Những nỗ lực của Chính phủ Singapore
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Michael Gorriz, Giám đốc Công nghệ thông tin toàn cầu, Ngân hàng Standard Chartered, cho biết: “Tôi đã theo dõi SFF từ lúc chuẩn bị thành lập, khi Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đang xem xét và lên kế hoạch tổ chức một lễ hội Fintech. SFF 2016 là một thành công ngoạn mục, khi ngay trong lần đầu tiên tổ chức đã thu hút hàng ngàn người tham gia. Năm 2017, sự kiện này đã được phát triển thành mô hình hội nghị kết hợp triển lãm với tổng số người tham dự lên tới 25.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới. Tôi rất vinh dự tham dự sự kiện lần này và mong chờ các lần tổ chức tiếp theo”.
Không phải ngẫu nhiên mà sự kiện này thu hút đông đảo người tham dự đến vậy, mà đó là nỗ lực rất lớn từ Chính phủ Singapore. Từ tháng 8/2016, MAS đã xây dựng phòng thí nghiệm sáng tạo Fintech (Fintech Innovation Lab) và ngay sau đó, tháng 12/2016, MAS đã ban hành Khung pháp lý thử nghiệm cho phép các tổ chức tài chính cũng như phi tài chính được trải nghiệm các giải pháp Fintech trong môi trường thực tiễn có kiểm soát.
“Hiện tại, Singapore có 423 Fintech và 1.200 start-up công nghệ. Chính phủ Singapore đầu tư từ 1-1,5 triệu USD cho mỗi trung tâm đổi mới (Innovation Hub)”, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Ernst & Young Việt Nam cũng tham dự SFF 2017 thông tin.
Ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành MAS chia sẻ thêm, Singapore muốn trở thành nơi mà các tổ chức tài chính thử nghiệm, phát triển và áp dụng các giải pháp công nghệ mới. Chỉ trong vài năm gần đây, các tập đoàn đa quốc gia toàn cầu đã thiết lập hơn 30 phòng thí nghiệm đổi mới, hoặc các trung tâm nghiên cứu Fintech ở Singapore.
Theo đó, không gian khởi động Fintech đã trở nên sôi động hơn nhiều và Singapore bắt đầu thử nghiệm những cách thức mới trong việc thanh toán, tiết kiệm, đầu tư, mua bảo hiểm và lên kế hoạch nghỉ hưu.
“Sẽ không có hệ sinh thái đổi mới hoàn chỉnh nếu thiếu không gian vật lý để tạo điều kiện thử nghiệm và hợp tác. Do vậy, năm 2016, chúng tôi đã cho ra mắt LATTICE80, Trung tâm Sáng tạo Fintech đầu tiên của Singapore”, ông Menon nói.
Ông Menon cho biết, một trong những phần quan trọng nhất là làm thế nào để có thể đưa ra các quy định dẫn đến sự sáng tạo của Fintech, trong khi vẫn đảm bảo ổn định hệ thống và lợi ích của người tiêu dùng được bảo vệ? Điều này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về các công nghệ và mô hình kinh doanh mới, cũng như cảnh giác với những rủi ro tiềm ẩn, mà không làm giảm sự sáng tạo.
“MAS đã phải rất nỗ lực để đạt được sự cân bằng. Chẳng hạn, phát triển của Fintech đang buộc các nhà quản lý phải xem xét cách thức thực hiện quy định: Nếu Fintech chia nhỏ chuỗi giá trị dịch vụ tài chính, thì các nhà quản lý cũng có thể phải ‘chia nhỏ’ các quy định của họ.
Mặt khác, có những lĩnh vực - có thể là công nghệ mới hoặc mô hình kinh doanh mới - điều mà các nhà quản lý chưa có đầy đủ thông tin hoặc chưa được kiểm chứng, thì đó là nơi mà các khung pháp lý thử nghiệm được tạo điều kiện trải nghiệm trong môi trường có kiểm soát”, ông Menon nói.
…Đến những thành công cụ thể
TS. Michael Gorriz nhận định: “MAS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực tài chính trong khu vực. Với vị thế là trung tâm tài chính ở Đông Nam Á, Singapore có các điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các sáng kiến Fintech và thu hút các công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Điều này phù hợp với logic của thị trường: Tập trung cung và cầu vào một điểm”.
Chuyên gia này chia sẻ thêm, Standard Chartered đã xây dựng và đưa vào hoạt động phòng thí nghiệm đổi mới sáng tạo eXellerator tại Singapore. Phòng thí nghiệm này được sử dụng như một trung tâm để thúc đẩy các ý tưởng đổi mới, sáng tạo, thông qua quy tắc “lấy con người làm trung tâm”.
Theo đó, ngân hàng đánh giá một vấn đề và xem xét các giải pháp có thể nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, sau đó mời các công ty start-up có tiềm năng trong lĩnh vực Fintech tham gia thực hiện nhưng đánh giá nhanh về tính thực tiễn và khả thi của ý tưởng.
Ông Chang Wea Meng, Giám đốc Phòng thí nghiệm eXellerator cho biết: “Riêng trong năm 2017, chúng tôi đã tiếp xúc với 500 công ty Fintech hoặc các start-up mới nổi trong lĩnh vực công nghệ. Trong đó, chúng tôi thực hiện các cuộc đánh giá sâu về 90 công ty và mời 20 công ty đến phòng thí nghiệm để tiến hành các công việc và cùng với các đối tác kinh doanh của chúng tôi giải quyết các vấn đề thực tế. 4 trong số đó hiện đang ở những giai đoạn khác nhau trong quá trình thực hiện để đưa ra các ý tưởng và giải pháp thực tế tại Standard Chartered”.
