Tự sự của một nhà đầu tư nhân ba tài khoản trong năm 2020

Tự sự của một nhà đầu tư nhân ba tài khoản trong năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nếu coi đầu tư chứng khoán trong năm 2020 là một chuyến tàu Bắc - Nam, có người xuống rồi lại lên thì tôi kiên định tham gia suốt hành trình đó.

1. Tôi tham gia đầu tư chứng khoán ngay từ những ngày đầu mở cửa thị trường, trải qua nhiều thăng trầm, được mất.

Năm 2020, tôi vẫn thường nói vui với nhóm nhà đầu tư thân thiết rằng, nếu coi đầu tư chứng khoán là một chuyến tàu Bắc – Nam, có những người xuống rồi lại lên thì tôi vẫn kiên định trên chuyến tàu đó từ thời điểm VN-Index chạm đáy vào tháng 3/2020 khi tin tức về con Covid-19 tràn ngập mặt báo và cả nước thực hiện giãn cách xã hội.

Từ số tiền 30 tỷ đồng, luôn sử dụng margin tối đa, đến nay, giá trị ròng tài sản của tôi là trên 100 tỷ đồng. Danh mục của tôi chủ yếu gồm cổ phiếu thép, ngân hàng, chứng khoán.

Tôi đã mua 1,2 triệu cổ phiếu VND với giá vốn 11.000 đồng/cổ phiếu, 500.000 cổ phiếu HPG ở thời điểm cuối tháng 3, cổ phiếu MBB mua thời điểm giá 13.000 đồng/cổ phiếu, hay BSI, NKG, CTG… đều ở vùng đáy.

Từ số tiền 30 tỷ đồng, luôn sử dụng margin tối đa, đến nay, giá trị ròng tài sản của tôi là trên 100 tỷ đồng.

Chiến thuật đầu tư của tôi là dàn hàng ngang. Xác định ngành nào có triển vọng, tôi sẽ mua ít nhất 3 - 5 mã và thường giữ trong chu kỳ dài, dù thị trường có những giai đoạn điều chỉnh.

Tất nhiên, cũng có những lúc tôi bị dao động và hành động theo cảm xúc. Chẳng hạn, tôi đã bán bớt 400.000 cổ phiếu VND ở mức giá chưa đến 20.000 đồng/cổ phần để chuyển sang mua cổ phiếu khác và sau đó tốc độ tăng giá của mã chứng khoán này không nhanh như VND.

2. Thị trường chứng khoán 2020 đã vượt qua kỳ vọng và dự đoán của tất cả các thành viên thị trường, song, điều chúng ta quan tâm là sức bền của thị trường sẽ duy trì đến đâu, đợt bùng nổ này có gì giống và khác so với những đợt bùng nổ của thị trường trong quá khứ? Hỏi và tìm câu trả lời sẽ đem đến cho các bạn nhiều điều khá lý thú.

Trước hết là sự tham gia của các chủ doanh nghiệp, các đại gia được mệnh danh những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán. Tôi có một chị bạn là chỗ thân tín, quản lý tài sản cho chủ tịch một tập đoàn vật liệu xây dựng lớn trên thị trường. Chị kể, đã hai năm nay, anh này chỉ gom vào cổ phiếu của tập đoàn anh làm chủ.

Cứ mỗi khi có tin xấu, giá cổ phiếu lao dốc, anh lại gom vào. Ở thời điểm tháng 3 năm nay, anh repo cả nghìn tỷ đồng mua cổ phiếu. Có lực đẩy mạnh như thế hỏi sao mã chứng khoán này không liên tục leo dốc?

Có rất nhiều chủ doanh nghiệp khác sử dụng chung cách thức như thế. Họ không sử dụng vốn vay trong nước, mà thông qua con đường chứng khoán hóa tài sản để vay vốn ở nước ngoài, thông qua các công ty chứng khoán nước ngoài đang có sự hiện diện rộng rãi ở Việt Nam.

Những “tay to” trên thị trường này đã tạo lực kéo rất lớn tới một lớp nhà đầu tư đã có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán như chúng tôi tham gia mạnh mẽ và chắc chắn xuống tiền, cứ có tiền là đổ vào chứng khoán, không tiếc tay.

Nói về nhà đầu tư, không thể không nhắc đến đội quân F0. Nếu họ chỉ là những bạn trẻ sinh viên, xếp hàng dài dằng dặc trước quầy giao dịch của các công ty chứng khoán như VPS mỗi 3 giờ chiều để mở tài khoản, thị trường sẽ không có lực đẩy lớn như vậy.

Nhưng không, F0 năm nay là những nhà đầu tư đã có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản sau nhiều năm tích cóp được tài sản và thắng lớn từ đất đai.

