Kênh đầu tư chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục sinh lời cao

Kênh đầu tư chứng khoán được kỳ vọng tiếp tục sinh lời cao

TTCK Việt Nam 2022: Kỳ vọng nối dài đà tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 với nhiều thông tin tích cực.

Doanh nghiệp tốt kéo theo thị trường chứng khoán tốt

Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Sự kỳ vọng vào sức bật của nền kinh tế sau khủng hoảng (sau Covid-19) là xu thế chung của các nhà đầu tư chứng khoán trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng nhà đầu tư Việt Nam.

Tại thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới là Mỹ, tính đến ngày 27/12/2021, giá trị tăng trưởng của thị trường là 27,6%. Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2021 tăng cao hơn, gần 35%.

Các thị trường chứng khoán khác ở châu Âu, châu Á đều có sự tăng trưởng nhất định, phản ánh xu thế tăng trưởng của các thị trường chứng khoán, mặc dù nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.

Nhìn vào huy động vốn của thị trường chứng khoán trong nước thì thấy 11 tháng đầu năm 2021 huy động vốn đã tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020 và riêng phần huy động vốn của khối doanh nghiệp thông qua việc phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá cổ phần hoá đã tăng 2,2 lần.

Rõ ràng, doanh nghiệp huy động vốn để chuẩn bị đầu tư mới, tăng trưởng mạnh trong tương lai. Chính sự huy động vốn đó đã dự báo trước về khả năng tăng trưởng mạnh của các doanh nghiệp sau khủng hoảng kinh tế.

Theo quy luật, doanh nghiệp tăng trưởng, thị giá cổ phiếu sẽ tăng, kéo theo quy mô thị trường chứng khoán, vốn hoá thị trường và dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp tăng. Đây chính là xu hướng vận động của thị trường chứng khoán Việt Nam những năm tiếp theo.

Năm 2022, chỉ số Vn-Index khoảng 1.650 - 1.700 điểm

Ông Quách Mạnh Hào, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh.
Ông Quách Mạnh Hào, Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế Việt Nam - Anh quốc, Đại học Lincoln, Vương quốc Anh.

Từ quan sát của mình, tôi dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt, ít nhất sẽ duy trì điểm số cao trong năm 2022 do sự luân chuyển dòng tiền giữa các nhóm ngành.

Một số dự báo cho rằng, thị trường sẽ tăng trưởng 10 - 15%, tức VN-Index đạt khoảng 1.650 – 1.700 điểm vào cuối năm 2022. Tôi nghĩ, điều này hoàn toàn khả thi.

Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ nhìn thấy sự quay lại với yếu tố cơ bản, tức là những ngành tốt, doanh nghiệp tốt sẽ quay lại dẫn dắt thị trường.

Vì theo chu kỳ tâm lý, khi nhà đầu tư nhìn thấy rủi ro, hoặc họ đã giải ngân vào những cơ hội rủi ro và nếm trải thất bại, họ sẽ cảnh giác và tìm đến những cơ hội an toàn để bảo toàn tài sản của mình.

Nếu trước đây, thị trường tăng trưởng bởi dòng tiền, thì bây giờ chúng ta kỳ vọng tăng trưởng bởi chính sự phát triển của nền kinh tế, tức là tăng trưởng trên nền tảng nền kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường.

Cổ phiếu cũng là hàng hoá chịu chi phối mạnh của quy luật cung - cầu, chứ không chỉ quy luật giá trị

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup.

20 năm tham gia thị trường chứng khoán, cho đến năm vừa rồi tôi cũng phải thay đổi góc nhìn, phải nhìn nhận cổ phiếu như một hàng hoá chịu chi phối mạnh của quy luật cung - cầu, chứ không chỉ quy luật giá trị.

Lâu nay, chúng ta coi trọng quy luật giá trị đối với thị trường chứng khoán mà chưa đánh giá đúng mức tác động của quy luật cung - cầu.

Ví dụ, vì sao nhiều nhà đầu tư cá nhân cứ đi tìm cổ phiếu giá rẻ của những công ty có kết quả kinh doanh không tốt?

Nếu soi chiếu dưới góc độ quy luật giá trị thì điều này là bất thường, nhưng xét về cung - cầu thị trường thì điều này bình thường.

Cổ phiếu nào đem lại lợi nhuận cho nhà đầu tư thì sẽ được họ săn tìm nhiều hơn.

