Câu chuyện đặt Sở giao dịch chứng khoán ở đâu chỉ là chuyện nhỏ nếu đặt trong tổng thể tiến trình thiết kế sự phát triển của thị trường tài chính

Câu chuyện đặt Sở giao dịch chứng khoán ở đâu chỉ là chuyện nhỏ nếu đặt trong tổng thể tiến trình thiết kế sự phát triển của thị trường tài chính

Trung tâm tài chính quốc gia và câu chuyện Sở GDCK Việt Nam

(ĐTCK) Vị trí trung tâm của TTCK Việt Nam nên đặt ở đâu là hợp lý: Hà Nội hay TP. HCM? Đây là vấn đề có thể gây ra cuộc tranh luận kéo dài, thậm chí vẫn còn tranh luận ngay cả khi địa điểm chính thức được thông qua. 

Để tránh sa vào tầm nhìn ngắn hạn, câu hỏi trước tiên nên được đặt ra là liệu trong vài chục năm hoặc xa hơn nữa, đâu sẽ là trung tâm tài chính quốc gia của Việt Nam?

GS.TS Trần Ngọc Thơ
 

Nếu xác định đâu là trung tâm tài chính quốc gia tương lai, việc đặt TTCK ở đó kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích và ít gây tranh cãi hơn. Điều đáng nói khi đây là chủ đề không những tạo nên mối quan tâm của các nhà hoạch định chính sách, mà còn là của những nhà kinh tế hàn lâm. Tác giả bài viết bắt đầu bằng cách nêu ra tổng quan các nghiên cứu lý thuyết về chủ đề này.

Các nghiên cứu lý thuyết

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ngày nay, không ít nhà kinh tế tin rằng, vai trò kinh tế của khoảng cách không còn nhiều ý nghĩa. Sự kết thúc của địa lý (end of geography) hay cái chết của khoảng cách (death of distance) như là hậu quả của sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin. Việc đặt trụ sở của một công ty đa quốc gia hay TTCK ở đâu, vì vậy, không còn là tiêu chí hàng đầu để cân nhắc giống như trước đây.

Ở quan điểm ngược lại, nhiều nhà kinh tế cho rằng, vấn đề khoảng cách, hay nói rộng ra là kinh tế địa lý (Economic Geography) luôn là yếu tố hàng đầu trong cạnh tranh toàn cầu hóa. Ý tưởng này khởi thủy từ Paul Krugman, nhà kinh tế đoạt giải Nobel kinh tế 2008, khi ông đề xuất lý thuyết địa lý kinh tế mới, vốn đang thống lĩnh trong các lý thuyết kinh tế học.

Sau Krugman, nhiều nhà kinh tế còn đề cập đến hiện tượng “Sự phụ thuộc lối mòn” (Path Dependence) và “Vấn đề bất cân xứng thông tin” (Information Asymmetry) như là những lý do khiến cho trụ sở của các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, Sở GDCK, hay trụ sở của các công ty đa quốc gia luôn có khuynh hướng hội tụ vào một vài thành phố dẫn đầu trong một quốc gia.

Đối với sự phụ thuộc lối mòn, lý thuyết kinh tế chỉ ra rằng, thường là dễ hơn và có hiệu quả về mặt chi phí nhiều hơn để tiếp tục sử dụng một sản phẩm hay một thông lệ cũ, thay vì bỏ tiền ra để tiếp tục triển khai sản phẩm mới. Kết hợp với lý thuyết địa lý kinh tế mới, sẽ rất tốn kém nếu một công ty chuyển trụ sở sản xuất của mình từ một địa phương này sang một địa phương khác, nếu như lợi ích kinh tế mang lại là không đủ lớn.

Còn với vấn đề bất cân xứng thông tin, xem ra đặt trụ sở của một ngân hàng hay công ty chứng khoán tại các thủ đô chính trị lại dễ có được ưu thế tiếp cận thông tin chính trường hơn nơi khác, bất chấp đây là thời đại của công nghệ thông tin. Một số nhà kinh tế khi tranh luận liệu Thượng Hải hay Bắc Kinh mới đích thị là trung tâm tài chính của Trung Quốc có nhấn mạnh đến đặc điểm của ngành công nghiệp tài chính nước này là bất cân xứng thông tin. Theo họ, Bắc Kinh nên là địa điểm lý tưởng nhất để đặt trụ sở của các công ty đa quốc gia và ngân hàng quốc tế.

