Theo bản án sơ thẩm, cuối năm 2017, thông qua người quen, bà N. (chủ một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng) quen Thạch. Thạch giới thiệu là cán bộ Bộ Giao thông vận tải, có quan hệ và quản lý nhiều dự án, có khả năng giúp bà N. trúng thầu.
Tháng 11/2017, bà N. gặp Thạch để bàn chuyện. Thạch gợi ý khi nộp hồ sơ năng lực, bà N. phải “kèm” 50 triệu đồng để chuyển cho chủ đầu tư. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, Thạch viết giấy biên nhận hứa hẹn đầu năm 2018 bà N. sẽ được công trình.
Vài ngày sau, Thạch liên lạc và đưa cho bà N. quyết định phê duyệt gói thầu san nền công trình 53 ha ở Bắc Ninh với tổng giá trị công trình là 500 tỷ đồng. Thạch yêu cầu bà N. nộp hồ sơ và 500 triệu đồng tiền đặt cọc. Bà N. đã chuyển số tiền trên cho Thạch và được nhận giấy biên nhận, ghi rõ nội dung nhận tiền để được nhận gói thầu san lấp tại dự án ở Yên Phong, Bắc Ninh.
Theo cam kết của Thạch thì đến ngày 30/12/2017, bà N. sẽ được ký hợp đồng thi công trực tiếp với chủ đầu tư.
Quá hạn không được ký hợp đồng, bà N. nhiều lần liên hệ thì Thạch lấy đủ lý do để trì hoãn và cắt liên lạc. Bà N. gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của Thạch đến cơ quan công an.
Với hành vi trên, Thạch bị xử phạt mức án 10 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo kháng án xin giảm nhẹ hình phạt với lý do trước khi phạm tội, bị cáo đang nuôi thân nhân liệt sĩ. Phía bị hại kháng cáo đề nghị tăng hình phạt vì cho rằng mức án 10 năm tù chưa tương xứng với hành vi phạm tội. Bà N. nói số tiền trên là quá lớn, hiện nay bà đang phải vay vốn ngân hàng để trả nợ.
Sau khi xem xét, cấp phúc thẩm nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận các đơn kháng cáo trên; vì vậy tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm.