Từ nay đến cuối năm, khó giảm trần lãi suất

Từ nay đến cuối năm, khó giảm trần lãi suất

(ĐTCK) Tuy lãi suất cho vay đã được mot số ngân hàng điều chỉnh về dưới trần huy động, song theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, lãi suất đầu vào kỳ hạn ngắn sẽ khó giảm về dưới 9%/năm, dù còn dư địa để hạ.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị và Kinh doanh, Trường Đại học Ngân hàng TP. HCM

Hiện lãi suất đang gánh quá nhiều nhiệm vụ. Nếu từ nay đến cuối năm, trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn điều chỉnh giảm thêm sẽ khó huy động được vốn. Song, nếu không giảm tiếp, nhà băng sẽ khó giảm mạnh lãi suất đầu ra, DN sẽ khó khăn vì không cắt giảm được chi phí đầu vào. Đó chính là mâu thuẫn của bài toán lãi suất hiện nay.

Nếu cân đối trên tất cả các mặt, theo tôi, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ giữ mức ổn định như hiện nay, cho dù dư địa để giảm vẫn còn khoảng 1%/năm. Mặt khác, công cụ trần lãi suất cần tiếp tục được duy trì để ổn định mặt bằng lãi suất. Cho dù thực tế thị trường vẫn xuất hiện tình trạng “xé” rào lãi suất kỳ hạn ngắn, nhưng hiện tượng đó chỉ ở nhà băng yếu kém về thanh khoản và khó cạnh tranh huy động vốn.

Mức lãi suất áp dụng cho khách hàng DN ưu tiên từ 10 - 13%/năm, theo tôi, vẫn còn áp lực đối với DN trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác, lãi suất cho vay trên hiện chưa được áp dụng phổ biến cho tất cả DN ở các lĩnh vực khác nhau. Các ngân hàng chỉ ưu tiên vốn giá rẻ cho một nhóm DN được ưu tiên và chọn lọc khá kỹ khách hàng trước khi trao vốn để hạn chế tối đa rủi ro nợ  xấu đang có dấu hiệu gia tăng. Nhưng dù sao, mức lãi suất cho vay giảm xuống 10 – 13%/năm cũng tốt hơn so với mức 16 – 17%/năm trước đó.

Nếu lãi suất kỳ hạn ngắn giảm thêm, sẽ khó huy động được vốn
 
Từ nay đến cuối năm, khó giảm trần lãi suất  ảnh 2

Lãi suất sẽ được điều chỉnh dần về cuối năm

TS Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN

Muốn giảm thêm lãi suất cho vay, đòi hỏi phải giảm được chi phí đầu vào. Áp lực lạm phát đang giảm dần và lạm phát sẽ đạt mức kỳ vọng về 9% vào cuối năm, thị trường ngoại tệ đang trong chiều hướng ổn định, tỷ giá khó biến động mạnh là cơ sở để ổn định lãi suất.

Theo tôi, việc duy trì trần lãi suất hiện nay chỉ là biện pháp hành chính tạm thời và sau khi NHNN có biện pháp giải quyết vấn đề thanh khoản của ngân hàng yếu kém bằng phương pháp sáp nhập, hợp nhất thì trần lãi suất sẽ sớm được gỡ bỏ. Tuy nhiên, để làm được việc này, cần chọn thời điểm thích hợp, nhằm ổn định lãi suất.

Hiện thanh khoản của nhiều ngân hàng đã được cải thiện so với trước, nhưng còn một số nhà băng thanh khoản vẫn yếu kém nên vẫn phải cạnh tranh để huy động vốn ở thị trường một (tổ chức kinh tế và dân cư).

Tuy nhiên, lãi suất cho vay sẽ phải tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm nữa, bởi nếu lãi suất không điều chỉnh giảm thêm, các ngân hàng sẽ khó có thể giải ngân được vốn.

Thực tế hiện nay, các DN không muốn vay vốn, do khả năng sinh lời từ các dự án sản xuất - kinh doanh khó có thể bù đắp được chi phí trong hoạt động cũng như trả lãi vay ngân hàng. Xu hướng lãi suất sẽ được điều chỉnh dần về cuối năm và dư nợ tín dụng cũng dần được cải thiện. Lúc này, sức mua thị trường mới có thể được cải thiện. 

 

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Theo tôi, từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ không giảm nhiều. Vì lạm phát kỳ vọng quyết định lãi suất cơ bản, song hiện lạm phát còn cao nên chuyện giảm lãi suất thêm sẽ khó. CPI được kiểm soát ở mức 8% vào cuối năm thì trần lãi suất huy động duy trì 9%/năm là hợp lý.

8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng huy động vốn đạt mức 10,3%, nhưng dư nợ tín dụng của chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2011, chứng tỏ nền kinh tế đang không hấp thu được vốn, do “cục máu đông” nợ xấu. Do đó, vấn đề hiện nay không phải là lãi suất giảm thêm mà cần phải giải quyết nợ xấu.

Lạm phát còn cao, khó giảm thêm lãi suất