Ảnh: pocket-lint.

Ảnh: pocket-lint.

Ba kiểu tiết kiệm của bố mẹ gây hại cho tương lai con

Không chi tiền cho con tham gia hoạt động tập thể ở trường, lớp... khiến trẻ thiếu tính tương tác, lớn lên khó hòa nhập xã hội, bị cô lập.

Tiết kiệm là tốt, tuy nhiên, một số cách "thắt lưng buộc bụng" dưới đây lại làm hại đến tính cách, lâu dài là tới tương lai con bạn:

1. Không cho trẻ tiền để mua sách, báo

Có rất nhiều cách để tìm hiểu kiến thức, trau dồi vốn sống, tuy nhiên không thể phủ nhận hiệu quả nhất là đọc sách.

Tuy nhiên, nhiều gia đình do phải chi trả các loại học phí khác nhau cho con, hoặc do quan niệm "nghèo không cần học nhiều", thường không khuyến khích con đọc sách và không cho con tiền mua sách, trái lại thúc giục con làm việc tay chân, cho rằng nó hữu ích hơn. Đây thực sự là một sai lầm.

Việc cha mẹ không hỗ trợ trẻ học tập qua sách báo khiến cho trẻ mất đi cơ hội thu nạp kiến thức, mở mang đầu óc, dẫn đến thói quen lười đọc, lười tìm hiểu thông tin, dần dần vốn hiểu biết thấp và trở nên thiếu tự tin khi đứng trước mọi người.

Trong bộ phim All is Well mới đây của Trung Quốc, nhân vật nữ chính là Tô Minh Ngọc - một cô gái bị ảnh hưởng suy nghĩ cổ hủ, trọng nam khinh nữ của cha mẹ, thế nên không bao giờ được tạo điều kiện học hành, trong khi các em trai đều được dành cho những điều tốt đẹp nhất.

Bộ phim mô tả khát khao được đọc sách, được tìm hiểu thông tin của cô bé, nhưng bố mẹ đều phũ phàng từ chối. Khi trưởng thành, Minh Ngọc gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, tâm lý mất cân bằng, thậm chí không tìm thấy tiếng nói chung với bố mẹ.

2. Không chi tiền cho các hoạt động tập thể do trường, lớp, nhóm... tổ chức

Khi trẻ lớn hơn, các hoạt động giao lưu, tương tác xã hội của chúng càng nhiều hơn. Ở trường, trẻ tham gia nhiều hơn các hoạt động nhóm, đoàn thể, tổ chức... , hoặc trẻ hình thành các nhóm bạn và có nhiều hoạt động tương ứng như dự sinh nhật, tiệc tập thể...

Nhiều cha mẹ cho rằng điều đó là không cần thiết vì "chỉ cần học là đủ", tuy nhiên phụ huynh quên mất rằng các hoạt động tập thể giúp trẻ hướng ngoại, tự tin hơn và dễ dàng hòa nhập vào tập thể.

Việc cha mẹ từ chối cho con tham gia các hoạt động nhóm khiến trẻ thiếu tính tương tác, khi lớn lên, khả năng hòa nhập xã hội, tinh thần đoàn kết thấp. Trẻ thậm chí có thể thấy mình như bị cô lập trong lớp. 

Có những việc tiết kiệm là tốt, nhưng có những chuyện không nên quá tiết kiệm, vì nó làm tổn thương đến con mình.

3. Tiết kiệm chi phí y tế cho con

Nhiều cha mẹ khi con gặp vấn đề về sức khỏe thì không lưu tâm, nghĩ rằng con chỉ "ốm xoàng, vài hôm là khỏi".

Trên thực tế, có một vài dấu hiệu cần được chú ý và điều trị kịp thời, thay vì tâm lý "tốn tiền đi viện", nếu không hậu quả sẽ khó lường. Khi bệnh nhỏ trở thành nghiêm trọng, cha mẹ sẽ là người hối tiếc nhất.

Cậu thanh niên Cầu Cầu khi chơi bóng đã bị thương, bác sĩ nhận định bị đứt dây chằng. Xót tiền cho con tái tạo dây chằng, cha Cầu Cầu lần lữa, cứ để con tạm đi tập tễnh một thời gian. Tuy nhiên, sau đó, cậu đau nhiều hơn.

Bác sĩ kiểm tra phát hiện không chỉ dây chằng chéo bị đứt, sụn của cậu cũng hư hại nhiều, nếu không có dây chằng, sụn sẽ mòn, càng nguy hiểm cho đôi chân. Cuối cùng, Cầu Cầu buộc phải lên bàn mổ, với chi phí phẫu thuật tăng lên gấp bội, sức khỏe bị ảnh hưởng.

Việc kiếm tiền khó khăn khiến nhiều cha mẹ nảy sinh tâm lý tiết kiệm, nhưng cần phải phân biệt rõ lúc nào nên tiết kiệm, lúc nào không. Đừng quên rằng đồng tiền còn có thể kiếm lại, chớ nên để một chút tiết kiệm gây ra tổn thất lớn lâu dài.

Tin bài liên quan