Ông Võ Trường Thành.

Ông Võ Trường Thành.

TTF không có tranh chấp 233,5 héc-ta rừng

(ĐTCK) Vừa qua, một số phương tiện truyền thông đưa tin về vụ xô xát trong cuộc họp ĐHCĐ của CTCP Trồng rừng Trường Thành (TTP) - công ty con của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF). Thực hư chuyện này ra sao? ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Võ Trường Thành, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc TTF.

Thưa ông, có hay không việc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Tân Phát - cổ đông nắm 37% cổ phần của TTP không được tham dự ĐHCĐ của TTP?

Đây là thông tin có nhiều điểm chưa chính xác. Thứ nhất, theo sổ cổ đông và theo bằng chứng ghi nhận từ các báo cáo kiểm toán, thì Công ty Tân Phát chỉ sở hữu 33,81% cổ phần của TTP. Thứ hai, chúng tôi không hề ngăn chặn ông Phạm Hoài Nam - Giám đốc Tân Phát tham dự ĐHCĐ, vì lúc 14h15 ngày 23/11, khi mọi người đang họp ĐHCĐ trên tầng 3 văn phòng Công ty, thì phía ông Nam mới đến. Ông Nam không chịu ký tên vào danh sách cổ đông tham dự Đại hội theo đúng thủ tục, lại đi cùng 12 người khác (gồm vợ, con, nhà báo và các bảo vệ mà ông Nam thuê ở Công ty Đại Hải), trong đó có người mang cả vũ khí (gậy sắt), nên bộ phận kiểm tra tư cách cổ đông của TTP - lúc ấy chỉ có 1 nữ nhân viên và 2 bảo vệ của TTP, không đủ sức ngăn chặn.

 

Và đã có xô xát xảy ra ngay sau đó?

Do công tác kiểm tra tư cách cổ đông diễn ra ở tầng 2 văn phòng Công ty, nên chỉ khi ĐHCĐ kết thúc lúc 14h30, chúng tôi mới biết chuyện. Theo những gì chúng tôi nắm được thì ông Nam đã nhục mạ và xô xát với nhân viên của TTP là cô Nguyễn Thị Quý. Chính cô Quý đã gọi điện cho cảnh sát 113 đến giải quyết. Một số người trong nhóm ông Nam đã bị đưa về trụ sở Công an phường Thống Nhất (Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk). Tại đây, họ đã khai diễn biến kể trên.

 

Có phải TTP thay đổi địa điểm họp mà không thông báo, nên phía Tân Phát mới đến trễ và không thể tham dự?

TTP đã thực hiện việc triệu tập cuộc họp ĐHCĐ theo đúng trình tự quy định. Thư mời và tài liệu đã được gửi cho cổ đông trước 7 ngày làm việc. Trong thư mời, chúng tôi ghi rõ thời gian và địa điểm tổ chức đại hội là trụ sở Công ty. Tuy nhiên, trước khi chuẩn bị khai mạc ĐHCĐ, ông Nam có trực tiếp điện thoại cho tôi, yêu cầu dời địa điểm tổ chức Đại hội sang nhà riêng của ông Nam ở số 7 Phan Chu Trinh. Do đã đến giờ khai mạc, nên ngay đầu phiên họp, tôi - với tư cách Chủ tịch đã lấy ý kiến của các cổ đông có mặt tại Đại hội về yêu cầu này và kết quả là 100% cổ đông có mặt biểu quyết không đồng ý thay đổi địa điểm tổ chức. Băng ghi hình có ghi lại toàn bộ diễn biến này.

 

233,5 héc-ta rừng trồng mà TTP muốn bán có đang bị tranh chấp không, thưa ông?

TTP đề xuất ĐHCĐ thông qua bán đấu giá công khai cây đứng, chứ không bán rừng và việc bán đấu giá này, theo như tờ trình đã gửi đến các cổ đông là sẽ được thực hiện theo đúng trình tự đấu giá công khai theo Nghị định 17/2010/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn. Đến thời điểm hiện tại, chưa có một ghi nhận nào về việc 233,5 héc-ta rừng của TTP đang bị tranh chấp.

 

Ông có thể cho biết rõ hơn về khu rừng này, thời điểm dự kiến bán đấu giá, cũng như mức giá khởi điểm mà phía TTP đưa ra?

Đây là cánh rừng có chất lượng rất kém mà Công ty đã nhận góp vốn từ 5 năm trước từ Công ty Tân Phát. Rừng nằm sát với thị trấn và có thể chuyển thành rừng chuyên canh cây ăn trái hoặc cao su và có giá trị về quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, do cây trồng với mật độ sống rất thấp, sản lượng lấy ra khi khai thác không cao và theo điều tra của Phòng Lâm sinh thì ước thu về được chỉ hơn 14 tỷ đồng. Thời điểm bán đấu giá dự kiến trong tháng 12/2012, nhưng sẽ lệ thuộc vào quy trình của Công ty Tổ chức đấu giá tỉnh Đắk Lắk - đơn vị mà TTP dự định thuê để tổ chức đấu giá.