Trước thềm đại hội, Vietnam Airlines (HVN) vẫn chưa chuẩn bị kịp thông tin

Trước thềm đại hội, Vietnam Airlines (HVN) vẫn chưa chuẩn bị kịp thông tin

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Cho đến cuối tuần trước, các tài liệu cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN, dự kiến diễn ra vào 28/7) vẫn chưa được công bố.

HVN đã lùi thời hạn tổ chức đại hội tới lần thứ 3 với lý do công tác chuẩn bị các nội dung chưa hoàn thành.

Trước thềm đại hội này, HVN đã thông tin về ba giải pháp Tổng công ty đề nghị hỗ trợ khẩn cấp, bao gồm: khoản vay tái cấp vốn với quy mô 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thời hạn 3 năm; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn với quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng; trong trung và dài hạn, Chính phủ bảo lãnh cho HVN phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thời hạn 10 năm, quy mô 10.000 tỷ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội bay (giai đoạn 2021 - 2025).

Theo ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc HVN, hãng sẽ rơi vào trạng thái mất thanh khoản từ cuối tháng 8/2020 nếu không có hỗ trợ về tài chính. Thông tin này được đưa ra tại cuộc tọa đàm do Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ tổ chức hôm 13/7.

Trước thềm đại hội, Vietnam Airlines (HVN) vẫn chưa chuẩn bị kịp thông tin ảnh 1

Đồ thị giải pháp hỗ trợ các nước.

Cho đến nay, trao đổi với Báo Ðầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo Tổng công ty Ðầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), một trong các đầu mối có sẵn nguồn lực có thể tham gia chiến dịch “giải cứu” HVN, cho biết, Tổng công ty chưa nhận được bất kỳ thông tin gì mới về việc này.

Giới phân tích nhận xét, nếu tăng vốn bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, thực hiện trong năm nay, HVN sẽ phải đưa nội dung này ra xin ý kiến Ðại hội đồng cổ đông.

Do Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp hiện nắm gần 90% cổ phần tại HVN nên phương án này có thực hiện được hay không chủ yếu phụ thuộc vào việc Nhà nước có sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phần phát hành thêm.

Còn với giải pháp phát hành trái phiếu hay vay ngân hàng, hiện hạn mức tín dụng của HVN tại các ngân hàng đã chạm trần, nên đều khó khả thi.

Như vậy, chỉ Nhà nước mới có thể đứng ra cấp vốn cho HVN. “Cả ba phương án mà HVN đề xuất đều phải giải quyết một câu hỏi chung là làm thế nào để bảo toàn vốn đầu tư theo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Trong khi chúng tôi không thấy thông tin, dữ liệu để chứng minh được điều này”, lãnh đạo một đơn vị sẵn nguồn cho biết.

Sở dĩ có sự loay hoay trong phương án giải cứu HVN là hiện Việt Nam không có quy định pháp lý đặc thù cho các trường hợp như vậy. Tại Mỹ có luật thời chiến. Khi bộ luật này được kích hoạt, các bên ra quyết định được miễn trừ trách nhiệm, để có thể ra các quyết định can thiệp kịp thời.

Trong các cuộc trao đổi gần đây, lãnh đạo HVN cho biết, kế hoạch lợi nhuận năm 2020 âm 15.000 tỷ đồng được xây dựng trên giả thiết lạc quan nhất là dịch bệnh kết thúc trong tháng 6 và có thể bắt đầu khai thác lại đường bay quốc tế từ tháng 7. Ðến nay, có thể thấy, kịch bản này đã phá sản.

Nếu HVN rơi vào tình trạng mất thanh khoản, không những phải dừng bay, hãng còn phải đối diện với nguy cơ bị thu giữ tàu bay bất kỳ lúc nào từ các chủ nợ quốc tế.

Báo cáo tài chính của HVN cho biết, tính đến hết năm 2019, Tổng công ty nợ gần 60.000 tỷ đồng, trong đó có tới hơn một nửa là nợ ngắn hạn.

Nếu đến thời hạn trả nợ, hãng không có khả năng trả nợ, các chủ nợ có thể yêu cầu cơ quan hàng không các nước thu giữ tàu bay, để bán thu hồi vốn.

Dữ liệu từ Cục Hàng không cho biết, tổng chuyến bay khai thác toàn ngành giảm 38% so với cùng kỳ trong tháng 6/2020, đạt 18,623 chuyến, tuy nhiên tăng 116% so với tháng 5/2020. Tổng lượng khách di chuyển bằng đường hàng không đạt khoảng 1,97 triệu lượt, giảm 60,6% so với cùng kỳ và tăng 250% so với tháng 5.

Có thể, đây là điểm khởi sắc để dòng tiền của HVN cải thiện. Tuy nhiên, bay nội địa khó có thể trở thành giải pháp cứu nguy của HVN khi đến tháng 9 là trở lại mùa thấp điểm du lịch.

Trên thế giới, nhiều nước đã triển khai giải pháp hỗ trợ cho các hãng bay dưới hình thức bảo lãnh cho vay và trực tiếp cho vay, trợ cấp lương, bổ sung nguồn vốn, thuế nhiên liệu bay… nhưng nguồn lực của họ lớn và lại luôn sẵn sàng khung pháp lý cho những tình huống cấp bách “thời chiến”. Còn với HVN, tương lai vẫn là dấu hỏi.

Tin bài liên quan