Sau khi rời LienVietPostBank, ông khá kín tiếng. Ông có thể chia sẻ về tình hình sức khoẻ hiện tại và việc liệu có dự định quay lại với thương trường?
Trong một năm qua, tôi luôn cảm động vì nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các bạn phóng viên, anh em, bạn bè gần xa trong quá trình chữa bệnh. May mắn rằng, đến nay tôi đã cơ bản bình phục. Sau một năm, tôi thấu hiểu hơn bao giờ hết chuyện sức khỏe quý hơn vàng. Mọi chuyện chỉ là tạm thời, chỉ có tình người là vĩnh vửu.
TS. Nguyễn Đức Hưởng.
Về chuyện quay trở lại thương trường, tôi hiểu, đây là câu hỏi và sự quan tâm của nhiều người khi sức khoẻ của tôi đã bình phục. Tuy nhiên, nói thật là đến giờ này, tôi chưa có ý định trở lại điều hành ngân hàng, bởi sức khoẻ và gia đình đang là ưu tiên số 1 của tôi.
Trong thâm tâm, LienVietPostBank luôn là “đứa con đẻ” đầy tầm huyết của các cổ đông sáng lập chúng tôi. Tôi chưa nghĩ đến chuyện quay lại điều hành Ngân hàng, các cổ đông của chúng tôi chỉ nói đùa rằng: "Nếu LienVietPostBank quá khó khăn, chúng tôi sẽ mua gom cổ phần và quay lại giúp Ngân hàng vượt qua". Nhưng hiện nay, LienVietPostBank vẫn hoạt động bình thường, cốt lõi tốt và tôi tin tưởng vào khả năng điều hành của các thành viên HĐQT và Ban điều hành.
Theo đó, chúng tôi sẽ chỉ gặp nhau trên sân golf và tham gia hoạt động từ thiện cùng nhau. Tôi sẽ tiếp tục được thực hiện phương châm sống mà mình đã đặt ra: Biết đủ - Biết dừng.
Trong năm vừa qua, “bóng đá” là từ khóa phủ sóng mọi phương diện đời sống, khi đội tuyển Việt Nam liên tục lập nên những kỳ tích. Là môn thể thao vua, được người dân yêu mến, nhưng một sân vận động tầm cỡ để phục vụ cho tình yêu này vẫn chưa có tại Việt Nam. Mới đây, Tập đoàn FLC đã có văn bản gửi UBND TP. Hà Nội đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư xây dựng sân vận động quy mô lớn, nằm tại một trong các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn có sức chứa hơn 100.000 chỗ ngồi có mái che, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn nhất thế giới. Ông có bình luận gì về vấn đề này?
Trong 1 năm tròn, bóng đá Việt Nam đã liên tục tạo nên những kỳ tích khi trở thành Á quân U23 châu Á, Top 4 Asiad, nhà vô địch AFF và sau đó là Top 8 châu lục. Với những chiến thắng vinh quang và màn thể hiện xuất sắc, người hâm mộ nô nức đổ xuống các đường phố để ăn mừng, trong khi giới chuyên môn tự hào vì một thế hệ cầu thủ mới có đủ tài trí, vững chuyên môn.
Trong bối cảnh này, bóng đá nước nhà được quan tâm hơn bao giờ hết và cũng từ đó, mong muốn xây dựng nên những sân vận động tầm cỡ, vừa đóng góp cho phát triển thể thao, du lịch, vừa trở thành biểu tượng của đất nước ngày càng cháy bỏng.
Về kinh tế, chúng ta thừa sức xây dựng được sân vận động tầm cỡ quốc tế. Chúng ta ai cũng sẽ giật mình khi biết sân vận động có sức chứa lớn nhất thế giới không phải ở Mỹ, Nga, hay Trung Quốc, mà là sân vận động mùng 1/5 Rungrado (Rungrado May Day).
Đây là sân vận động lớn nhất trên thế giới hiện nay với sức chứa khoảng 150.000 chỗ ngồi, tọa lạc tại thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. May Day được xây dựng từ năm 1989 và tu sửa hoàn chỉnh vào năm 2014.
Sau đó, các quốc gia sở hữu sân vận động quy mô lớn hàng đầu trên thế giới có thể kể tới Malaysia, Indonesia và các cường quốc khác. Hiện tại, Việt Nam đang hướng tới việc đăng cai Sea Games, ASEAN Cup và World Cup nên việc xây sân vận động lớn, hiện đại nhất thế giới là việc cần làm. Bên cạnh đó, tôi đề xuất thêm, xây dựng một sân vận động tầm cỡ quốc tế ở khu vực phía Nam để đón đầu World Cup.
Đây rõ ràng là một kế hoạch lớn cho năm mới. Theo ông, có bao nhiêu phần trăm sẽ thành hiện thực hay vẫn mãi chỉ là ước mơ đẹp?
Cách đây 1 năm, ngày 20/1/2018, U23 Việt Nam bất ngờ quật ngã U23 Iraq, khiến cả châu Á phải ngạc nhiên. Trước trận Việt Nam gặp Jordan, dù hâm mộ đội tuyển bóng đá Việt Nam đến mấy, ai dám mơ đến kết quả đội bóng của chúng ta thắng trận oanh liệt như vậy? Với tôi, dự án của FLC cũng thế.
