Tổng nhu cầu vốn đầu tư trung hạn 2016 - 2020 từ nguồn ngân sách nhà nước do các bộ, ngành, địa phương đề xuất lên tới 4 triệu tỷ đồng. Ông bình luận gì về con số này?
Con số 4 triệu tỷ đồng quả thật là quá lớn, gấp 20,5 lần kế hoạch đầu tư năm 2015, nhưng vấn đề là số tiền đề xuất gấp tới hơn 2 lần khả năng cân đối vốn giai đoạn 2016 - 2020 (dự kiến chỉ bố trí được 1.846.000 tỷ đồng).
Như vậy là giữa nhu cầu và khả năng cân đối vốn có khoảng cách quá xa. Trong bối cảnh thiếu vốn trầm trọng, các cơ quan chức năng, trong đó Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải đánh giá hết sức thận trọng, khách quan, khoa học để chọn các dự án xứng đáng đầu tư, đầu tư theo thứ tự ưu tiên về thời gian, nguồn vốn mới tạo ra cú hích, tạo ra động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Trong phân bổ nguồn vốn, nhất thiết không được cả nể, tuyệt đối tránh lợi ích nhóm, nếu không tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả khó có thể khắc phục được và hậu quả là nợ công tăng cao, gây áp lực trả nợ cho ngân sách nhà nước rất lớn.
Nhưng vấn đề là bộ, ngành nào khi trình dự án đầu tư cũng chứng minh dự án vô cùng cần thiết, cấp thiết, rất có hiệu quả, thưa ông?
Khi xây dựng kế hoạch đầu tư bất cứ dự án nào, chủ đầu tư đều nói rất hay về tính khả thi của dự án, hiệu quả của công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng. Nhưng thực tế, rất nhiều công trình, dự án ngàn tỷ đồng chỉ là cái bánh vẽ, hiệu quả đầu tư trên giấy cách rất xa thực tế. Đơn cử như Bảo tàng Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam… được đầu tư nhiều ngàn tỷ đồng, nhưng gần như bỏ hoang, tiền thuế của dân không chỉ phải bỏ ra để đầu tư ban đầu, mà hàng năm phải bỏ ra nhiều tỷ đồng nữa để duy tu, bảo dưỡng, cũng như trả lương cho bộ máy quản lý, quả thật là quá lãng phí.
"Nếu cho rằng xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian phiền hà cho người dân, tăng sự giám sát của người dân..., thì đây là lý do… lãng xẹt".
Chính vì vậy mới cần các chuyên gia vừa giỏi về chuyên môn, vừa có bản lĩnh, kiến thức khi phân bổ vốn, chấm dứt phân bổ vốn theo cảm tính, theo kinh nghiệm truyền thống. Nếu việc thẩm định hiệu quả công trình, dự án nào đó quá khó khăn, phức tạp, thì có thể thuê tư vấn độc lập, kể cả tư vấn nước ngoài thẩm định.
Tôi cho rằng, số tiền bỏ ra thuê tư vấn độc lập thẩm định hiệu quả đầu tư còn rẻ hơn rất nhiều lần so với phân bổ vốn sai, hiệu quả đầu tư thấp.
Nhiều địa phương đã từng có “phong trào” đua nhau xây dựng khu hành chính tập trung, nhưng thực tế đã chứng minh là việc này gây lãng phí và Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu tạm dừng. Tuy nhiên, gần đây một số tỉnh lại tiếp tục đề nghị xây dựng khu hành chính tập trung. Ông bình luận gì về việc này?
Tôi loại bỏ vấn đề tiêu cực trước việc các địa phương đua nhau xây dựng khu hành chính tập trung, mà chỉ muốn nói rằng, địa phương nào cũng muốn xây dựng khu hành chính tập trung, công trình, dự án ngàn tỷ có một số nguyên nhân.
Thứ nhất là nguồn vốn đầu tư phần lớn là do Ngân sách Trung ương bảo đảm, mà Ngân sách Trung ương lâu nay được ví như bầu sữa mẹ, không xin thì người khác xin mất, vậy thì tội gì không xin để đầu tư vào bất cứ cái gì cũng được, hiệu quả kinh tế tính sau.
Thứ hai, địa phương nào cũng muốn bộ mặt đô thị phải văn minh, hiện đại cho “bằng chị, bằng em”.
Thứ ba, khi được bầu, bổ nhiệm làm lãnh đạo địa phương, ai cũng muốn phải để lại dấu ấn cho đời sau bằng các công trình, dự án.
Trong cơ chế thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư có hạn, đầu tư vào bất cứ công trình, dự án nào phải tính đến hiệu quả kinh tế cả trước mắt lẫn trung và dài hạn, vì thế, tôi rất ủng hộ trước động thái Thủ tướng Chính phủ mạnh tay tạm dừng xây dựng khu hành chính tập trung.
Nhưng cũng không phải không có lý khi các tỉnh cho rằng, xây dựng khu hành chính tập trung là nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian phiền hà cho người dân mỗi khi phải đến cơ quan công quyền?
Nếu cho rằng xây dựng khu hành chính tập trung nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian phiền hà cho người dân, tăng sự giám sát của người dân vì tất cả cơ quan công quyền ngồi một chỗ nên họ tự giám sát lẫn nhau và người dân đến cơ quan này có thể giám sát được thái độ phục vụ của cơ quan khác, thì đây là lý do… lãng xẹt.
Đây là tư duy của thời cả cơ quan chỉ có 1-2 cái điện thoại để bàn, chứ không phải thời kỳ đến người nông dân đi làm đồng cũng sử dụng điện thoại di động, cũng lướt web, tham gia mạng xã hội như hiện nay. Nếu thuê chuyên gia tư vấn đầu tư các công trình này, tôi khẳng định tất cả các khu hành chính đang dự kiến xây dựng sẽ bị kiến nghị dừng lại, trừ những địa phương mà cơ sở vật chất không bảo đảm, cơ quan quản lý nhà nước đang phải đi thuê trụ sở làm việc.
Ý ông muốn nói là thay vì việc xây dựng khu hành chính tập trung thì đầu tư vào công nghệ thông tin?
Chỉ cần cái smartphone có 3G hoặc wifi, tôi hoàn toàn có thể biết được khu chung cư tôi đang sống, cơ sở giáo dục cháu tôi đang học đang diễn ra cái gì.
Nếu tất cả công sở đều trang bị camera, người dân chỉ cần sử dụng smartphone hoàn toàn có thể giám sát được hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức, tất cả mọi hành vi tiêu cực đều được giám sát. Đầu tư vào công nghệ thông tin rất rẻ, rất thuận tiện thì việc gì phải xây dựng trụ sở hoành tráng.