Cũng theo ông Meng, trong số các công ty hiện đang hợp tác với eXellerator có Instabase, công ty có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), chuyên cung cấp nền tảng phần mềm với bộ ứng dụng để tự động hoá các hoạt động dữ liệu phức tạp, qua đó giúp ngân hàng cải thiện quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
Hay Bambu, một công ty của Singapore, chuyên cung cấp nền tảng tự động giúp ngân hàng xử lý các dữ liệu cũ, cũng như các dữ liệu hiện hữu để đưa ra các giải pháp đầu tư phù hợp với nhu cầu của từng khách hàng.
Việc này giúp các giám đốc quan hệ khách hàng của những ngân hàng thuộc khối ngân hàng tư vấn và quản lý tài sản (Private Banking) tìm kiếm được những thông tin cần thiết ngay sau khi nhận được yêu cầu tư vấn đầu tư của khách hàng, qua đó cải thiện hiệu quả công việc và mang đến sự hài lòng cho khách hàng.
“Chúng tôi mong muốn được thấy nhiều ngân hàng ở Singapore mở các Cổng kết nối giao diện lập trình ứng dụng (API) hơn nữa, nhằm tạo ra những lợi ích cho khách hàng. Ngay cả cơ quan chính phủ như Cơ quan Thuế nội địa Singapore (DBS) cũng đã tham gia”, ông Ravi Menon nói và cho biết, hiện tại, OCBC đã mở 43 cổng API và được các Fintech thường xuyên sử dụng; DBS đã ra mắt nền tảng phát triển API lớn nhất thế giới với hơn 170 API và có hơn 50 vụ hợp tác thành công; UOB gần đây cũng thiết lập một nền tảng API mở trong khu vực, khách hàng có thể đưa ra ý kiến hoặc đọc nhận xét về nhà hàng, nơi lưu trú, trả tiền bữa ăn… bằng ứng dụng di động của UOB…
Fintech Việt: Bắt sóng vẫn còn chậm
Thông tin từ Ban chỉ đạo về lĩnh vực Fintech của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, hiện có hơn 40 công ty Fintech hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó phần lớn tập trung vào mảng thanh toán. Có 2/3 doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech ở Việt Nam đang cung cấp cho người tiêu dùng công cụ thanh toán trực tuyến (123Pay, MoMo), cung ứng giải pháp thanh toán kỹ thuật số POS/mPOS (iBox, Moca), chuyển tiền (Matchmove, Cash2vn)…
Ngoài ra, thị trường Fintech Việt Nam còn có doanh nghiệp khởi nghiệp hoạt động ở những lĩnh vực khác như gọi vốn cộng đồng (FundStart, Firststep), dịch vụ cho vay trực tuyến (LoanVi, Tima), quản lý dữ liệu tài chính cá nhân (Mobivi, Moneylover), quản lý dữ liệu khách hàng (CircleBi, Trusting Social), ngân hàng kỹ thuật số (Timo), so sánh dịch vụ tài chính (BankGo, GoBear), cầm đồ online (F88)...
Có thể thấy, khái niệm Fintech đã không còn quá xa lạ và nhiều nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực Fintech đã ra đời tại Việt Nam trong những năm qua. Bắt nhịp cùng xu hướng này, VPBank vừa cho biết, trong năm 2017 và 2018, Quỹ VPBank Startup sẽ dành ít nhất 1 triệu USD để thực hiện các giải pháp hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, trong đó xây dựng các không gian làm việc chung dành cho start-up mang tên UP@VPBank...
Cũng tham dự SFF 2017, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ: “VietinBank đang thành lập một Fintech lab - không gian trao đổi giữa VietinBank và các công ty Fintech. Đây không đơn thuần là một không gian vật lý, mà là nơi các Fintech gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh. Nếu có ý tưởng phù hợp, VietinBank sẽ bố trí nhân sự làm việc chung với Fintech nhằm tinh chỉnh ý tưởng, tiến hành thử nghiệm để có thể kiểm tra được kết quả, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm mới”.
Ông Varun Mitta, Trưởng Khối dịch vụ Fintech khu vực ASEAN của Ernst & Young, Thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore nhận định, Việt Nam là một trong số ít quốc gia Đông Nam Á đã tự xây dựng cho mình những nền tảng lớn, thay vì phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Zalo là một ví dụ về ứng dụng giao tiếp được phát triển tại Việt Nam, nhưng lại được quốc tế đón nhận và sử dụng rộng rãi.
“Việt Nam có tiềm năng rất lớn để xây dựng Fintech và phát triển ra khu vực Đông Nam Á, cũng như toàn cầu. Đây có thể coi là cuộc cách mạng Fintech trong vòng 15-20 năm tới. Nếu như những quốc gia khác được biết tới là nơi sản xuất trò chơi điện tử, điện thoại, hay laptop, thì biết đâu trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ được biết đến là nơi bắt nguồn của các giải pháp Fintech. Để hiện thực hóa điều này, mọi việc phải bắt đầu ngay từ bây giờ…”, ông Mitta nói.
“Không bao giờ là quá muộn để tìm kiếm một thế giới mới hơn”, ông Ravi Menon chia sẻ.