Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Tự doanh “nhạy cảm” với các ngưỡng kháng cự

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Mỗi khi VN-Index tiếp cận các ngưỡng kháng cự, khối tự doanh công ty chứng khoán thường có động thái bán ròng, dù xu hướng chung của chỉ số từ đầu tháng 4 đến nay là tăng.

4 đợt bán ròng

Diễn biến của thị trường chứng khoán năm nay có nhiều điểm khác biệt so với mọi năm khi mà thanh khoản ghi nhận tăng đột biến trong bối cảnh khối ngoại bán ròng liên miên. Bên cạnh đó, động thái và xu hướng mua - bán của khối tự doanh được thị trường quan tâm hơn.

Từ đầu năm đến nay, khối tự doanh có 4 đợt bán ròng lớn. Đợt một vào tháng 4, bán cắt lỗ do thị trường giảm mạnh vì Covid-19, giá trị bán ròng khoảng 1.900 tỷ đồng. Đợt hai là bán phân phối ở đỉnh đợt phục hồi đầu tiên vào tháng 6. Đợt ba vào thời điểm VN-Index kiểm tra ngưỡng kháng cự 900 điểm trong tháng 9 (giá trị bán ròng 726 tỷ đồng). Đợt bốn từ tuần thứ 2 của tháng 11, khi chỉ số kiểm tra vùng kháng cự mới quanh 970 điểm.

Diễn biến VN-Index và giá trị mua bán ròng của khối tự doanh.

Diễn biến VN-Index và giá trị mua bán ròng của khối tự doanh.

Tuy nhiên, trong tháng 10, bất chấp đà bán ròng hơn 7.700 tỷ đồng từ khối nhà đầu tư nước ngoài, tự doanh công ty chứng khoán mua ròng 2.121 tỷ đồng, tập trung vào các mã blue-chips như HPG, TCB, VIC...

Đáng chú ý là giao dịch của khối này không có sự đồng thuận khi giá trị mua và bán đều lớn. Chẳng hạn, mã HPG và TCB có giá trị mua vào lần lượt là 797 tỷ đồng và 722 tỷ đồng, nhưng giá trị bán ra tương ứng là 690 tỷ đồng và 467 tỷ đồng.

Bước sang tháng 11/2020, khi chỉ số tiến lên mốc 1.000 điểm, vốn được coi là ngưỡng kháng cự mạnh, khối tự doanh quay sang bán ròng. Giao dịch toàn thị trường nhìn chung vẫn tích cực khi điểm số và thanh khoản giữ được “phong độ”, nhưng khối tự doanh bán ra nhiều hơn mua vào. Tính từ đầu tháng 11 đến nay, tự doanh công ty chứng khoán bán ròng hơn 500 tỷ đồng.

Một số mã tăng giá mạnh từ đáy như MWG, DIG, CVT, HSG được khối tự doanh bán ra chốt lời. Ở chiều mua vào, khối này tập trung vào các mã vốn hóa lớn và nằm trong rổ chỉ số VN30.

Soi danh mục tự doanh

Hoạt động tự doanh của không ít công ty chứng khoán hiện không đơn thuần là hoạt động đầu tư, mà còn là nghiệp vụ “phụ trợ” cho các sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán tại Hà Nội chia sẻ, tự doanh hiện tại bám theo chiến lược của công ty, chứ không chỉ là kinh doanh nguồn tiền được phân bổ. Chiến lược kinh doanh của các công ty chứng khoán khác nhau dẫn đến danh mục tự doanh cũng khác nhau.

Tự doanh đầu tư truyền thống điển hình là Công ty Chứng khoán SSI. Công ty này có Công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) nên danh mục tính đến cuối quý III/2020 vẫn theo hướng đầu tư tài chính truyền thống, với các mã cổ phiếu cơ bản quen thuộc như FPT, HPG, MWG, PLX… Trước đó, trong quý II, SSI đã chốt lời cổ phiếu DBC khi giá tăng mạnh.

Trong khi đó, một số công ty chứng khoán khác chọn hoạt động tự doanh chủ yếu để tạo lập sản phẩm mới. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) tạo lập cho E1VFVN30 (quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN30) và FUEVFVND (quỹ ETF mô phỏng chỉ số VN Diamond), nên danh mục tự doanh của Công ty dàn trải theo các mã trong VN30 và số dư không quá lớn, đủ để đáp ứng các nghiệp vụ với khách hàng.

Hay tự doanh Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chủ yếu là đầu tư thông thường, nhưng trong danh mục có không ít cổ phiếu có giá trị đầu tư lớn và các mã đó thuộc danh mục của bộ phận tư vấn như DIG, trước đó là TCB, MSN.

Một số chiến lược tự doanh khác tập trung vào cổ phiếu và và nhỏ hoặc trái phiếu. Trong thời gian tới, dự kiến danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán sẽ phản ánh đậm nét hơn chiến lược kinh doanh của từng công ty, nhất là khi thị trường có thêm sản phẩm mới.

Tin bài liên quan