Ông Trịnh Hoài Giang.

Ông Trịnh Hoài Giang.

TTCK ngóng quyết định nới room cho khối ngoại

(ĐTCK) “TTCK đang nóng lòng chờ quyết định nới room cho NĐT nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, bởi khi cơ chế mới này được triển khai sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường…”, ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) chia sẻ với ĐTCK.

Bên cạnh số ít DN đã hết room, vẫn có rất nhiều DN còn room lớn đối với NĐT nước ngoài. Thực tế này phản ánh nhu cầu muốn tăng room của NĐT nước ngoài đến đâu, thưa ông?

Đúng là số DN đã hết room đối với NĐT nước ngoài như VNM, FPT, DHG… là rất ít nếu so với số DN còn room. Tuy nhiên, nhìn vào xu hướng cũng như gu đầu tư của NĐT nước ngoài trong những năm qua, có thể thấy, nếu như tỷ lệ mở room là hạn chế thì tình trạng này sẽ còn tiếp diễn, bởi NĐT nước ngoài thường ưa thích đầu tư vào những DN đầu ngành, có mức vốn hóa thị trường lớn, thanh khoản cao… Trong khi đó, số DN đáp ứng các yêu cầu này không nhiều. Tình trạng cạn room tại các DN đang phản ánh một thực tế, NĐT nước ngoài đang nóng lòng chờ quyết định cuối cùng về nới room. Điều này có nghĩa, một khi quyết định nới room được triển khai sẽ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường.

 

Được biết, ngày 17/9, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước họp bàn với các bên liên quan, để chốt nội dung của dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 55/2009 về tỷ lệ tham gia của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, trong đó có nội dung nâng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài lên tối đa 60% tổng số cổ phiếu có quyền biểu quyết. Ông nhìn nhận gì về phương án nới room này?

So với tỷ lệ được phép sở hữu tối đa hiện hành là 49%, thì theo đề xuất của Bộ Tài chính, NĐT nước ngoài được phép sở hữu thêm 11%. Đây là một tỷ lệ không cao nếu so với nhu cầu tăng tỷ lệ sở hữu của họ tại một số DN. Nói cách khác, nếu mở room cho khối ngoại theo phương án này, mức độ góp phần cải thiện thanh khoản cho thị trường không lớn và cũng sẽ khó kéo dài, bởi tỷ lệ 11% tăng thêm sẽ nhanh chóng bị lấp đầy tại những DN đã cạn room suốt thời gian dài qua.

 

Vậy đâu là giải pháp giúp cải thiện thanh khoản cho TTCK dài hơi và căn cơ hơn, thưa ông?

Trong bối cảnh hiện tại, chưa dễ tăng mạnh tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết cho NĐT nước ngoài. Mặt khác, phương án phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết cũng khó khả thi, bởi nếu DN không phát hành, NĐT nước ngoài dù muốn tăng tỷ lệ sở hữu cũng không thể được đáp ứng. Đó là chưa kể, khi triển khai phương án này sẽ dẫn đến tình trạng cùng một DN nhưng lại tạo ra hai loại cổ phiếu khác nhau nên sẽ có hai giá. Thanh khoản cho loại chứng khoán mới này sẽ thấp. Trong khi thực tế từ thị trường cho thấy, NĐT nước ngoài muốn tăng room tại các DN đa phần là các NĐT tài chính, nên họ không có nhu cầu tham gia biểu quyết tại các kỳ họp ĐHCĐ, mà chỉ quan tâm tới triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bền vững của DN, để chia cổ tức đều đặn, hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu…

Từ thực tế trên, cũng như kinh nghiệm của các thị trường trong khu vực, điển hình như sự thành công của TTCK Thái Lan cho thấy, việc triển khai phương án phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) sẽ vừa khắc phục được hạn chế của phương án tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu có quyền biểu quyết, đồng thời tránh được nhược điểm của phương án phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Qua đó, sẽ góp phần cải thiện thanh khoản một cách dài hơi hơn cho thị trường.

 

Để hóa giải tính không khả thi của quy định hiện hành là NĐT nước ngoài chỉ được phép sở hữu 49% hoặc 100% CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ) tại Việt Nam, theo đề xuất của Bộ Tài chính, NĐT nước ngoài sẽ có cơ hội đa dạng hóa các ngưỡng sở hữu hơn. Họ có quan tâm tới hướng mở này không, thưa ông?

Theo quan sát của chúng tôi, các tập đoàn tài chính có tên tuổi lớn trên thế giới không có nhu cầu mua các CTCK, công ty QLQ tại Việt Nam, bởi nếu muốn tham gia TTCK Việt Nam, họ sẽ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, một số NĐT nước ngoài đang có nhu cầu mua lại CTCK, công ty QLQ Việt Nam, nhất là trong bối cảnh nhiều đơn vị này đang rơi vào tình trạng hoạt động khó khăn, giá bán khá rẻ. Những NĐT này thường đang đầu tư vào các CTCK, công ty QLQ, nay đối tác trong nước muốn thoái vốn, trong khi đối tác phía nước ngoài muốn tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 49%, nhưng đạt đến 100% là không khả thi. Do vậy, việc “mềm hóa” các ngưỡng sở hữu sẽ giúp NĐT nước ngoài gỡ bỏ bế tắc đang gặp phải, đồng thời sẽ dần gia tăng thu hút dòng vốn ngoại đầu tư vào các CTCK, công ty QLQ, thúc đẩy ngành QLQ trong nước phát triển thêm sản phẩm mới cho thị trường.