TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia
TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhận định, xu hướng thắt chặt thêm chính sách tiền tệ trên thế giới là chắc chắn.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất, nhưng các quan chức Fed dự báo tăng lãi suất vào cuối năm 2023, sớm hơn dự kiến. Đồng thời, Fed cũng cho biết, sẽ sớm thảo luận về vấn đề thu hẹp chương trình mua tài sản. Ông có cho rằng, khả năng Fed tăng lãi suất đã đến gần?
Hai năm vừa qua, nhiều nước phát hành tiền quá nhiều để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Dù bằng hình thức nào, tên gọi nào (ngân hàng trung ương mua trái phiếu chính phủ, mua sắm tài sản, mở rộng bảng cân đối…), thì tất cả đều là phát hành tiền, với khối lượng lớn chưa từng có, cao hơn nhiều giai đoạn suy thoái kinh tế năm 2008. Chính vì vậy, trong trung hạn, lạm phát tăng chắc chắn sẽ xảy ra.
Việc Fed lý giải “chưa tăng lãi suất vì còn tính toán tỷ lệ thất nghiệp, việc làm” chỉ là cách nói. Lạm phát liên quan đến phát hành tiền, chứ không phải việc làm, nên nếu không điều chỉnh kịp thời lãi suất, lạm phát sẽ nhanh chóng bùng lên.
Tất nhiên, Fed vẫn còn một chút thời gian. Đó là lượng tiền đưa vào lưu thông tuy rất lớn, song phần nhiều là người dân “để dành” nhằm phòng ngừa rủi ro, hoặc đầu tư vào tài sản (chứng khoán, bất động sản), chứ không rót vào mua hàng hóa nằm trong danh mục tính chỉ số giá, khiến chỉ số lạm phát nếu tính trung bình từ đầu năm vẫn ở mức thấp.
Hơn nữa, chúng ta biết rằng, Tiền (M) x Vòng quay của tiền (V) = Sản lượng hàng hóa dịch vụ (Q) x Giá cả (P). Khi M tăng, nhưng Q và P không tăng tương ứng, chứng tỏ vòng quay dòng tiền đang chậm lại. Có nghĩa là, GDP và lạm phát không chỉ đơn thuần do tiền in ra nhiều, mà còn do tiền quay được mấy vòng. Hai năm qua, tốc độ hàng hóa luân chuyển chậm, hàng tồn kho nhiều, thiếu container, cả chuỗi cung ứng bị đứt gãy… khiến lưu thông tiền chậm lại. Ví dụ, trước đây, tiền quay được 3 - 4 vòng/năm, thì hiện chỉ quay được 1 - 2 vòng. Đó là lý do tiền in ra nhiều, song lạm phát và GDP vẫn thấp trong 2 năm qua.
Vậy tại sao 2 tháng gần đây, lạm phát của Mỹ lại tăng kỷ lục, có phải vòng quay tiền đã tăng nhanh trở lại? Fed nhận định, lạm phát tăng chỉ là tạm thời. Ông có cùng quan điểm với nhận định này?
Đúng vậy, 2 tháng gần đây, người dân Mỹ bớt tâm lý để dành và bắt đầu chi tiêu. Chiến dịch vắc-xin được triển khai rộng rãi khiến người dân kỳ vọng đại dịch có thể qua trong năm nay và bắt đầu tiêu dùng mạnh tay, kéo theo hoạt động sản xuất, đầu tư của doanh nghiệp tăng, chuỗi cung ứng kết nối trở lại. Nói cách khác, vòng quay tiền của Mỹ đang tăng lên.
Mỹ mới bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục kinh tế, mà lạm phát đã tăng kỷ lục như vậy. Nếu cuối năm nay, đầu năm sau, kinh tế phục hồi mạnh, tôi cho rằng, lạm phát của Mỹ sẽ bùng lên, bất chấp tỷ lệ việc làm như thế nào. Nguy cơ lạm phát tăng với Mỹ là rất rõ ràng, không chỉ tạm thời.
