DIC Holdings công bố bản cáo bạch chuẩn bị niêm yết, trong đó doanh nghiệp định giá theo giá sổ sách là 11.646 đồng/cổ phiếu, theo giá thị trường là 12.920 đồng và giá niêm yết ngày đầu tiên sẽ do Hội đồng quản trị quyết định.
Quá trình tăng vốn
Trước thời điểm lên sàn, DIC Holdings liên tục thực hiện tăng vốn, đặc biệt là trong năm 2019 doanh nghiệp đã tăng vốn từ 110 tỷ đồng lên 290 tỷ đồng. Trong đó, phát hành cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10%, tương ứng gần 1,1 triệu cổ phiếu; chào bán riêng lẻ 16,9 triệu cổ phiếu.
Cơ cấu cổ đông
Công ty được thành lập năm 1994 tiền thân là công ty thuộc sở hữu bởi Công ty Xây dựng và Dịch vụ Du Lịch (nay là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây Dựng (mã chứng khoán DIG – sàn HOSE).
Tính tới thời điểm trước khi lên sàn, cổ đông lớn của doanh nghiệp gồm DIG sở hữu 40,65% vốn điều; Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) sở hữu 26,67% vốn điều lệ; ông Lê Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT sở hữu 10,48% vốn điều lệ, còn lại những cổ đông khác 22,2% vốn điều lệ.
Trong đó, Công ty cổ phần Phát triển và Kinh doanh Nhà (HDTC) tiền thân là Ban Quản lý công trình nhà ở, trực thuộc Sở Nhà Đất và Công trình cộng cộng, là doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá năm 2015 với tỷ lệ sở hữu nhà nước là 30%.
Tài sản chính
Tính tới 30/6/2020, DIC Holdings có 600,8 tỷ đồng tài sản, trong đó 303,1 tỷ đồng là tồn kho, chiếm 50,4% tổng tài sản; các khoản phải thu ngắn hạn là 142,5 tỷ đồng, chiếm 23,7% tổng tài sản; đầu tư tài chính dài hạn là 104,5 tỷ đồng, chiếm 17,4% tổng tài sản. Trong khi đó, đối ứng doanh nghiệp sử dụng vay nợ là 63,4 tỷ đồng, chiếm 10,6% tổng nguồn vốn.
Được biết, tồn kho là 303,1 tỷ đồng nhưng trong đó chi phí sản xuất kinh doanh dở dang là 222,4 tỷ đồng, doanh nghiệp không thuyết cụ thể từng dự án nào trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2020, cũng như báo cáo tài chính năm 2019.
Trong khoản phải thu 142,5 tỷ đồng thì có tới 117,7 tỷ đồng từ các khách hàng. Cụ thể, phải thu khách hàng DIG (cổ đông lớn) là 25,9 tỷ đồng; phải thu cổ đông lớn HDTC là 17,4 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Xây dựng Du lịch Hồng Phúc là 15,3 tỷ đồng; Ban quản lý Dự án Chuyên ngành Dân dụng và Công nghiệp là 17,98 tỷ đồng…; ngoài ra, còn có phải thu về cho vay ngắn hạn công ty con công ty TNHH MTV Vinawindow trị giá 17,8 tỷ đồng…
Trong khi đó, đầu tư tài chính 104,5 tỷ đồng chủ yếu là đầu tư vào Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng DIC với giá trị 93,5 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 96,59% vốn điều lệ; đầu tư vào công ty TNHH MTV Vinawindow là 10 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 100% vốn điều lệ.
Trong nhiều năm qua, lĩnh vực xây lắp là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất vào cơ cấu lợi nhuận gộp, chủ yếu liên quan tới hoạt động xây lắp từ các cổ đông lớn là DIG và HDTC. Như vậy có thể thấy rủi ro lớn của doanh nghiệp là phụ thuộc vào các cổ đông lớn, cũng như ngành xây dựng đang có dấu hiện chậm triển khai dự án mới sẽ tác động tiêu cực tới doanh nghiệp.
Tương lai ngành xây lắp phụ thuộc vào các cổ đông lớn nói riêng và cũng như phụ thuộc vào ngành xây dựng chủ yếu ở Vũng Tàu nói chung.
Bên cạnh đó, trong những năm qua, doanh nghiệp phát triển các khu dân cư quy mô vừa và nhỏ tại TP. Bà Rịa, xây dựng các chung cư từ trung cấp đến cao cấp tại TP. Vũng Tàu.
Tại dự án Văn phòng kết hợp chung cư -TDC (Ruby Tower) đã đưa vào khai thác từ năm 2018, công ty sử dụng 2 tầng diện tích khu văn phòng để làm việc và cho thuê hơn 1.000 m2 diện tích văn phòng.
Tại dự án Chung cư Chí Linh Center là dự án trọng điểm giai đoạn 2020-2023, dự án dự kiến khởi công vào cuối năm 2020.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn xúc tiến các thủ tục pháp lý liên quan để thực hiện 2 dự án khu dân cư ở TP. Bà Rịa với quy mộ 6,86 ha, đây là dự án quan trọng năm 2020-2021.
Như vậy, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc vào cổ đông lớn, ngoài ra có sự đột biến ở các dự án bất động sản phát triển khi bàn giao dự án. Tuy nhiên, do đặc thù không có quá nhiều dự án nên lợi nhuận mảng bất động sản sẽ không đều và gây nên sự biến động trong báo cáo tài chính giữa thời điểm có dự án bàn giao và không có dự án bàn giao.