Paul Christopher, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường toàn cầu tại Wells Fargo Investment Institute nhận định: “Sự ổn định tại Trung Quốc trong năm nay phần lớn là do Bắc Kinh giảm bớt ưu tiên cải cách để tập trung duy trì tăng trưởng bền vững. Nếu tăng trưởng GDP của nước này rơi xuống dưới ngưỡng 6,5%, thị trường sẽ lại lo lắng khi Trung Quốc có thể tạo ra một cú sốc giảm phát nữa cho toàn cầu”.
Trên thực tế, các thị trường tài chính đã trở nên yên bình hơn trước, khi các dữ liệu kinh tế mới công bố cho thấy đã có những tín hiệu tích cực hơn về tăng trưởng kinh tế và dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay, phần lớn động lực tăng trưởng được hỗ trợ từ các chương trình kích thích kinh tế và mức lãi suất tương đối thấp tại Mỹ cho phép Trung Quốc có thêm “dư địa” để ổn định đồng NDT.
Tuy nhiên, một khi hiệu quả của các biện pháp kích thích nhạt dần và đã xuất hiện những tín hiệu về khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, Trung Quốc có thể sẽ lại đối mặt với rắc rối lớn. Một số nhà phân tích thậm chí dự báo, kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại trong vòng 6 tháng tới.
Năm 2015, kinh tế Trung Quốc ghi nhận mức tăng GDP 6,9%, thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Trong 2 quý đầu năm 2016, mức tăng tương ứng là 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến, số liệu tăng trưởng quý III sẽ được công bố vào giữa tháng 10 tới.
“Những bất ổn mới trên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và chứng khoán toàn cầu nói chung có thể nảy sinh từ sự cải tổ chính trị chủ chốt, hoặc thanh lọc đội ngũ cán bộ tại Trung Quốc trước thềm Đại hội lần thứ 19 sắp tới của Đảng cộng sản Trung Quốc”, chuyên gia phân tích đầu tư Clem Miller tại Wilmington Trust Investment Advisors nhận định.
Về phần mình, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết theo đuổi chiến dịch chống tham nhũng trên quy mô toàn quốc. Tuy nhiên, hầu hết các nhà quan sát cho rằng, sự tập trung chính đối với giới chức lãnh đạo mới ở Trung Quốc sẽ là khả năng dẫn dắt quốc gia này chuyển đổi “mượt mà” từ mô hình kinh tế dựa vào chế tạo sang tiêu thụ. Các nỗ lực đưa Trung Quốc thoát khỏi sự phụ thuộc vào mô hình tăng trưởng cũ đã bị đình trệ trong năm nay, khi Bắc Kinh dồn sự ưu tiên cho tăng trưởng ổn định.
Giới phân tích cho rằng, dù đội ngũ lãnh đạo mới có như thế nào thì Trung Quốc cũng phải theo đuổi sự cân bằng giữa cải cách và thúc đẩy kinh tế.
Tháng 8 năm ngoái, khi chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones của Mỹ giảm xuống dưới ngưỡng 1.000 điểm sau động thái Trung Quốc bất ngờ hạ giá đồng NDT, vấn đề thực sự nảy sinh là những quan ngại về năng lực quản trị của giới chức Trung Quốc trong vấn đề chuyển đổi mô hình kinh tế. Trong khi đó, đầu năm nay, cổ phiếu Mỹ lại chứng kiến một trong những giai đoạn khởi đầu tồi tệ nhất lịch sử, khi giá hàng hóa sụt giảm, bên cạnh nỗi lo kinh tế Trung Quốc tiếp tục vật lộn và quốc gia này thất bại trong việc xây dựng một hệ thống kiểm soát thị trường chứng khoán hiệu quả, thông qua cơ chế tự động ngừng giao dịch cổ phiếu (circuit-breaker).
Sau đó, Trung Quốc loại bỏ cơ chế này và thay thế các nhà quản lý thị trường chứng khoán mới. Trong khi Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Châu Tiểu Xuyên cũng luôn tìm cách trấn an thị trường rằng, Bắc Kinh sẽ không hạ giá đồng NDT thêm nữa.
Arthur Kroeber, chuyên gia tại Gavekal Dragonomics cho rằng, từ nay cho đến Đại hội Đảng 19 sắp tới, Trung Quốc sẽ tránh đưa ra các bước đi chính sách có thể gây mất lòng tin thị trường. Dù sao đi nữa, Trung Quốc cũng đã đạt được các mục tiêu tiền tệ của mình, khi về lâu dài, nước này muốn duy trì một đồng NDT ổn định để theo đuổi mục tiêu quốc tế hóa.