lực đối kháng với người thứ ba.

Đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật

Việc xây dựng Nghị định phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, không trùng lặp, chồng chéo trong hệ thống pháp luật và áp dụng pháp luật.

Bảo đảm thực hiện nghĩa vụ là quan hệ pháp luật có sự đan chéo đến nhiều quan hệ xã hội, lĩnh vực kinh tế, thương mại, hành chính, tố tụng và thi hành án, do đó phải chịu sự điều chỉnh đa dạng về nguồn quy phạm pháp luật. Trên cơ sở nguyên tắc áp dụng pháp luật được ghi nhận tại Bộ luật Dân sự, Nghị định cần bảo đảm nguyên tắc ưu tiên thỏa thuận của các bên phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều cấm, giới hạn thực hiện quyền quy định tại Bộ luật Dân sự, luật khác có liên quan trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Trường hợp luật khác có liên quan có quy định khác thì ưu tiên áp dụng luật này, trường hợp luật khác có liên quan không có hoặc có quy định nhưng không cụ thể thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan không có quy định cụ thể thì áp dụng theo quy định hướng dẫn tại Nghị định của Chính phủ về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Bên cạnh đó, trong giải quyết các vấn đề cụ thể, Nghị định cần hướng dẫn cơ chế áp dụng pháp luật. Ví dụ, bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận về việc bên nhận bảo đảm giữ giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền lưu hành tài sản (sau đây gọi là giấy chứng nhận).

Trường hợp bên nhận bảo đảm giữ bản chính giấy chứng nhận thì bên bảo đảm sử dụng bản sao giấy chứng nhận và bản chính văn bản xác nhận về việc bên nhận bảo đảm giữ bản chính giấy chứng nhận để thực hiện quyền, nghĩa vụ khác liên quan đến việc sử dụng hoặc lưu hành tài sản. Trường hợp luật liên quan có quy định thì bản sao giấy chứng nhận hoặc bản chính văn bản xác nhận về việc bên nhận bảo đảm giữ bản chính giấy chứng nhận phải được công chứng, chứng thực; việc giữ, sử dụng giấy chứng nhận liên quan đến tàu bay, tàu biển trong bảo đảm thực hiện nghĩa vụ áp dụng theo quy định của Bộ luật Hàng hải, Luật Hàng không dân dụng.

Một ví dụ khác, trường hợp tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán thuộc tài sản chung của vợ chồng mà tài sản đó được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì người đứng tên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán là người có quyền đại diện hợp pháp cho người không đứng tên trong xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm, biện pháp bảo đảm. Trường hợp người đứng tên trên tài khoản ngân hàng, tài khoản chứng khoán lạm dụng quyền của mình gây thiệt hại cho người không đứng tên thì người này có quyền yêu cầu người đứng tên hoàn lại phần tài sản của mình và thanh toán chi phí phát sinh, bồi thường thiệt hại (nếu có).

Xây dựng Nghị định trên tinh thần hội nhập

Cùng với sự tham gia rộng rãi vào đời sống kinh tế - xã hội, người nước ngoài có nhu cầu dùng tài sản thuộc quyền của họ ở Việt Nam để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ngày một nhiều. Thực tế trên đòi hỏi Nghị định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có giải pháp pháp lý phù hợp về việc tham gia của các chủ thể này vào quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam không ngừng mở rộng quan hệ ra thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức, diễn đàn kinh tế, thương mại song phương, đa phương (WTO, APEC, AFTA, CPTPP, EVFTA…) thì việc xây dựng Nghị định cần có sự tham khảo hợp lý kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng các giải pháp pháp lý về xác định tài sản bảo đảm là động sản, tài sản hình thành trong tương lai, quyền tài sản hình thành từ hợp đồng, tài sản hình thành từ công nghệ cao, quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đối tượng sở hữu trí tuệ, các lợi ích bảo đảm, xử lý tài sản bảo đảm…

Tin bài liên quan