TS. Lê Văn Châu.

TS. Lê Văn Châu.

“TTCK cần luôn giữ được sức trẻ”

(ĐTCK-online) Nhìn vào sức trẻ của TTCK với cơ ngơi khá đồ sộ hiện nay, ít ai hình dung được cách đây hơn 10 năm, để mở "chợ" chứng khoán, những người gây dựng TTCK đã phải ngược xuôi đi "xin" từng cái máy tính, từng bảng điện tử, chạy đôn chạy đáo vận động DN lên sàn. Dẫu TTCK đã có sự trưởng thành ấn tượng sau 10 năm đầu tiên, nhưng khi trò chuyện với ĐTCK, TS. Lê Văn Châu, vị Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vẫn nhắn nhủ: muốn phát triển chuyên nghiệp, năng động hơn, TTCK cần luôn giữ được sức trẻ.

Thưa ông, điều gì để lại dấu ấn đậm nét khi nhìn lại chặng đường 10 năm phát triển của TTCK?

Trong ký ức của tôi, đồng chí Võ Văn Kiệt, lúc đó trên cương vị Thủ tướng Chính phủ là một trong những người ủng hộ đầu tiên cho việc chuẩn bị ra đời TTCK. Trong cuộc họp đầu tiên để Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, tôi được Thủ tướng Võ Văn Kiệt giao nhiệm vụ trình bày phương án phát triển TTCK. Sau cuộc họp này, Bộ Chính trị chỉ đạo và quyết tâm xây dựng TTCK. Nhờ đó chúng ta mới có được TTCK phát triển nhanh như hiện nay và đã tạo ra kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế; đặc biệt là thay đổi hệ thống tư duy quản lý, quản trị DN; hình thành đội ngũ doanh nhân mới, am hiểu sâu về tài chính, chứng khoán theo chuẩn mực quốc tế…

Khi tư tưởng thành lập TTCK đã thông, những người chịu trách nhiệm xây dựng thị trường phải ngược xuôi lo đủ thứ, từ tìm kiếm con người, nơi làm việc, cho đến đi "xin" từng cái máy tính, bảng điện tử… để chuẩn bị cho ngày khai trương. Tôi còn nhớ, khi xin Đài Loan được bảng điện tử thì về không dùng được, do không đồng bộ với hệ thống, vì lúc đó mỗi thứ xin được ở các TTCK khác nhau. Vấn đề đau đầu nhất trước thời điểm phát lệnh vận hành TTCK là thiết lập hệ thống giao dịch như thế nào. Lúc đó, do công suất hệ thống máy chủ của TTCK Thái Lan còn dư, nên họ góp ý mình "dùng chung" hệ thống giao dịch với họ, nhưng không vì cơ sở vật chất chưa có gì mà mình đồng ý. Ngược lại, chúng ta quyết tâm thiết lập hệ thống giao dịch tự chủ, để đáp ứng được đòi hỏi phát triển nhanh, năng động của TTCK.

 

Hẳn ông cũng như những người có trách nhiệm gây dựng TTCK không khỏi "vã mồ hôi", khi vất vả vận động DN lên niêm yết, nhưng chỉ có 2 DN chào sàn khi chợ chứng khoán được mở?

Sau khi lo nhân sự, cơ sở vật chất cho TTCK tạm ổn, chúng tôi tính đến chuyện tạo hàng, xây dựng các tổ chức trung gian cho thị trường. Dù tốn rất nhiều công sức đi vận động DN lên niêm yết, nhưng số DN hiểu được lợi ích của niêm yết khi đó rất hiếm. Việc xây dựng các tổ chức trung gian được đặt ra với tiêu chí quan trọng nhất là họ phải có tiềm lực tài chính tốt, ổn định, để đảm bảo cho thị trường vận hành an toàn, bền vững. Đây là lý do tại sao những CTCK đầu tiên được thành lập chủ yếu là "con" của các ngân hàng, tổ chức bảo hiểm như: CTCK Bảo Việt, CTCK Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam, CTCK Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Những bước đi vững chắc sau đó đã giúp TTCK có sự phát triển mạnh mẽ như ngày nay. Hiện tổng giá trị thị trường đạt 40% GDP; số lượng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sàn vươn lên con số 540 (chưa kể 573 loại trái phiếu niêm yết trên HNX); có 930.000 tài khoản NĐT, 46 công ty quản lý quỹ… Quan trọng là tính chuyên nghiệp của TTCK liên tục được nâng cao, qua đó khẳng định đây là kênh huy động vốn hiệu quả cho nền kinh tế.

 

Sự phát triển của TTCK có vai trò rất quan trọng của các CTCK. Ông nhìn nhận ra sao về bước phát triển của họ trong 10 năm qua?

Từ chỗ chỉ có 7 CTCK khi TTCK đi vào hoạt động, đến nay có tới 105 CTCK. Vấn đề không dừng lại ở sự tăng trưởng về lượng, mà quan trọng hơn, các CTCK đã có bước thay đổi về chất. Họ luôn tìm tòi, sáng tạo trong quá trình phát triển, để ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là đáp ứng tối đa nhu cầu đa dạng của NĐT. Tuy còn một số hạn chế, nhưng 10 năm phát triển của TTCK ghi nhận tính chuyên nghiệp, năng động của các CTCK có bước tiến rõ rệt, qua đó góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững của thị trường.

 

Để nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa của TTCK trong thời gian tới, theo ông cần lưu tâm những vấn đề cốt yếu nào?

Tới đây, cần tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, để tạo thuận lợi cho TTCK phát triển theo chuẩn mực quốc tế, đảm bảo an toàn, bền vững, tạo ra cơ hội đầu tư hấp dẫn. Đồng thời, phát triển TTCK nhiều cấp độ, đảm bảo thị trường được tổ chức theo nguyên tắc thị trường, có sự quản lý của nhà nước. Cần đặc biệt quan tâm đa dạng hoá sản phẩm, nghiệp vụ cho thị trường, qua đó giúp NĐT, cũng như các tổ chức trung gian kinh doanh hiệu quả, an toàn. Bên cạnh đó, từng bước tái cơ cấu hệ thống trung gian tài chính trên nguyên tắc không gây xáo trộn lớn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên thị trường. Để đảm bảo nguồn hàng chất lượng cao cho TTCK, cần tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cải cách DNNN. Tạo động lực cho DN thuận lợi hơn trong huy động vốn qua TTCK, để cùng với thị trường tiền tệ, thị trường bảo hiểm… tạo ra hệ thống thị trường tài chính vận hành đồng bộ, hiệu quả.