Tuy hiện tại thị trường vẫn có nhiều biến số như sức khoẻ doanh nghiệp, mặt bằng lãi suất, dòng tiền nước ngoài… song năm 2022, chúng tôi dự báo, thị trường chứng khoán sẽ tăng khoảng 33%, riêng nhóm ngân hàng, chúng tôi điều chỉnh dự báo xuống còn tăng khoảng 20%.

Cơ hội sẽ lớn hơn ở nửa đầu năm

Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).
Ông Nguyễn Hữu Bình, Giám đốc đầu tư Tổng CTCP Bảo hiểm Sài Gòn - Hà Nội (BSH).

Kỳ vọng, VN-Index sẽ chạm mốc 1.600 điểm và cơ hội sẽ lớn hơn ở nửa đầu năm. Năm 2022, dự báo lạm phát có xu hướng tăng. Nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu siết lại chính sách tiền tệ do lo ngại rủi ro này.

Với Việt Nam, tình hình tương tự, nhưng không quá đáng ngại về lạm phát. Lãi suất sẽ nhích lên khoảng 50 điểm là tối đa, chỉ tác động một phần đến dòng tiền.

Nhiều khả năng, quý I/2022, Chính phủ sẽ công bố gói kích thích kinh tế hỗ trợ đầu tư công, an sinh xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp giảm phí/thuế. Đây sẽ là yếu tố tích cực với tâm lý nhà đầu tư.

Về phần nhà đầu tư nước ngoài, nhìn lại các năm 2016-2017, khi Mỹ tăng lãi suất, dòng vốn có xu hướng quay lại các thị trường mới nổi. Thông thường, tiền sẽ chảy mạnh các quỹ ETF vào khoảng 3-4 tháng đầu năm.

Xét về thị giá, nhiều cổ phiếu còn thấp và có tiềm năng tăng, chủ yếu là cổ phiếu cơ bản, đã chịu một nhịp điều chỉnh mạnh trong vài tháng qua. Đây là nhóm có khả năng hỗ trợ thị trường tăng điểm khi đón nhận thông tin tốt từ kết quả kinh doanh, cổ tức từ mùa đại hội cổ đông 2022.

Cơ hội đầu tư năm 2022 cần sự chọn lọc và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank.

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank.

Việt Nam đang đi đúng hướng trong quá trình thích ứng an toàn với dịch bệnh Covid-19. So sánh với các nước trong khu vực, Việt Nam tuy đi sau nhưng đã được nhiều thành tựu đáng kể trong chương trình tiêm chủng.

Theo đó, đây sẽ là thuận lợi, điều kiện cần để nền kinh tế Việt Nam bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch bệnh với mức tăng trưởng tốt hơn cho cả năm 2022. Yếu tố tôi đánh giá là thuận lợi đối với Việt Nam trong năm mới là việc duy trì được sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp.

Trong đó, Việt Nam được dự báo tiếp tục được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cùng với nhiều hiệp định thương mại tự do.

Rủi ro nhìn từ góc độ tổng quan thị trường có thể xuất phát từ việc dòng tiền lớn tạm rút ra, đánh giá lại rủi ro trước xu hướng trung hoà dần chính sách tiền tệ nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Thị trường chứng khoán nhìn chung vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, nhất là với các nhà đầu tư cá nhân.

Tôi kỳ vọng dòng vốn từ các nhà đầu tư nội vẫn có sự tăng trưởng nhất định trong năm 2022, nhưng phần nào đó sẽ bớt hào hứng hơn so với năm 2021, bởi mặt bằng giá cổ phiếu ở giai đoạn hiện tại đã được đẩy lên mức cao hơn khá nhiều so với thời điểm đầu năm 2021 và sự phục hồi chung của nền kinh tế cũng mở ra thêm những lựa chọn đầu tư khác cho nguồn vốn nhàn rỗi. Trong năm 2022, chỉ số VN-Index có thể tiến lên vùng 1.580 - 1.600 điểm.

Tôi cho rằng, sự phân hóa giữa các cổ phiếu - vốn đã bắt đầu trong quý IV/2021 - sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, các cơ hội đầu tư trong năm 2022 sẽ cần nhiều sự chọn lọc hơn và đi sâu hơn vào từng công ty niêm yết, dựa trên kết quả kinh doanh cũng như triển vọng tăng trưởng trong bối cảnh “bình thường mới” của từng doanh nghiệp cụ thể.

Tin bài liên quan