Trung Quốc tiếp tục hạ lãi suất cho vay cơ bản

0:00 / 0:00
0:00
Sáng nay 20/1, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PoBC) tiếp tục cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản trong bối cảnh nhiều lo ngại về sự suy giảm của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AFP

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc. Ảnh: AFP

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giảm 10 điểm cơ bản lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm từ 3,8% xuống 3,7%. Tròn 1 tháng trước, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bằng việc giảm lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm xuống 3,8%, từ mức 3,85%. Tuy vậy, ở thời điểm đó, cơ quan này vẫn giữ nguyên lãi suất kỳ hạn 5 năm ở mức 4,65%.

Thế nhưng, trong lần cắt giảm lãi suất này, Trung Quốc đã quyết định giảm 5 điểm cơ bản lãi suất kỳ hạn 5 năm từ 4,65% xuống 4,6%.

Lãi suất cho vay cơ bản là yếu tố tác động lớn đến lãi suất cho vay áp dụng cho các khoản vay của doanh nghiệp và hộ gia đình tại Trung Quốc. Hầu hết các khoản cho vay mới và dư nợ ở Trung Quốc dựa trên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm, còn lãi suất kỳ hạn 5 năm tác động đến việc định giá các khoản thế chấp nhà, theo Reuters.

Công ty nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Vương quốc Anh) đánh giá rằng động thái cắt giảm lãi suất tiếp tục cho thấy nỗ lực của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc nhằm giảm chi phí đi vay cho doanh nghiệp và người dân.

"Các khoản thế chấp sẽ rẻ hơn một chút và điều này sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu nhà ở. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại tăng khối lượng cho vay thế chấp", bà Sheana Yue, chuyên gia kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics bình luận.

"Việc hỗ trợ có chủ đích đối với người mua bất động sản dường như sẽ giúp hạn chế một trong những rủi ro suy thoái nghiêm trọng mà nền kinh tế (Trung Quốc - BTV) đang phải đối mặt", bà Sheana Yue nói thêm.

Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới thành công trong việc chống đỡ hầu hết cú sốc kinh tế do đại dịch gây ra, nhưng cuối năm ngoái đã xuất hiện nhiều lo ngại về tính bền vững của tăng trưởng Trung Quốc. Những lo ngại này xuất phát từ tình hình tiêu dụng nội địa Trung Quốc sụt giảm trong khi các quy định pháp lý ngày càng được thắt chặt hơn, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ và bất động sản, cộng với chính sách "Zero Covid" không khoan nhượng của Bắc Kinh.

Trong một động thái gần đây nhất, Trung Quốc lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020 tuyên bố hạ lãi vay đối với các khoản vay trung hạn. Cụ thể, vào ngày 17/1 Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thông báo họ sẽ giảm 10 điểm cơ bản lãi suất từ 2,95% xuống còn 2,85% đối với khoản vay trung hạn trị giá 700 tỷ nhân dân tệ (tương đương 110,33 tỷ USD).

Ông Bruce Pang, chuyên gia kinh tế từ Ngân hàng đầu tư China Renaissance, nhận định rằng việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm các mức lãi suất khác nhau sẽ hữu ích đối với thị trường bất động sản đang suy thoái cũng như các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Chuyên gia này cũng cho rằng các động thái cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã gửi đi một tín hiệu khá mạnh mẽ về định hướng chính sách của nước này. Nó cho thấy Trung Quốc đang phản ứng nhanh hơn để cắt giảm chi phí tài chính, giảm áp lực lên thị trường bất động sản, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư.

Nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,1% trong năm 2021 nhờ sản xuất công nghiệp duy trì nhịp tăng ổn định và bù đắp cho sự sụt giảm doanh số bán lẻ. Tuy nhiên, kết quả tăng trưởng năm 2021 vẫn thấp hơn mức tăng 8,4% mà các nhà kinh tế kỳ vọng trước đó.

Tin bài liên quan