Tự sự của một PR*

Tự sự của một PR*

(ĐTCK) 11h đêm, đang thiu thiu cho cậu con trai 3 tuổi ngủ, bỗng tiếng chuông điện thoại di động réo rắt vang lên, nhìn vào màn hình, giật mình, “Sếp gọi. Lại có chuyện đại sự rồi đây”.

1. Ông xã đang lúi húi làm việc phòng bên, vốn đã quen với cảnh bị chen ngang, vội chạy về trông con. Tôi nghe sếp mà não cả lòng: “Trên mạng vừa có bài báo nhạy cảm, yêu cầu gỡ khẩn cấp”. Vội vàng vào Google, tìm xem bài sếp vừa chỉ thị đầu cua tai nheo thế nào.

Đó là bài viết về sếp, vốn đang là ông chủ một ngân hàng lớn và mấy thương vụ M&A mà sếp mới tham gia, bài tưởng rất hiền hòa nhưng lại ẩn chứa thông tin đáng ngại, đó là tình trạng sở hữu chéo và công ty sân sau của chủ ngân hàng. Giờ mà gọi cho mấy anh chị nhà báo thân quen để hỏi thăm lai lịch người viết thì không tiện, thôi đành để sáng mai. 12h30, chợp mắt, trong giấc ngủ tôi vẫn chập chờn lệnh sếp và câu hỏi lởn vởn “làm sao để gỡ bài”.

Ngay đầu giờ sáng tôi đã phải vội vàng chào hỏi mấy anh chị quen thân để biết được tên tác giả bài viết. Bài viết không sai, bởi thế chỉ còn cách nói khó nhờ tòa soạn xử lý, nhưng đây lại là tờ báo nổi tiếng “rắn”, điện thoại lên xuống một hồi, tôi đành chịu thua. Cầm chắc chuyện bị khiển trách, tôi báo cáo sếp để sếp tự can thiệp. May rằng, dù sếp đã cầu viện nhiều mối quan hệ, báo này vẫn giữ vững quan điểm của mình. Vậy là thoát tội!

Nhưng cũng từ đó, sếp hạ lệnh: “PR phải có kịch bản để những bài như vậy đừng bao giờ xuất hiện”. Kịch bản gì đây, đầu tôi bắt đầu ong ong. 

2. Dự án bất động sản của một công ty thành viên xuất hiện trên báo với lý do chẳng lấy gì làm vẻ vang: Chưa có giấy phép xây dựng đã thi công. Phóng viên lấy nguồn từ thanh tra xây dựng phường. Bài viết được lan truyền với tốc độ chóng mặt, trong buổi sáng được nhân bản 15 web. Đau đầu hơn, điện thoại của sếp phó réo liên tục, toàn nhà báo hỏi thăm phỏng vấn. Vậy là nhóm truyền thông lại bắt tay xử lý khủng hoảng.

Báo viết đúng sự thật, chúng tôi đề xuất giải pháp đưa thông tin tiếp theo xem doanh nghiệp sẽ khắc phục như thế nào, đang xin giấy phép xây dựng ra sao? Song chủ tịch lại yêu cầu: “Gỡ hết và tìm cách để báo chí không đề cập đến vấn đề này nữa”. Chuỗi ngày đau khổ “ủ mưu” lại bắt đầu.

Vốn tốt nghiệp Khoa truyền thông Học viện Báo chí tuyên truyền, nhưng thực tế công việc khác xa với những gì chúng tôi được học. Mọi lý thuyết đều khó áp dụng bởi ý chí của ông chủ mới là quan trọng, là giải pháp phải thực thi. Trong Nam ngoài Bắc, báo chí có mặt khắp nơi, tính chưa đầy đủ đã có tới hơn 1.000 trang tin tức, trong đó, đau đầu nhất là đám “lá cải”, từ chúng tôi dùng chỉ những báo không chính thống. Thời đại này không quan tâm đến nhóm báo chí đó cũng không được.

Thuyết phục mướt mồ hôi, cuối cùng chúng tôi cũng được sếp đồng ý cho kế hoạch “thiết lập quan hệ” với hơn 100 đầu báo, còn hợp tác chặt chẽ chỉ có kinh phí “mon men” 10 báo chính thống, đưa tin bài khách quan và có uy tín. Nghề PR cứ nghe điện thoại sếp buổi tối là giật thon thót vì lại có thông tin nhạy cảm phơi bày trên báo rồi đây.

3. Đã lâu lắm rồi, năm nay, sếp xông xênh duyệt cho nhóm truyền thông tổ chức một kế hoạch hoành tráng dành riêng cho các anh chị nhà báo, trước đó chúng tôi vẫn thường tổ chức những buổi ăn trưa, cà phê nho nhỏ dành riêng cho các phóng viên, thậm chí cả người nhà của họ. Chẳng hạn, dịp Trung thu tổ chức cho các cháu xem hài kịch, chơi trò chơi. Đây chủ yếu là sự kiện nhân viên trong công ty tự biên tự diễn.

Do hoạt động của tập đoàn trải dài trên nhiều lĩnh vực nên các nhà báo mà chúng tôi cộng tác rất đa dạng. Họ làm việc ở nhiều tờ báo, phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua những sự kiện như vậy, chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn, mối quan hệ với rất nhiều người đã trở thành bạn bè, không đơn thuần là mối quan hệ giữa một nhân viên quan hệ công chúng với giới báo chí. Tất nhiên, trong phần việc của mình, chúng tôi vẫn phải gọi điện cho phóng viên, gửi thông cáo báo chí, nhờ họ đưa thông tin về doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, theo quan điểm của chủ tịch công ty, đây không phải thước đo sự thành công trong mối quan hệ với báo giới. Với sếp, thước đo thành công trong mối quan hệ với các cơ quan truyền thông là thông tin về doanh nghiệp xuất hiện trên mặt báo phải được “control” tuyệt đối.

Sau rất nhiều câu chuyện, nhiều vất vả, cuối cùng, chúng tôi tự xác lập với nhau, thành công là khi có sự việc liên quan đến doanh nghiệp trong tập đoàn, chúng tôi sẽ nhận được những email, hoặc điện thoại với nội dung: “Anh/chị vừa nhận được phản ánh của bạn đọc/của nhà quản lý về dịch vụ A của bên em, anh/chị sẽ viết bài phản ánh, em xem bên em có ý kiến gì và trả lời sớm về vấn đề này cho báo”.

Sếp tôi hiện cũng đã hiểu rằng, trong xã hội thông tin bùng nổ như hiện nay, việc thông tin xấu lan truyền nhanh dù với bất cứ dụng ý gì là không thể ngăn cản. Sếp đã quán triệt trong nội bộ doanh nghiệp để phối hợp cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ cho cơ quan báo chí. Tuy nhiên, duy chỉ có một điều chúng tôi vẫn chưa thể thuyết phục được ông. Đó là mỗi khi có câu chuyện nhạy cảm liên quan đến doanh nghiệp, chúng tôi vẫn phải xắn tay áo thực hiện chiến dịch gọi vui là “chiến dịch gỡ bài”.

(*PR: Nhân viên quan hệ công chúng)

Tin bài liên quan