TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần xử lý khéo Thông tư 36

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK xoay quanh vấn đề nợ xấu, tái cơ cấu ngành ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, với Thông tư 36/2014,  Ngân hàng Nhà nước cần xử lý khéo để không gây ảnh hưởng nặng nề đến TTCK.
TS. Lê Xuân Nghĩa: Cần xử lý khéo Thông tư 36

Mặc dù đã có chủ trương mua bán nợ xấu theo giá thị trường, nhưng tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm. Theo ông, đâu là nguyên nhân mấu chốt?

Mua bán nợ xấu theo giá thị trường là thuận mua vừa bán, tiềm lực tài chính cho việc mua bán nợ theo giá thị trường không phải là vấn đề, mà quyết định vẫn là khung pháp lý. Bên cạnh việc tăng thêm vốn cho VAMC để mua nợ xấu, nếu cho phép các ngân hàng thương mại sử dụng dự phòng rủi ro để xóa nợ hoặc tái cơ cấu lại nợ (hạch toán ngoại bảng)… cũng là yếu tố đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu. Vấn đề khó nhất là những thủ tục về mua bán nợ liên quan đến thị trường bất động sản và thị trường tài sản đang rất rối rắm.

Nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ đề nghị Quốc hội xử lý nhanh xung đột pháp lý có liên quan đến việc mua bán nợ. Cho đến nay, chưa thấy có dấu hiệu nào giúp cho việc xử lý nợ xấu được thực thi một cách nhanh chóng.

Ở các nước, các đơn vị tương tự như VAMC của Việt Nam được đặc quyền rất lớn, thậm chí các nước cho phép cơ quan xử lý nợ được quyền khắc phục các xung đột pháp lý trong một thời hạn và sau khi xử lý xong nợ xấu thì sẽ trở lại vị trí như cũ. Việt Nam chưa thấy có dấu hiệu nào để VAMC có thể làm được như vậy. 

Ông có kỳ vọng năm 2015, việc xử lý nợ xấu sẽ có những kết quả rõ rệt hơn?

Nợ xấu vẫn tiếp tục được xử lý nhưng nó vẫn tăng lên vì Quyết định 780 sắp hết hiệu lực (về giãn nợ), cộng thêm việc áp dụng Thông tư 02 của NHNN với chuẩn mới về phân loại nợ. Bản chất thì nợ xấu sẽ giảm, còn giảm nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào khung pháp lý sẽ thay đổi như thế nào, để giải quyết nhanh cục nợ đang góp phần làm tắc tín dụng. 

Việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn cũng là cách thức để xử lý nợ xấu của các ngân hàng nhỏ, yếu kém, thưa ông?

Đương nhiên, ngân hàng lớn có khả năng xử lý nợ xấu tốt hơn vì tiềm lực tài chính mạnh hơn, khối lượng dự phòng rủi ro trích lập lớn hơn. Thứ hai, khi áp dụng các chỉ tiêu an toàn ít bị đảo lộn hơn, còn các ngân hàng nhỏ khi áp dụng Thông tư 36 của NHNN sẽ gặp khó khăn rất lớn.

Hiện nợ xấu của các ngân hàng nhỏ nói chung rất đáng lo ngại. Chủ trương sáp nhập ngân hàng nhỏ vào các ngân hàng lớn nhằm lành mạnh hóa tài chính cho ngân hàng nhỏ, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết nhanh chóng nợ xấu cả về khung pháp lý và tiềm lực tài chính. 

Được biết, NHNN sẽ có cơ chế riêng cho các ngân hàng lớn nhận sáp nhập ngân hàng nhỏ. Ông có biết về cơ chế này?

NHNN có một số điều kiện đặt ra với ngân hàng nhỏ, đồng thời tạo ra những khung pháp lý cho ngân hàng lớn “ôm” thêm ngân hàng nhỏ mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuẩn mực quản trị của họ. Chẳng hạn, NHNN sẽ cho ngân hàng lớn có lộ trình dài hơi hơn để xử lý nợ xấu, vì đây không phải nợ xấu của ngân hàng lớn. Hoặc các tiêu chuẩn về an toàn hoạt động sẽ được áp dụng chậm hơn một chút… Nhưng có một điều chắc chắn là NHNN sẽ không hạ các tiêu chuẩn an toàn trong hoạt động ngân hàng cho các ngân hàng lớn.

Đã có những kiến nghị về sáp nhập và “cưu mang” các ngân hàng yếu kém cũng cần phải có những ưu đãi về thuế: giãn, giảm thuế… cho ngân hàng nhận “cưu mang”, nhưng đó là việc của Quốc hội và Bộ Tài chính, chứ không phải của NHNN. Cho đến nay, chưa có một trường hợp nào được miễn giảm thuế trong sáp nhập. 

Thông tư 36/2014 của NHNN đã tác động mạnh đến diễn biến của TTCK thời gian qua. Không ít kiến nghị trên thị trường kiến nghị NHNN giãn thời gian áp dụng thông tư này, nhưng mới đây, lãnh đạo NHNN vẫn khẳng định lập trường giữ nguyên thời hạn áp dụng từ đầu tháng 2/2015. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?

Hàng chục nghìn tỷ đồng vốn được các ngân hàng bơm vào TTCK, với vòng quay lớn có thể sẽ quay trở lại ngân hàng khi Thông tư 36 có hiệu lực. Tôi cho rằng, nếu NHNN xử lý không khéo vấn đề này thì sẽ ảnh hưởng nặng đến TTCK, làm giảm mạnh thanh khoản của thị trường.

Một khi TTCK kém thanh khoản, sẽ khó thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mà Chính phủ đặt ra trong năm 2014 có thể sẽ bị ảnh hưởng.

Tin bài liên quan