F0 năm nay là những nhà đầu tư đã có hàng chục, hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản sau nhiều năm tích cóp được tài sản và thắng lớn từ đất đai.

Họ là những nhà đầu tư có trình độ, có hiểu biết và kinh nghiệm, bởi thế chúng ta mới thấy chỉ số chung tăng rất mạnh nhưng không phải cổ phiếu nào cũng tăng giá ầm ầm. Vẫn có hàng trăm mã cổ phiếu có thị giá ngang cốc trà đá, mớ rau nằm trên các bảng điện tử.

Một lực đẩy rất vững khác là các quỹ ETF, trong đó nguồn tiền lớn được cho là chủ yếu huy động từ nước ngoài. Đây là những thể thức, sản phẩm đầu tư mới, rất mới của năm 2020.

Những công ty chứng khoán như SSI, BSI, Bảo Việt, Mirae Asset đã lập ra các quỹ ETF, mua nhiều cổ phiếu đã hết room trên thị trường, trong khi đây là những mã được nhà đầu tư nước ngoài và giới chuyên môn, đầu tư đánh giá còn rất nhiềm tiềm năng.

Thành thực mà nói, định giá của những mã cổ phiếu này hiện thấp xa so với những mã cổ phiếu của các doanh nghiệp có quy mô tương tương trong khu vực, chứ chưa nói đến thế giới.

Tiền Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo cách này được nhìn nhận là rất lớn và sẽ còn tiếp tục lớn. Hàng trăm triệu USD vào ròng các quỹ ETF trong năm 2020 đã chứng minh điều đó.

Trong đợt tăng giá của thị trường chứng khoán năm nay, cũng chưa thấy các chủ doanh nghiệp đổ xô phát hành để pha loãng giá cổ phiếu.

Ở nhiều doanh nghiệp lớn, tôi thấy họ có kế hoạch phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược nước ngoài và trong nước để cùng hướng đến các giá trị mới, đưa công ty lớn hơn với các dự án đầu tư có triển vọng hơn.

3. Nhìn lại năm 2007, sự bùng nổ của thị trường chứng khoán chủ yếu do nhà đầu tư nước ngoài đổ xô vào thị trường Việt Nam, trước thềm đất nước gia nhập WTO và tiền của nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường.

Dù nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán hiện nay đang lặp lại giống thời kỳ 2007, cứ mua cổ phiếu là thắng, nhưng không thực sự như vậy.

Trong đó, có rất nhiều người không hiểu gì về thị trường chứng khoán, mua cổ phiếu nhưng không biết gì về doanh nghiệp, mua bất cứ cổ phiếu nào được mai mối và mua nhiều cổ phiếu OTC.

Tôi còn nhớ, thị giá cổ phiếu một số mã mà mình đã bán những ngày đó, FPT 525.000 đồng/cổ phiếu; PVFC (nay là PVCombank) 78.000 đồng/cổ phiếu; PVS hơn 200.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ cần tham dự đấu giá mua cổ phần một doanh nghiệp nào đó, có tờ thông báo trúng đấu giá, nhà đầu tư đã có thể sang tay thu lãi cả chục giá.

Cầu lớn trong khi nguồn cung, nguồn hàng trên thị trường rất ít đã đẩy giá cổ phiếu bong bóng nhiều lần giá trị thực.

Đó là thời mà cho đến nay, những nhà đầu tư như chúng tôi vẫn gọi là “điên rồ”. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày nay còn rất xa mới lặp lại những cảnh mua bán như vậy.

Một điểm khác biệt nữa là lãi suất. Năm 2007, lãi suất tiền gửi duy trì khá cao gần 10%/năm.

Năm 2009, khi các gói cứu trợ trên thế giới và ở Việt Nam được tung ra sau sự kiện đổ vỡ của Ngân hàng Leman Brother, lãi suất tiền gửi lên tới hơn 20%/năm. Còn ở thời điểm này, lãi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm còn chưa tới 2%/năm, lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ dao động quanh 5%/năm.

Đầu năm 2021, các nhận định từ chuyên gia kinh tế đều chia sẻ quan điểm chung là chính sách lãi suất thấp còn tiếp tục duy trì.

Dù nhiều ý kiến cho rằng thị trường chứng khoán hiện nay đang lặp lại giống thời kỳ 2007, cứ mua cổ phiếu là thắng, nhưng như tôi đã phân tích, không thực sự như vậy. Bạn cứ thử liệt kê mà xem, vẫn có nhiều mã tăng giá không bằng lãi suất tiết kiệm.

Vẫn có nhiều mã giảm sàn trong những phiên thị trường bùng nổ như tuần qua hoặc có nhiều mã vẫn quẩn quanh mức giá thiết lập được từ vài tháng nay. Dòng tiền và nhà đầu tư đã thông minh hơn rất nhiều.

Tin bài liên quan