Các nhân tố cơ bản hình thành nên trung tâm tài chính quốc gia

Để hiểu rõ hơn nữa liệu trung tâm tài chính quốc gia tọa lạc ở đâu là thích hợp, trước hết cần hiểu thế nào là một trung tâm tài chính.

Về mặt truyền thống, trung tâm tài chính được hiểu là nơi kết nối các định chế tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, Sở GDCK, nhằm cung cấp chuyên biệt các dịch vụ tài chính ngân hàng ở tầm quốc gia hoặc quốc tế. Để nhận dạng một trung tâm tài chính, có rất nhiều thước đo được sử dụng, chẳng hạn: nguồn nhân lực tài chính trong tổng số nguồn nhân lực, tài sản của các định chế tài chính, tỷ trọng của thanh toán qua ngân hàng, tổng số các khoản tiền ký gửi và cho vay, khối lượng giao dịch trên TTCK, số lượng chi nhánh các ngân hàng nước ngoài và trụ sở văn phòng của các công ty đa quốc gia. Các thông số trên là những nội dung căn bản nhất để hình thành nên chỉ số xếp hạng trung tâm tài chính (FINDEX) ngày nay.

Trong một nền kinh tế hiện đại, trung tâm tài chính luôn là nơi tọa lạc của các ngân hàng nổi tiếng và Sở GDCK. Chẳng hạn, New York là “nhà” của Sở GDCK New York cũng như của các ngân hàng nổi tiếng như Goldman Sacks, JP Morgan, Citigroup. Tương tự, London là “nhà” của Sở GDCK London và của các ngân hàng HSBC, Standard Chartered, Barclays.

Hiểu theo nghĩa rộng hơn, trung tâm tài chính còn là nơi có các liên kết khối theo vùng (Spatial Agglomeration) trong các hoạt động tài chính. Nhìn lại nước ta, với ý nghĩa này, các nhà hoạch định chính sách cần làm rõ, nếu lựa chọn TP. HCM hay Hà Nội là trung tâm tài chính, thì các liên kết khối dịch vụ tài chính sẽ hình thành như thế nào trong khối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và phía Bắc, với vai trò kết nối các dịch vụ tài chính của 2 trung tâm?

Hệ sinh thái trung tâm tài chính

Khi đề cập đến việc kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, việc thảo luận trung tâm tài chính quốc gia nên định hình ở TP. HCM hay Hà Nội cần phải có tầm nhìn thời gian và không gian rất dài và rất xa. Để tránh tốn kém sau này, đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần có tầm nhìn 50 năm hay xa hơn nữa để định hình một trung tâm tài chính khu vực, với khả năng kết nối các nước trong khu vực và thế giới.

Khái niệm mới trong kinh tế học xuất hiện gần đây phần nào giúp chúng ta hiểu rõ vấn đề đang tranh luận là “Hệ sinh thái trung tâm tài chính” (Financial Centre Ecosystem). Về mặt sinh học, hệ sinh thái là hệ thống các quần thể sinh vật sống chung và phát triển trong một môi trường nhất định, quan hệ tương tác với nhau và với môi trường đó. Rất may là ý niệm hình thành hệ sinh thái trung tâm tài chính lại trùng hợp với các chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm hiện nay ở nước ta.

Hệ sinh thái trung tâm tài chính có thể hiểu là một cấu trúc cân bằng năng động mà các trung tâm (thành phố) tài chính cùng tồn tại chung trong một môi trường để chúng có khả năng tương tác và phụ thuộc lẫn nhau cùng phát triển.

Chủ thể của hệ sinh thái là các tỉnh, thành phố tiềm năng và môi trường là vùng kinh tế tạo ra các động lực tăng trưởng, cung cấp các nguồn lực cho phát triển. Trung tâm tài chính quốc gia vì vậy không chỉ đơn thuần là kênh luân chuyển vốn giữa các nguồn cung và cầu, mà còn đóng vai trò quan trọng trong đầu tư, tích lũy vốn, cũng như là đầu tàu tăng trưởng kinh tế cả nước và đổi mới kỹ thuật.

Hiểu theo nghĩa hệ sinh thái, chứ không phải là một địa điểm hành chính đơn thuần, việc xét đến chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của TP. HCM, Hà Nội và các tỉnh vùng trọng điểm xoay quanh trong nhiều năm qua sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà hoạch định chính sách đưa ra quyết định ít cảm tính hơn trong việc lựa chọn đâu là địa điểm tốt nhất hình thành trung tâm tài chính quốc gia, cũng như nơi lý tưởng nhất để đặt Sở GDCK.

