TS. Trần Hoàng Ngân: Lúc này cần tăng tốc giải ngân đầu tư công

“Tôi tin rằng, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi thì kinh tế sẽ bật dậy và lúc này cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công”. Đó là quan điểm của TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khi trao đổi về vấn đề tăng cường đầu tư công trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

TS. Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Là một chuyên gia kinh tế và là thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, ông có đề xuất giải pháp gì để vừa chống dịch, vừa có thể vực dậy nền kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Chính phủ đã tính toán đến các gói hỗ trợ, nhưng theo tôi, nên tách ra các gói khác nhau, vì mỗi gói đều có ý nghĩa riêng của nó.

Quan  trọng nhất và cần được ưu tiên hàng đầu là gói để kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19, gói này hiện triển khai cho lĩnh vực y tế, như nghiên cứu vắc-xin, mua sắm trang thiết bị, chi cho cách ly... Quan trọng là cần chi cho đúng tinh thần chống dịch như chống giặc và có thể "thoát ly" một số quy định hiện hành về chi ngân sách để phục vụ yêu cầu chống dịch một cách hiệu quả nhất.

Gói thứ hai cần bàn đến là gói bảo đảm an sinh xã hội, trợ cấp cho những người dân đang gặp nhiều khó khăn do mất công ăn việc làm, do phải đóng cửa hàng ngừng kinh doanh, do phải hạn chế đi lại... Gói này do Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất sao cho hợp lý.

Theo tôi, cũng cần tham khảo xem các nước đang có dịch họ triển khai thế nào. Có nước phát tiền trực tiếp đến tận hộ gia đình, bên cạnh những giải pháp miễn, giảm, giãn, thậm chí hoàn thuế thu nhập cá nhân cho dân, rồi trợ cấp thất nghiệp... cái gì phù hợp với hoàn cảnh nước mình thì nên học hỏi.

Thứ ba là gói duy trì sản xuất, kinh doanh để sau khi hết dịch thì kinh tế mới phát triển được, chứ nếu không đến khi đó doanh nghiệp phá sản hết.

Hiện tại thì gói này cũng đã được dự thảo với các đề xuất giảm, giãn, chậm nộp thuế, cho doanh nghiệp vay với lãi suất 0 đồng trả lương cho công nhân. Nhưng ngân hàng thì cũng phải huy động vốn, phải trả lãi cho người gửi, nên nếu cho vay lãi suất 0 đồng thì phải có ngân sách cấp bù. Với chỗ này, Ngân hàng Nhà nước phải có tính toán cụ thể.

Cuối cùng là gói kích thích đầu tư, phải tích cực giải ngân đầu tư công, thậm chí tăng liều lượng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục... Gói này không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh, giải quyết được công ăn việc làm, mà lại đang dễ triển khai vì đường đang ít người đi, sân bay thì mật độ bay cũng giảm, nguồn lao động cũng dễ huy động...

Bởi vậy, theo tôi, gói này cần triển khai nhanh, nếu có vướng mắc gì thì báo cáo Quốc hội kịp thời, lúc này như thời chiến, nên có những khó khăn cần tháo gỡ thì trình tự thủ tục cũng có thể thay đổi cho phù hợp.

Trong đầu tư công, có những dự án thẩm quyền quyết định là của Quốc hội, nên quá trình tiến hành đầu tư có thể kéo dài. Nhưng thời gian qua, tiến độ giải ngân chậm, nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện, thưa ông?

Đúng vậy, vốn cho đầu tư công năm 2020 đã bố trí gần 700.000 tỷ đồng. Năm nay ngân sách đương nhiên sẽ khó khăn, nhưng Quốc hội đang đồng hành với Chính phủ, nếu thực sự cần thiết thì có thể chấp nhận bội chi cao hơn và nợ công cũng có thể tăng lên vì dư địa vẫn còn. Chúng ta đã kéo nợ công từ 63,7% GDP xuống còn 56% GDP, như vậy không cần phải nới trần.

Cũng có thể có người nêu quan điểm lúc này tất cả nên dồn cho chống dịch, nhưng tôi nghĩ, ai phụ trách chống dịch thì tập trung lo thật tốt việc chống dịch, còn ai phụ trách đầu tư vẫn phải lo đầu tư. Mỗi người mỗi việc, vấn đề là phân công tổ chức cho khoa học, làm tốt nhiệm vụ của mình chính là góp phần chống dịch.

Theo ông, yếu tố nào cần và đủ để đảo chiều sự suy giảm kinh tế sau khi dịch bệnh được đẩy lùi?

Quan trọng là kiểm soát dịch thật tốt, sau đó thì kinh tế sẽ phục hồi vì giai đoạn này khác với giai đoạn 2008 - 2009. Hiện nay, Việt Nam rất chủ động, uy tín trên trường quốc tế tăng cao, sự phục hồi sẽ nhanh hơn.

Suy giảm kinh tế hiện tại là do dịch bệnh, chứ không phải do khủng hoảng tài chính như lần trước, nên vừa chống dịch vừa phải chuẩn bị thật tốt để duy trì sản xuất, kinh doanh hiện tại và hỗ trợ làm sao đảm bảo an sinh xã hội. Lúc này đừng để xảy ra những tình huống phức tạp, thì sau đó sẽ dùng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ và tôi tin, nền kinh tế sẽ phục hồi.

Là đại biểu Quốc hội, ông có nhận được nhiều kiến nghị từ doanh nghiệp và người dân về các hỗ trợ để duy trì sản xuất, kinh doanh?

Doanh nghiệp kêu rất nhiều vì thực sự sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó. Nhưng họ cũng đang thấy Chính phủ rất quyết tâm, rất cật lực vừa chống dịch vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Những gói hỗ trợ như tôi nói trên được quyết định thì doanh nghiệp và cả người dân sẽ đỡ khó khăn phần nào.

Chính phủ đang làm rất tốt. Tôi tin là kiểm soát được dịch bệnh thì kinh tế sẽ phục hồi.

Tin bài liên quan