TS. Nguyễn Đình Cung: Dự thảo Bộ Luật Lao động đang dựng thêm nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh

TS. Nguyễn Đình Cung: Dự thảo Bộ Luật Lao động đang dựng thêm nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh

Nhiều quy định trong Dự thảo Bộ Luật Lao động đang dựng thêm nhiều rào cản trong môi trường kinh doanh, điều này sẽ tác động bất lợi tới nền kinh tế.

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa nhận được nhiều ý kiến của doanh nghiệp, với mong muốn CIEM sẽ có tiếng nói độc lập, góp ý cho Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.

Đánh giá các ý kiến này, ông Cung cho rằng, những điều doanh nghiệp quan tâm rất cụ thể, chi tiết vào các điều khoản cụ thể, có tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Điều này là tất yếu vì nếu giảm từ 48 xuống còn 44 giờ làm việc/tuần, doanh nghiệp sẽ phải tăng chi phí tuyển dụng lao động, hoặc phải tăng chi phí cho giờ làm thêm. Quy định giới hạn về giờ làm thêm, 200-400 giờ/năm, chưa kể giới hạn giờ làm thêm theo ngày, theo tháng... sẽ tăng chi phí tuân thủ khi doanh nghiệp vào giai đoạn cao điểm phải trả đơn hàng... Nhưng, mối quan tâm của tôi không chỉ ở các tác động tới doanh nghiệp, mà quan trọng là tác động tới nền kinh tế như thế nào”, TS. Cung nói.

Ở góc độ này, TS. Cung đang lo ngại vì không thấy tác động tích cực khi phân tích dự thảo Bộ Luật Lao động.

“Tôi nói vậy vì chúng tôi ngồi đây, làm việc này, để bảo vệ lợi ích của đất nước, của nền kinh tế. Tư duy thiết kế thể chế vô cùng quan trọng, có thể thúc đẩy sự phát triển nhưng cũng có thể kìm hãm. Tôi lo Dự thảo Bộ luật này sẽ kìm hãm sự phát triển, ở cả ba góc độ, từ phía người lao động, người sử dụng lao động và nền kinh tế”, ông Cung thẳng thắn.

Lý do, ông Cung chưa nhìn thấy thể chế điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thị trường lao động.

“Trong thế giới công nghệ, quan hệ lao động đang thay đổi lớn. Số người tự tạo việc làm tăng lên, pháp luật sẽ điều chỉnh mối quan hệ này thế nào? Cơ chế mới để quản lý lao động trong bối cảnh mới chưa thấy...”, ông Cung đặt vấn đề.

Ngay trong mối quan hệ lao động truyền thống, mục tiêu quan trọng nhất của thị trường lao động là quyền tự do lựa chọn công việc cũng chưa rõ các cơ chế thúc đẩy.

“Tại sao các nhà làm luật không thiết kế các chính sách để buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh để thu hút lao động. Khi đó, quyền lợi của cả người lao động và người sử dụng lao động đều được bảo đảm mà không cần có sự lo hộ như hiện tại”, ông Cung nói.

Đặc biệt, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Tính toán từ doanh nghiệp đều cho thấy, chi phí tuân thủ các đề xuất liên quan đến những thay đổi về giờ làm việc tiêu chuẩn, thời gian làm thêm giờ cũng như các tính lương lũy tiến theo giờ cho lương làm thêm đều tăng.

Con số từ Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (lefaso), nếu giảm 9% giờ làm, ngành sẽ giảm 2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Thậm chí, trong ý kiến của các hiệp hội gửi CIEM, các doanh nghiệp cho rằng, với thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần như hiện nay, doanh nghiệp vẫn phải tổ chức làm thêm giờ mới có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh.

Nếu thời gian làm việc tiêu chuẩn bị cắt giảm như dự kiến trong Dự thảo, thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, gây mất niềm tin của khách hàng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam.

“Điều quan trọng là thu nhập thực tế của người lao động không tăng. Doanh nghiệp tăng chi phí do chi phí tuân thủ tăng, năng lực cạnh tranh sẽ giảm, nhất là trong những ngành đang tạo việc làm lớn như dệt may, da giày, thủy sản.... Nền kinh tế sẽ được hưởng lợi gì?”, ông Cung đặt vấn đề.

Không chỉ dừng lại ở những tác động trực tiếp, trong bản kiến nghị mà các hiệp hội doanh nghiệp gửi đến CIEM, Bộ Luật Lao động năm 2012 đang có những giới hạn quá khắt khe về giờ làm thêm, làm khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Với các doanh nghiệp mang tính mùa vụ, làm thêm giờ có những thời điểm được coi là yếu tố sống còn của doanh nghiệp, bởi nó quyết định năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp với nhau. Vì có thể cùng một đơn hàng, một doanh nghiệp ở quốc gia khác hoàn thành nhanh hơn một doanh nghiệp ở Việt Nam, đương nhiên nhà đầu tư sẽ chọn doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ.

Cuộc cạnh tranh đơn hàng đã đẩy doanh nghiệp vào thế buộc phải vi phạm các giới hạn về thời gian làm thêm giờ, luôn lo ngại bị các bên đánh giá độc lập của các nhà nhập khẩu, ác cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện...

“Nhìn vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp, tôi e rằng, chỉ có thanh tra lao động có lợi khi thực hiện các quy định này. Đây là thực tế chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận để có sự thay đổi”, ông Cung nói.

Tin bài liên quan