TTCK Việt Nam: Quan sát và chờ cơ hội

TTCK Việt Nam: Quan sát và chờ cơ hội

(ĐTCK) Đó là nhận định về động thái của đa số NĐT nước ngoài đối với TTCK Việt Nam.

Nhận định này sẽ được ông Dominic Scriven, đại diện Nhóm công tác Thị trường vốn sẽ nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013.

TTCK đã có những dấu hiệu hồi phục từ năm 2012 đến nay, nhưng chưa có nền tảng bền vững. Nhìn chung, sức khoẻ của các DN niêm yết còn yếu, thanh khoản thị trường còn thấp. NĐT nước ngoài dù đang quan tâm trở lại với TTCK Việt Nam , nhưng đa số vẫn còn đang quan sát và chờ cơ hội.

 

Cần lộ trình cổ phần hoá mới

Theo báo cáo của Nhóm công tác, chương trình cổ phần hóa các DNNN của Chính phủ đã gặt hái được một số thành công, tuy nhiên, quá trình này thời gian gần đây bị chậm lại, một phần do sự trì trệ của TTCK. TTCK rất cần những hàng hóa có chất lượng để thu hút NĐT cả trong và ngoài nước. Do đó, Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới, với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể.

TTCK Việt Nam: Quan sát và chờ cơ hội ảnh 1

Cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa, tạo hàng hóa chất lượng cho TTCK

“Cổ phần hóa là xương sống của các chính sách kinh tế phù hợp, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm của những thị trường mới nổi khác. Hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là định giá và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập”, báo cáo viết.

 

Mở room và bảng giao dịch riêng cho khối ngoại

Nhóm công tác Thị trường vốn đề nghị, cho phép NĐT nước ngoài được sở hữu đến 100% cổ phần trong các công ty Việt Nam trong các lĩnh vực, ngành phù hợp với lộ trình cam kết WTO của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng cơ chế cho NĐT nước ngoài có thể giao dịch cổ phiếu trong các công ty hết “room” một cách thuận lợi, minh bạch. Bảng giao dịch riêng cho NĐT nước ngoài là một gợi ý.

Đặc biệt, nên phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết dành riêng cho NĐT nước ngoài. Một điển hình áp dụng loại hình cổ phiếu không có quyền biểu quyết là Thái Lan, thông qua việc thành lập Thai NVDR Co., được sở hữu 100% bởi Sở GDCK Thái Lan. Công ty này có trách nhiệm phát hành và bán các cổ phiếu không có quyền biểu quyết cho NĐT nước ngoài. Mục đích của loại cổ phiếu này là cung cấp một công cụ đầu tư, cho phép NĐT nước ngoài có thể đầu tư và hưởng các quyền lợi tài chính (cổ tức, quyền mua cổ phiếu phát hành thêm…) trong các công ty nội địa, nhưng giới hạn họ không tham gia vào việc biểu quyết các vấn đề của công ty.

 

Đẩy mạnh tái cấu trúc CTCK

Theo ông Terence F. Mahony, Phó Chủ tịch VinaCapital, thành viên Nhóm công tác Thị trường vốn, hơn 100 CTCK hiện nay là quá nhiều cho TTCK Việt Nam, trong đó 10 công ty dẫn đầu đã nắm trên 50% thị phần, nhiều công ty còn lại có thị phần rất nhỏ, không đủ khả năng duy trì hoạt động. Thực tế, không ít CTCK gần như không hoạt động, hay hoạt động cầm chừng, thua lỗ kéo dài đến mức ăn thâm vào vốn sở hữu, dẫn đến năng lực tài chính yếu kém, gây rủi ro cao cho NĐT.

Nhóm công tác Thị trường vốn đề xuất, cần đẩy mạnh tái cấu trúc, mua bán - sáp nhập các CTCK nhằm giảm số lượng CTCK, nâng cao chất lượng và năng lực tài chính của CTCK, lành mạnh hóa thị trường; kiểm tra và giám sát nhằm đảm bảo quy định về quản lý tách bạch tài sản của NĐT và tài sản của CTCK được tuân thủ nghiêm túc; tăng cường kiểm tra năng lực tài chính, quản trị công ty, quản trị rủi ro của CTCK nhằm đảm bảo tính an toàn hệ thống, bảo vệ quyền lợi NĐT. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu các quy định về trách nhiệm bồi thường, sự đảm bảo tài sản và lợi ích hợp pháp của NĐT mở tài khoản tại CTCK trong trường hợp CTCK phá sản, mất thanh khoản.

 

Nên có quy định về tạm dừng giao dịch

Biên độ giao dịch chứng khoán hiện hành nhiều khi hạn chế sự dịch chuyển tự nhiên của giá cả. Những biên độ này được thiết lập để bảo vệ NĐT trước những biến động quá lớn, nhưng cũng cản trở đến sự vận hành tự nhiên của thị trường. Một giải pháp được đề xuất là quy định tạm dừng giao dịch trong vòng 30 phút khi có biến động giá lên (xuống) chạm mức trần (sàn) của biên độ giao dịch 7% trên HOSE và 10% trên HNX hiện nay. Sau thời gian tạm dừng giao dịch 30 phút thì cổ phiếu sẽ tiếp tục được giao dịch với mức giá tham chiếu mới (là mức giá trần hoặc sàn trước khi tạm ngừng giao dịch).

“Tạm dừng giao dịch theo cách này sẽ giúp tái lập sự ổn định cho TTCK, đồng thời giảm bớt sự hạn chế của biên độ giao dịch hiện hành. Ngoài ra, cơ quan quản lý TTCK cần nghiên cứu rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+0, T+1 nhằm tăng sự lưu thông giữa tiền và hàng hoá, nâng cao thanh khoản của thị trường”, ông Terence F. Mahony nói.