Vấn đề hình thành hệ sinh thái trung tâm tài chính quốc gia rất cần được nghiên cứu kỹ lưỡng  

Sở GDCK Việt Nam nên đặt ở đâu?

Cho đến giờ, có 2 luồng quan điểm rõ ràng về địa điểm đặt Sở GDCK Việt Nam. Nhóm quan điểm ủng hộ Sở GDCK đặt ở Hà Nội cho rằng, vì đó là nơi tập trung cơ quan đầu não, là nơi ban hành các chính sách và quản lý thị trường. Trong khi đó, nhóm quan điểm đối lập cho rằng, TP. HCM là nơi khai sinh ra TTCK và là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước, nên phải đặt Sở GDCK ở đó. Cả hai nhóm ý kiến trên phần nào đều nặng cảm xúc và ít có chứng cứ thuyết phục.

Lập luận Sở GDCK đặt ở Hà Nội vì gần cơ quan đầu não và là nơi ban hành chính sách, cho đến giờ dường như không cho thấy dựa trên bất kỳ một nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn nào thuyết phục. Chẳng hạn, New York hay Thượng Hải đâu phải là thủ đô hành chính, chính trị của Mỹ và Trung Quốc, mà TTCK lại đặt ở đó chứ không phải ở Washington DC hay ở Bắc Kinh.

Lập luận cho rằng, TP. HCM là nơi khai sinh ra TTCK và là trung tâm kinh tế sôi động nhất cả nước nên phải đặt ở đó tuy có các bằng chứng lý thuyết và thực nghiệm bổ trợ, nhưng vẫn còn thiếu dữ liệu minh chứng thuyết phục. Quan điểm này có khả năng được hỗ trợ bằng lý thuyết “Sự phụ thuộc lối mòn” như đã đề cập ở phần trên.

Thoạt nhìn, có khả năng TP. HCM ưu thế hơn Hà Nội, vì thành phố này luôn được mặc định như là trung tâm kinh tế sôi động nhất và có lịch sử lâu đời về việc tọa lạc của các ngân hàng, Sở GDCK hay trụ sở của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi này cần phải có một phân tích sâu sắc liệu đặt Sở GDCK ở Hà Nội thì Sở có đủ sức tạo ra lực ly tâm làm cho các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, hay trụ sở các công ty đa quốc gia chuyển vùng ra Hà Nội?

Nói cách khác, liệu TP. HCM trong thời gian qua đã đủ sức tạo ra lực hướng tâm đủ lớn để thu hút các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các công ty chứng khoán, bảo hiểm, trụ sở của các công ty đa quốc gia?

Lý thuyết kinh tế cho thấy, nếu mức tỷ suất sinh lợi hay công việc làm ăn kinh doanh của các định chế này đang tiến hành thuận lợi, thì việc đảo ngược các quyết định trước đây để làm mới lại chúng ở Hà Nội sẽ rất tốn kém. Trong trường hợp này, việc đặt Sở GDCK ở Hà Nội đơn thuần chỉ là một quyết định mang tính hành chính, vừa gây lãng phí, vừa không có mục tiêu rõ ràng. Tuy nhiên, để thuyết phục Sở GDCK Việt Nam nằm ở TP. HCM, các nhà quản lý cần phải có nhiều dữ liệu chứng minh kèm theo.

Ngoài ra, để tránh tầm nhìn ngắn hạn và nặng tính cục bộ địa phương, cần lưu ý đến khái niệm hệ sinh thái trung tâm tài chính đã đề cập ở phần trên, chẳng những cho việc lựa chọn địa điểm đặt Sở GDCK, mà còn thực thi một chiến lược kinh tế tổng thể dài hạn mang tầm quốc gia. Câu chuyện đặt Sở GDCK ở đâu cũng chỉ là chuyện nhỏ nếu đặt trong tổng thể tiến trình thiết kế sự phát triển của thị trường tài chính.

Vấn đề hình thành hệ sinh thái trung tâm tài chính quốc gia, một khái niệm rất phù hợp với các chiến lược phát triển tạo ra các vùng động lực tăng trưởng hiện nay ở nước ta, nên được đưa vào thảo luận trong các văn kiện đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới. Điều này để tránh việc các bộ máy hành chính sau này tùy tiện đưa ra các quyết định liên quan đến việc phát triển thị trường tài chính ở nước ta trong tương lai.

Tin bài liên quan