Tư vấn nở rộ, VietinBankSc hoàn thành vượt mức kế hoạch

(ĐTCK) TTCK năm qua không mấy khởi sắc, nhưng CTCK Công thương (VietinBankSc) vẫn hoàn thành vượt mức kế hoạch lợi nhuận 11,8%, với 95 tỷ đồng trước thuế. Kết quả đó, theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc VietinBankSc, là nhờ mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp phát triển mạnh.
Tư vấn nở rộ, VietinBankSc hoàn thành vượt mức kế hoạch ảnh 1

 Ông Khổng Phan Đức

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về các mảng hoạt động của Công ty trong năm qua?

Năm 2015, hoạt động tự doanh của Công ty khá ổn định. Với định hướng đầu tư PE là chiến lược chủ đạo, tự doanh là hoạt động đóng góp lớn nhất vào cơ cấu lợi nhuận, với 48,4%.

Mảng có đóng góp lớn tiếp theo là tư vấn tài chính doanh nghiệp, với 41,9%. Năm qua, hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp nở rộ, với gần 100 hợp đồng tư vấn được thực hiện, mang lại doanh thu 98,14 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với năm 2014. Trong đó, doanh thu chủ yếu từ hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu và thu xếp vốn. Chúng tôi đã tư vấn thành công cho 14 công ty và tập đoàn như Vingroup, Novaland, CII, Tổng công ty Đông Bắc (Bộ Quốc phòng), Thủy sản Minh Phú... trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thu xếp vốn, tổng giá trị thu xếp vốn đạt 25.000 tỷ đồng.

So với năm 2014, mảng môi giới của chúng tôi có bị ảnh hướng ít nhiều do yếu tố thị trường. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng đến việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh chung của Công ty. 

VietinBankSc được biết đến là công ty có kinh nghiệm trong các hoạt động tư vấn truyền thống như cổ phần hóa, phát hành vốn, niêm yết, nhưng hầu như chưa có dấu ấn nào trong lĩnh vực tư vấn M&A. Công ty có kế hoạch gì để khẳng định mình trong lĩnh vực mới này?

Riêng với mảng tư vấn M&A, chúng tôi đúng là “lính mới”. Mặc dù là “lính mới”, nhưng VietinBankSc có chiến lược và định hướng rõ ràng trong việc phát triển mảng dịch vụ này, đồng thời đã bước đầu khẳng định mình bằng những kết quả cụ thể.

Hoạt động M&A tại Việt Nam có 2 mảng, M&A trong nước và M&A giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài. Chúng tôi định hướng cung cấp mảng dịch vụ M&A giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập với thị trường quốc tế. Vai trò của chúng tôi trong mảng dịch vụ này là tư vấn cho bên bán.

Với định hướng dịch vụ như vậy, chúng tôi đã chuẩn bị cho mình cơ sở khách hàng thông qua sự hỗ trợ của Ngân hàng mẹ VietinBank, đồng thời chúng tôi cũng đã xây dựng mối quan hệ với 40 đối tác làm tư vấn bên mua cả trong và ngoài nước, vì vậy, khả năng thành công của các thương vụ mà chúng tôi tư vấn là rất cao.

Trong năm 2015, VietinBankSc đã được vinh danh là “CTCK tiêu biểu hạng mục phát hành trái phiếu riêng lẻ” do Diễn đàn M&A Việt Nam 2015 bình chọn dành cho hạng mục Tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ.    

Vừa qua, VietinBank và VietinBankSc đã tư vấn thành công thương vụ M&A giữa Tập đoàn Koizumi (Nhật Bản) và CTCP QH Plus. Theo nội dung ký kết, Tập đoàn Koizumi mua lại 23% cổ phần của CTCP QH Plus, đồng thời tiến đến xây dựng một mô hình kinh doanh các sản phẩm phụ kiện xây dựng chuyên nghiệp. Trong khi đó, các sản phẩm do Koizumi sản xuất, phân phối sẽ nằm trong toàn bộ hệ thống kinh doanh của QH Plus. Ngược lại, các sản phẩm do QH Plus sản xuất cũng sẽ có mặt tại các kênh bán hàng của Koizumi. 

Ông có thể chia sẻ về triển vọng TTCK năm 2016 và chiến lược của Công ty trong năm nay?

TTCK năm 2015 chịu nhiều áp lực từ những biến động vĩ mô thế giới. Fed tăng lãi suất, TTCK Trung Quốc rơi vào tình trạng bong bóng, đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá so với USD, giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu đã ảnh hưởng lớn tới giao dịch của NĐT nước ngoài cũng như tâm lý NĐT trong nước. Đây là năm thứ hai liên tiếp, chứng khoán Việt Nam điều chỉnh trong tháng 11 và 12 cùng thanh khoản rơi xuống mức thấp. 

Tuy nhiên, khi những yếu tố vĩ mô đã có tác động nhất định tới TTCK toàn cầu trong năm 2015, câu chuyện của 2016 có thể sẽ khác. Những sự kiện lớn không còn mới sẽ giúp NĐT đơn giản hóa việc dự báo TTCK. VietinBankSc cho rằng, NĐT nước ngoài sẽ là cú hích quan trọng nhất để chứng khoán Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2016 khi dòng tiền nội đang tỏ ra yếu dần.

Tín dụng đã tăng trưởng 17,17% tính đến ngày 21/12/2015 (theo Ngân hàng Nhà nước), nhưng dòng tiền chủ yếu chảy vào hoạt động sản xuất - kinh doanh của nền kinh tế. Khi dòng tiền trong nước đang thờ ơ với chứng khoán, vốn ngoại sẽ là yếu tố cần thiết để chứng khoán Việt Nam thực sự bứt phá năm 2016.

Vấn đề thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chịu ảnh hưởng lớn bởi giá trị đồng USD. Chúng tôi nhận định Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất năm 2016 khiến vốn ngoại sẽ khó tăng trưởng mạnh so với năm 2015. Chúng tôi cho rằng TTCK sẽ còn gặp nhiều khó khăn đặc biệt là vào quý I/2016, tuy nhiên cơ hội đầu tư vẫn luôn xuất hiện và sẽ cho thấy sự phân hóa rõ nét. Điểm khác biệt chính ở đây là khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của các ngành nghề.

Chiến lược của VietinBankSc trong năm 2016 là tiếp tục thực hiện định hướng phát triển thành một định chế tài chính cung cấp đầy đủ các dịch vụ của một ngân hàng đầu tư. Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững vị thế của mình trong mảng dịch vụ tư vấn tài chính truyền thống, chúng tôi sẽ đầu tư đẩy mạnh hoạt động M&A và các dịch vụ tài chính khác như kết nối cơ hội hợp tác, các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm cung cấp giải pháp tài chính toàn diện cho doanh nghiệp.

Tin bài liên quan