Cách tính lãi vay của chương trình tín dụng học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Cách tính lãi vay của chương trình tín dụng học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội

(ĐTCK) Tôi xin hỏi, hạn mức vay, lãi suất vay, cách tính lãi vay, phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ của chương trình tín dụng học sinh sinh viên tại Ngân hàng Chính sách xã hội như thế nào? Học sinh sinh viên ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể vay ở đâu?

Trả lời: 

Mức cho vay tối đa đối với một học sinh sinh viên là 1.500.000 đồng/tháng (15.000.000 đồng/năm học).

Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng học sinh sinh viên, nhưng tối đa mỗi học sinh sinh viên không quá 1.500.000 đồng/tháng (quy định tại Quyết định số 751/QĐ-TTg ngày 30/5/2017 và văn bản số 2611/NHCS-TDSV ngày 09/6/2017).

Về Lãi suất vay ưu đãi đối với học sinh, sinh viên hiện nay là 0,55%/tháng, 6,6%/năm (thực hiện theo Quyết định số 750/QĐ-TTg ngày 01/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ).

Lãi tiền vay được tính kể từ ngày người vay nhận món vay đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc. NHCSXH thoả thuận với người vay trả lãi theo định kỳ tháng hoặc quý trong thời hạn trả nợ. Trường hợp, người vay có nhu cầu trả lãi theo định kỳ hàng tháng, quý trong thời hạn phát tiền vay thì Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện thu theo yêu cầu của người vay.

Lãi vay = Dư nợ vay x (lãi suất cho vay/365) x số ngày tính lãi vay.

Về phương thức trả nợ và thời hạn trả nợ:

a) Phương thức trả nợ: khi giải ngân số tiền cho vay của kỳ học cuối cùng, Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay cùng người vay thoả thuận việc định kỳ hạn trả nợ của toàn bộ số tiền cho vay.

Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên khi học sinh sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày học sinh sinh viên  kết thúc khoá học. Số tiền cho vay đ­ược phân kỳ trả nợ tối đa 6 tháng 1 lần, phù hợp với khả năng trả nợ của người vay do ngân hàng và người vay thoả thuận ghi vào Khế ước nhận nợ.

Việc thu nợ gốc được thực hiện theo phân kỳ trả nợ đã thoả thuận trong Khế ước nhận nợ.

Trường hợp người vay có khó khăn ch­ưa trả được nợ gốc theo đúng kỳ hạn trả nợ thì được theo dõi vào kỳ hạn trả nợ tiếp theo.

b) Thời hạn trả nợ: là khoảng thời gian được tính từ ngày người vay trả món nợ đầu tiên đến ngày trả hết nợ gốc và lãi. Người vay và ngân hàng thoả thuận thời hạn trả nợ cụ thể nhưng không vượt quá thời hạn trả nợ tối đa được quy định cụ thể như sau:

- Đối với các chương trình đào tạo có thời gian đào tạo đến một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng 2 lần thời hạn phát tiền vay.

- Đối với các chương trình đào tạo trên một năm, thời gian trả nợ tối đa bằng thời hạn phát tiền vay.

Về câu hỏi học sinh sinh viên ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể vay ở đâu được chia làm 2 trường hợp, cụ thể:

* Trường hợp học sinh sinh viên vay vốn thông qua hộ gia đình

Chủ hộ là người đại diện cho hộ gia đình, là cha hoặc mẹ hoặc người đại diện cho gia đình nhưng đã thành niên (đủ 18 tuổi) được Uỷ ban nhân dân cấp xã sở tại xác nhận, thì được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội  quận, huyện nơi người vay cư trú hợp pháp “Nơi cư trú hợp pháp của người vay vốn là nơi người đó thường xuyên sinh sống.

Trường hợp không xác định được nơi cư trú của người vay vốn theo quy định thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống được UBND xã xác nhận”.

* Trường hợp học sinh sinh viên vay vốn trực tiếp:

Đối với học sinh sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động được vay vốn và trả nợ trực tiếp tại Ngân hàng Chính sách xã hội nơi địa bàn nhà trường đóng trụ sở.

Tin bài liên quan