Trên thế giới, không chỉ Mỹ, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều quốc gia. Chính vì vậy, xu hướng thắt chặt dần chính sách tiền tệ là chắc chắn. Thực tế, từ đầu năm đến nay, ngân hàng trung ương một số quốc gia đã tăng lãi suất cơ bản hoặc thu hẹp dần các gói nới lỏng.
Mặc dù lạm phát trên thế giới đang tăng nhanh, song CPI của Việt Nam 5 tháng đầu năm chỉ tăng 1,29% so với cùng kỳ năm 2020. Điều này có phải do Việt Nam ít bơm tiền hơn các nước, thưa ông?
So với các nước trên thế giới, Việt Nam không phát hành tiền nhiều, song tốc độ tăng của tiền tệ lại rất lớn, lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP. Năm 2020, tín dụng tăng 12 - 13%, trong khi GDP chỉ tăng 2,91%.
Song giống như Mỹ, Việt Nam tuy cung nhiều tiền ra nền kinh tế, nhưng lại chưa gây ra lạm phát. Nguyên nhân là do vòng quay của tiền chậm lại, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, cung hàng hóa chậm lại, người dân chi tiêu tằn tiện, khu vực dịch vụ gần như đóng băng…
Dù vậy, nhìn lạm phát của Mỹ tăng vọt 2 tháng gần đây, chúng ta phải thận trọng. Vòng quay của tiền ở Việt Nam chậm lại chỉ là tạm thời, một khi sản xuất - kinh doanh phục hồi, người dân mạnh tay chi tiêu, hiệu ứng lạm phát sẽ tăng mạnh hơn. Nói cách khác, lạm phát ở Việt Nam tăng hay không phụ thuộc hoàn toàn vào sự phục hồi vòng quay của tiền.
Như ông nói, lạm phát ở Mỹ từ đầu năm 2020 đến tháng 3/2021 vẫn thấp dù bơm lượng tiền khủng ra nền kinh tế, một phần do người dân đổ tiền vào nắm giữ tài sản chứng khoán, bất động sản thay vì mua hàng hóa, dịch vụ. Theo ông, tình trạng này có diễn ra ở Việt Nam?
Tín dụng 5 tháng đầu năm tăng gần 5%, theo thông lệ thì 6 tháng cuối năm tín dụng sẽ tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm. Vì vậy, tôi cho rằng, tín dụng năm nay sẽ tăng 14 - 15%. Tín dụng tăng mạnh có một phần lý do tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản.
Vừa qua, thị trường chứng khoán và bất động sản tăng mạnh. Về lý thuyết, 2 kênh đầu tư này sẽ đi theo đà phục hồi của nền kinh tế, nó là những khoản đầu tư kỳ vọng. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi, thị trường chứng khoán, bất động sản sẽ tăng theo. Có người cho rằng, tốc độ tăng của thị trường chứng khoán hiện nay là quá cao, không đồng nhất với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Song, sự so sánh này là khập khiễng, bởi trên thực tế, nhiều khi thị trường chứng khoán rơi thẳng đứng, dù nền kinh tế không có biến động nhiều.
Về trung hạn, với điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, sản xuất phục hồi bền vững, tôi cho rằng, triển vọng với thị trường chứng khoán và bất động sản của nước ta vẫn tốt.
Vậy ông dự báo lạm phát, lãi suất năm nay của Việt Nam sẽ ra sao?
Theo tôi, lạm phát của Việt Nam năm nay vẫn chưa đáng lo ngại. Với tốc độ nhập khẩu và tiêm vắc-xin khá chậm như hiện nay, nhiều ngành kinh tế (như du lịch, hàng không, vận tải…) sẽ vẫn khó khăn, phải đến nửa cuối năm sau mới có khả năng phục hồi. Theo đó, lạm phát cả năm vẫn chỉ dưới 4%. Chính vì lạm phát thấp, doanh nghiệp nhiều ngành chưa phục hồi, lãi suất sẽ không tăng, mà thậm chí còn có cơ hội giảm thêm nữa.