Nhiều người sẽ đặt dấu hỏi, có không ít mối nghi ngại, nhưng tôi nghĩ rằng, dự án sân vận động hiện tại của FLC không quá khó trở thành hiện thực, bởi FLC đủ sức lực, tâm huyết và kinh nghiệm để xây dựng và tư duy của các cấp lãnh đạo đã thay đổi, thực tế vì đất nước và hiệu quả hơn.
Chưa kể, việc có một sân vận động quy mô cũng là mong muốn của người dân, khi niềm đam mê bóng đá dâng trào. Người hâm mộ sẽ tận hưởng cảm giác tự hào, thỏa mãn khi bước vào một sân vận động hiện đại, khang trang, lãng quên đi trải nghiệm rùng mình sợ hãi mỗi lần xếp hàng suốt đêm với mong muốn có một chỗ ngồi trong sân vận động chật chội như thời gian qua.
Được biết, sân vận động do Tập đoàn FLC đề xuất ý tưởng có giá trị khoảng 25.000 tỷ đồng. Làm cách nào để phát huy hiệu quả của khoản đầu tư này, thưa ông?
25.000 tỷ đồng là khoản tiền không nhỏ, do đó, việc đảm bảo phát huy hiệu quả của dự án là vấn đề ưu tiên hàng đầu. Vấn đề này thì doanh nghiệp đầu tư đã tính toán kỹ trước khi nộp đơn xin đầu tư, vì đây là năng lực, là sự sống còn của họ.
Theo tôi, chúng ta chỉ đặt vấn đề hiệu quả xã hội và tạo thuận lợi về cơ chế để FLC mạnh dạn đầu tư tạo điểm nhấn, tạo sản phẩm có tầm cho đất nước, giúp dự án này mang lại hiệu quả tốt nhất về kinh tế - xã hội. Điều đầu tiên là đảm bảo không chi tiền từ ngân sách cho một đơn vị nhà nước xây dựng, cũng như không để tổ chức nhà nước quản lý trực tiếp. Thực tế, việc đầu tư và quản lý của Sân vận động Mỹ Đình thời gian qua còn nhiều bất cập, khiến Nhà nước tốn kém, trong khi sân vận động nhanh xuống cấp, giảm hiệu quả xã hội.
Thứ hai, phải xã hội hóa, giao cho tư nhân bỏ tiền ra xây dựng và khai thác theo hướng có cơ chế, tự chịu trách nhiệm thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu công trình phức hợp thể thao, văn hóa, du lịch, tài chính… được FLC thành lập, thì sẽ hình thành một thành phố hiện đại, thân thiện, lịch sự, làm vai trò vệ tinh bên cạnh Thủ đô Hà Nội, góp phần “chia lửa”, kéo dãn dân cư, tránh ách tắc giao thông và các vấn đề xã hội phức tạp khác.
Vì sao ông quan tâm đến dự án này của FLC?
Tôi quan tâm đến đề xuất ý tưởng quy hoạch và đầu tư xây dựng một sân vận động dịch vụ du lịch, văn hóa, giải trí, tài chính... có quy mô lớn nằm tại một trong các khu vực thuộc huyện Đông Anh, Mê Linh hoặc Sóc Sơn của FLC đơn giản xuất phát từ tình yêu bóng đá sục sôi và cũng vì đây là một ý tưởng táo bạo, với tư duy đổi mới rất thực tế, góp phần nâng tầm Việt Nam trên nhiều lĩnh vực thể thao, văn hóa, xã hội và kinh tế. Từ tư duy đến thực tiễn, chúng ta cần có một sân vận động tầm cỡ quốc tế, tại sao không?
Một số sân vận động sau khi xây xong chịu cảnh “đắp chiếu”, nhanh chóng xuống cấp, gây ra những tác động không tốt trong xã hội. Ông có quan ngại sân vận động lớn của FLC cũng đi theo kịch bản này?
Nếu chỉ xây sân vận động đơn thuần như Sân vận động Mỹ Đình thì quy mô nhỏ hay to cũng sẽ… đắp chiếu, tiêu tốn nhiều tiền bảo dưỡng, nhưng nếu phát triển công trình theo hướng phức hợp thể thao - văn hóa - du lịch - tài chính tạo điểm nhấn cho đất nước và tầm cỡ quốc tế thì khác.
Theo đề xuất của FLC, dự án này sẽ có hạng mục chính là công trình liên hợp thể thao với điểm nhấn là một sân vận động có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, được thiết kế có mái che để đáp ứng yêu cầu tổ chức các giải đấu quốc tế lớn, với mục tiêu trở thành sân vận động lớn và hiện đại nhất thế giới.
Bên cạnh đó, nằm trong dự án là các hạng mục gồm: cụm sân golf liên hoàn; đường đua công thức 1; cụm khách sạn, resort tiêu chuẩn 5 sao; khu liên hợp đa phương tiện phục vụ các hội nghị quốc tế; khu dịch vụ vui chơi giải trí; khu trung tâm thương mại - tài chính; tổ hợp các khu chăm sóc sức khoẻ kết hợp nghỉ dưỡng (bệnh viện nghỉ dưỡng); khu trại hè quốc tế tập trung kết hợp các hoạt động giáo dục…
Với định hướng như vậy, viễn cảnh “đắp chiếu” sẽ khó xảy ra. Nếu dự án đi vào hoạt động sẽ giúp thay đổi kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước theo chiều hướng tích cực, đồng thời thu hút thêm nhiều du khách hơn nữa cho Việt Nam.
Vì hiệu quả của dự án, tôi đề xuất nên xây dựng thêm một sân vận động tầm cỡ thế giới nữa theo mô hình này tại khu vực TP.HCM.