Ông Tống Minh Tuấn

Ông Tống Minh Tuấn

TTCK sẽ tăng điểm vào cuối năm

(ĐTCK) "Từ nay đến cuối năm, nếu không có sự kiện quá tiêu cực, thì TTCK có thể hồi phục".

“TTCK tương đối bình ổn trong tháng 10 và đầu tháng 11, đà giảm đã có dấu hiệu ngừng lại và chuyển sang giai đoạn tích lũy. Từ nay đến cuối năm, nếu không có sự kiện quá tiêu cực, thì TTCK có thể hồi phục”, ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK BIDV nhận định.

Từ đầu năm đến nay, có khá nhiều sự kiện tác động tiêu cực đến tâm lý của NĐT. Ông nhìn nhận gì về yếu tố tâm lý của thị trường hiện tại?

Hiện nay, thị trường đã khá cân bằng trở lại. Tâm lý của giới đầu tư đã ổn định hơn. Rủi ro thị trường cũng giảm dần và do vậy đây là điểm tích cực khi nhìn về phía trước.

Sau một giai đoạn giảm mạnh và kéo dài, mặt bằng giá cổ phiếu tạm thời lấy được mức cân bằng trong ngắn hạn, dù lượng cầu vẫn còn hạn chế. Tuy khối lượng giao dịch trong tháng 10 cao hơn so với tháng 9/2012, nhưng giá trị giao dịch bình quân trên 2 sàn chỉ đạt gần 540 tỷ đồng/phiên, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2012.

Biên độ giảm điểm của các chỉ số thu hẹp cho thấy, nguồn cung đã yếu đi, nhưng lực cầu chưa được cải thiện. Dù sao, so với xu hướng sụt giảm kéo dài trước đó, thì đây có thể coi là một tín hiệu tương đối tích cực.

 

Một yếu tố đang tác động không mấy lành mạnh lên diễn biến kinh tế vĩ mô là bức tranh nợ xấu của các ngân hàng còn nhiều gam “màu tối”. Điều này khiến NĐT chưa tìm được động lực giải ngân, thưa ông?

Với khối ngân hàng, tình hình nợ xấu cũng như những thay đổi về chính sách đối với thị trường vàng đã khiến không ít ngân hàng phải hạch toán các khoản lỗ hoặc trích lập dự phòng lớn. Diễn biến này cộng với tình hình kinh tế vĩ mô nói chung, hiệu quả hoạt động của các DN trên TTCK nói riêng còn nhiều khó khăn, nên động lực để các NĐT tích cực giải ngân chưa xuất hiện. Giới đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng.

 

Theo ông, bức tranh kinh tế vĩ mô liệu có sáng hơn vào cuối năm?

Kinh tế vĩ mô sẽ được cải thiện vào cuối năm. CPI đang dần thấp trở lại cho thấy, bản chất của CPI là không đáng lo ngại trước sức cầu vẫn yếu hiện nay. CPI tháng 11 nhiều khả năng tiếp tục tăng thấp, ở mức 0,5 - 0,8% và cả năm 2012 ở mức gần 8%. Dự báo, lãi suất sẽ giảm dần chứ không tăng, ngoại trừ những biến động nhỏ ngắn hạn tại thời điểm cuối năm đối với việc thu xếp vốn đáp ứng nhu cầu tín dụng và các nhu cầu tất toán. Sắp tới, khi tính rủi ro giảm dần, lãi suất có thể tự động giảm, ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước không bơm thêm tiền vào nền kinh tế. Với sự điều tiết của thị trường, lãi suất tiền gửi sẽ dần được điều chỉnh quanh vùng 8 - 9%/năm.

Chúng tôi bảo lưu quan điểm rằng, trước mắt, chính sách tiền tệ có thể lựa chọn một giải pháp khác mang tính khả thi hơn như tận dụng nguồn vốn vay với lãi suất 2 - 3%/năm từ Ngân hàng Nhà nước, các NHTM có thể cho DN vay với lãi suất 8 - 10%/năm. Với tốc độ hiện tại, tăng trưởng tín dụng tháng 11 và tháng 12 có thể đạt hơn 1,2%/tháng, cả năm sẽ ở mức 5,4 - 5,6%. Với nỗ lực và tốc độ xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, tăng trưởng tín dụng năm 2013 có thể đạt 10 - 12%, lãi suất cho vay sẽ trong khoảng 12 - 13%/năm.

Các nguồn thu ngoại tệ vẫn khá bảo đảm, trong khi nhập siêu giảm mạnh, giúp tỷ giá ổn định. Dự kiến, trong năm 2012, lượng vốn FDI giải ngân xấp xỉ mức của năm trước, đạt khoảng 11 tỷ USD. Lượng vốn ODA giải ngân ước tính đến hết tháng 10 đạt 3,22 tỷ USD. Lượng FDI, ODA giải ngân tích cực, cộng với các nguồn ngoại tệ khác như kiều hối, chi tiêu của khách quốc tế vào Việt Nam…, đã góp phần tăng dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá.

 

Diễn biến trên sẽ tác động tích cực đến TTCK, thưa ông?

Tuy có những tín hiệu tích cực về sự ổn định trong dài hạn, nhưng trong ngắn hạn, TTCK vẫn chưa có nhiều động lực để đi lên rõ nét. Tốc độ giảm rủi ro thị trường là chậm và phải sau một thời gian mới tích lũy đủ để có thể tác động tích cực lên thị trường. Sự thận trọng, tâm lý co lại của NĐT, dòng tiền yếu, kết quả kinh doanh khi gần hết năm với nhiều khó khăn từ các DN… là những nguyên nhân khiến thị trường khó khởi sắc trong ngắn hạn. Vì vậy, diễn biến của thị trường (dựa trên biến động VN-Index) trong quý IV/2012 được dự báo có vùng dao động chính là khoảng 380 - 400 điểm.