Ưu tiên số 1 này tiếp tục được Bộ trưởng gửi gắm trong Đặc san Toàn cảnh thị trường bảo hiểm năm 2015 vừa được ĐTCK phát hành tháng 5 vừa qua.
“Để thực hiện tốt mục tiêu chiến lược đề ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mức độ cạnh tranh ngày càng cao, đồng thời nắm bắt được các cơ hội phát triển, tiếp tục khẳng định vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội, thị trường bảo hiểm cần tập trung vào xây dựng các chương trình truyền thông, quảng bá, nâng cao nhận thức của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước về ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm”, Bộ trưởng cho biết.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính, việc tìm kiếm những giải pháp truyền thông, quảng bá cụ thể đã được đặt ra như là vấn đề hàng đầu đối với các công ty bảo hiểm nói chung và DNBH nhân thọ nói riêng.
Mới đây nhất, dưới sự điều phối của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), một nhóm truyền thông đại diện cho 17 DNBH nhân thọ trên toàn thị trường vừa được thành lập. Nhóm này đã tiến hành họp bàn nhằm đẩy mạnh tuyên truyền cho mảng bảo hiểm trong thời gian tới.
Truyền thông trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung đang được đẩy mạnh như một nhu cầu cấp thiết, do nhận thức của người dân về bảo hiểm còn hạn chế, trong khi thị trường biến chuyển ngày một nhanh cả về quy mô lẫn số lượng các sản phẩm mới.
Không kể tới các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được ra mắt với tần suất lớn hàng tháng, trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, các sản phẩm mới đã, đang và sẽ ngày một nhiều hơn. Bởi vậy, muốn bán được sản phẩm, không thể không tuyên truyền để người dân hiểu.
Tính riêng trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, theo báo cáo mới nhất của AVI, sau gần 20 năm kể từ khi có DNBH nhân thọ đầu tiên trên thị trường, vai trò của bảo hiểm nhân thọ đối với nền kinh tế xã hội đã được khẳng định.
17 DNBH nhân thọ, thông qua 295.000 đại lý, đã cung cấp hơn 300 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, thu hút số tiền nhàn rỗi để đầu tư tài chính vào nền kinh tế quốc dân là 105.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các quốc gia khác trên thế giới và tiềm năng phát triển bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam, số lượng hợp đồng bảo hiểm, tỉ lệ phí bảo hiểm nhân thọ/GDP còn khá khiêm tốn.
“Hàng năm, có gần 1 triệu hợp đồng bảo hiểm đáo hạn và chấm dứt hợp đồng, hơn 1 triệu hợp đồng bảo hiểm khai thác mới. Trong hơn 15 năm qua, số lượng người tham gia bảo hiểm nhân thọ và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm nhân thọ lên tới xấp xỉ 15 triệu lượt người. Thế nhưng, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ là 28.354 tỷ đồng (tương đương 1% GDP), mới chỉ thu hút được 6,3% dân số tham gia bảo hiểm (5,7 triệu hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính và 5,6 triệu hợp đồng bảo hiểm bổ trợ”, báo cáo từ AVI cho biết.
Để đẩy mạnh sự phát triển của thị trường bảo hiểm, không thể thiếu công tác truyền thông. Cần nhắc lại, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam chính thức được hình thành từ năm 1999 khi Bộ Tài chính bắt đầu cấp phép hoạt động cho các DNBH.
Vậy nhưng, từ đó cho tới nay, tính riêng mảng bảo hiểm phi nhân thọ (trừ các sản phẩm bảo hiểm tự nguyện), liệu có bao nhiêu người dân (không công tác trong lĩnh vực bảo hiểm) có thể hiểu hết đặc tính của các sản phẩm bảo hiểm bắt buộc như cháy nổ, trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và sắp tới là bảo hiểm tài sản công, đầu tư xây dựng?
Bên cạnh đó, vẫn không ít người dân nhầm tưởng Bảo Việt là Bảo hiểm xã hội, hay không rõ Bảo Việt Nhân thọ và Bảo hiểm Bảo Việt bán những sản phẩm nào, là bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ. Thậm chí, dù đã thay tên đổi họ nhiều năm, nhưng các DNBH vẫn bị sử dụng các tên gọi cũ: Bảo hiểm PVI bị gọi là Bảo hiểm Dầu khí, CTCP PVI vẫn bị nhầm với Bảo hiểm PVI… cùng vô vàn các trường hợp tương tự.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới công tác truyền thông trong thời gian qua chưa được hiệu quả, trong đó có yếu tố từng DNBH chưa xây dựng được chương trình tổng thể; quảng bá, truyền thông manh mún…
Để khắc phục tình trạng này, đồng thời nhằm khai thác hết tiềm năng của thị trường, thu hút sự tham gia bảo hiểm của nhiều khách hàng hơn nữa, một chiến lược truyền thông đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa được vạch ra.
Theo đó, mỗi nội dung được tuyên truyền cần phải thích ứng với từng đối tượng chịu tác động (người có nhu cầu bảo hiểm, chủ sử dụng lao động, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp).
Từ đó, lựa chọn phương pháp, hình thức, tần suất tuyên truyền phù hợp. Hơn nữa, DNBH, AVI, Cục Quản lý và Giám sát Bảo hiểm sẽ cùng phối hợp hành động vì sự phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.