Từ nay đến 2020, ngành điện cần 8 tỷ USD vốn đầu tư mỗi năm

Với mức tăng thêm 7,5% kể từ ngày 16/3, việc điều chỉnh giá điện được đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Theo ước tính, tăng giá điện lần này chỉ khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,18%, đồng thời không ảnh hưởng nhiều tới khách hàng là hộ gia đình.
Theo ước tính, tăng giá điện lần này chỉ khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,18%.

Theo ước tính, tăng giá điện lần này chỉ khiến chỉ số tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,18%.

Song đó mới là ước tính, bởi chỉ khi Bộ Công thương công bố biểu giá bán lẻ điện chính thức áp dụng cho các hộ sử dụng điện, thì doanh nghiệp và hộ gia đình mới có thể tính được tương đối chính xác tác động của việc tăng giá điện. Đã có một số dự báo cho rằng, khi giá điện tăng thêm 7,5%, giá thành sản xuất của các ngành sử dụng nhiều điện như xi măng, sắt thép có thể tăng 0,2 - 0,8% so với trước đó.

Trên thực tế, việc giá điện được giữ nguyên trong 19 tháng qua không có nghĩa là giá điện đã vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường, phản ánh đúng bản chất cung cầu trên thị trường điện. Qua báo cáo của ngành điện, có thể thấy, kể từ sau lần tăng giá gần đây nhất (tháng 8/2013) tới nay, ngoại trừ giá dầu, đã xuất hiện nhiều yếu tố tác động tới chi phí giá điện như giá than đầu vào, giá khí bán theo hợp đồng, thuế tài nguyên nước, tỷ giá..     

Hơn nữa, lượng điện sản xuất từ dầu giai đoạn 2013-2015 chỉ trên dưới 100 triệu kWh (tổng sản lượng điện cả năm 130-160 tỷ kWh), nên lợi thế giá dầu không phát huy nhiều tác dụng.

Tuy nhiên, với quyết định chọn phương án tăng giá điện thấp, Chính phủ và các cơ quan hữu trách đã nhìn rõ, trong khi thu nhập bình quân của người dân còn thấp, nếu tỷ trọng tiền điện trong chi tiêu cho sinh hoạt quá lớn, thì sẽ vượt quá sức chi trả của người dân. Hơn nữa, chi phí mua điện cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm sản xuất trong nước, giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chính phủ cũng yêu cầu EVN tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp đã chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Sở dĩ yêu cầu này được đặt ra là bởi năng suất lao động của EVN hiện chỉ bằng 1/10 Singapore, bằng 3/4 của Malaysia và chưa bằng 1/2 của Thái Lan. Tổng công ty Điện lực TP.HCM - đơn vị có năng suất lao động cao nhất EVN hiện cũng chỉ đạt 2,4 triệu kWh/người lao động. Trong khi đó, con số này tại Công ty Điện lực nhà nước Malaysia là khoảng 2,9 triệu kWh/người lao động, tại Tập đoàn Tepco (Nhật Bản) là 7,5 triệu kWh/người lao động...

Hiện tại, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người hàng năm tại Việt Nam mới đạt 1.500 kWh, bằng khoảng 50% mức tiêu thụ điện bình quân của thế giới. Nếu so với các nước phát triển (có mức tiêu thụ điện bình quân trên 10.000 kWh/người/năm), thì chặng đường mà ngành điện cần vượt qua để đáp ứng thoả đáng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đang còn đầy thách thức.

Đơn cử, ngoài thách thức phải nâng cao năng suất lao động, việc tìm kiếm vốn đầu tư cũng là bài toán nan giải. Ứơc tính, từ nay tới năm 2020, bình quân mỗi năm, ngành điện cần 8 tỷ USD vốn đầu tư. Nguồn vốn này, ngoài phần tự có của EVN và một số doanh nghiệp nhà nước, hiện trông chờ vào vốn vay của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế (WB, ADB, JICA, KWf, JBIC...) cùng vốn tư nhân, chủ yếu qua hình thức BOT. Trong khi đó, để thu hút các nguồn vốn này đầu tư vào dự án điện, thì việc đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường là yếu tố quan trọng. Thế nhưng nếu theo cơ chế thị trường, thì giá bán điện (chi phí biên dài hạn) giai đoạn 2015 - 2020 sẽ trên 9UScents/kWh, cao hơn so với giá điện áp dụng từ ngày 16/3 tới.

Đây không chỉ là vấn đề ảnh hưởng tới quyền lợi sát sườn của khách hàng tiêu thụ điện, mà còn là bài toán khó với chính ngành điện và cơ quan quản lý khi tính toán giá điện và hiệu quả đầu tư.

Tin bài liên quan