Trung Quốc thay đổi chính sách thuế với ngành thép
Trong một nỗ lực kiềm chế hơn nữa sản lượng thép trong nước và sự tăng vọt về giá của quặng thép, Trung Quốc mới đây đã xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nguyên liệu dùng trong sản xuất thép, làm cho việc xuất khẩu thép của các nhà xuất khẩu nước này trở nên tốn kém hơn.
Theo đó, có hiệu lực từ ngày 1/5, phí nhập khẩu gang thỏi, phôi thép và thép phế liệu sẽ là 0. Đây là những nguyên liệu đầu vào để sản xuất thép thay cho việc dùng quặng sắt để luyện thép trong lò cao. Đồng thời, việc hoàn thuế xuất khẩu thép cũng bị xóa bỏ. Mục đích của các động thái này, theo phía Trung Quốc giải thích, là để “giảm chi phí nhập khẩu, tăng cường nhập khẩu các nguồn lực thép và hỗ trợ việc giảm sản lượng thép thô trong nước”. Nói cách khác, Trung Quốc đang muốn khuyến khích nhập khẩu và giảm xuất khẩu thép.
Trước đó, Trung Quốc, nước sản xuất quá nửa sản lượng thép toàn cầu, đã cam kết giảm sản lượng thép năm nay như là một phần trong kế hoạch giảm phát thải carbon từ một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất.
Những thay đổi về thuế nói trên được thực hiện trong bối cảnh giá các nguyên liệu tăng vọt, với giá quặng sắt đã đạt đến các mức kỷ lục trong lịch sử. Ngoài biện pháp thuế, phí, các biện pháp hành chính cũng được áp dụng, như việc chính quyền Đường Sơn (thuôc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) yêu cầu 23 nhà sản xuất tại địa phương này phải cắt giảm sản lượng thép trong năm 2021 để giảm phát thải carbon 30-50%.
Thay đổi về thuế phí trên của Trung Quốc sẽ có tác động đến sản xuất và xuất nhập khẩu thép toàn cầu bởi vị thế đứng đầu của nước này trong sản xuất (gần 1 tỷ tấn thép thô năm 2019 trong tổng sản lượng thế giới 1,9 tỷ tấn năm), xuất khẩu (64 triệu tấn thép các loại năm 2019 trong tổng xuất khẩu 438 triệu tấn của thế giới) và nhập khẩu (1,1 tỷ tấn quặng sắt năm 2019 trên tổng nhập khẩu của thế giới là 1,6 tỷ tấn).
Trước mắt, việc cắt bỏ các khuyến khích vật chất trong xuất khẩu thép của Trung Quốc sẽ thu hẹp đáng kể quy mô xuất khẩu 64 triệu tấn của Trung Quốc như trong năm 2019, từ đó giảm sự cạnh tranh của thép nhập khẩu từ Trung Quốc trên các thị trường, chủ yếu trong khu vực như Đông Nam Á (riêng Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đã nhập khẩu hơn 1 triệu tấn thép từ Trung Quốc, chiếm 48% tổng lượng nhập khẩu thép của Việt Nam, theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam).
Quan trọng hơn, việc chuyển hướng của Chính phủ Trung Quốc sang khuyến khích các nhà sản xuất Trung Quốc dùng nhiều hơn nguồn gang, phôi thép và thép phế nhập khẩu để sản xuất thép theo công nghệ lò điện hồ quang sẽ làm tăng đột ngột nhu cầu nhập khẩu, do đó, giá của những nguyên liệu này trên thị trường thế giới sẽ tăng lên.
Ngược lại, việc nhập khẩu các nguyên liệu thay thế quặng sắt để sản xuất thép này sẽ làm giảm tương ứng nhu cầu nhập khẩu khổng lồ về quặng sắt và than mỡ luyện cốc của Trung Quốc, nhờ đó sẽ giảm áp lực về giá quặng sắt, than mỡ luyện cốc/than cốc và trợ dung cho các nhà sản xuất thép theo công nghệ lò cao trên thế giới.
Lưu ý là, giá quặng sắt giao ngay đang ở mức cao nhất trong lịch sử, đạt 194,5 USD/tấn CFR vào ngày 27/4, cao hơn nhiều so với mức 86 USD/tấn một năm trước. Tương tự, giá than luyện cốc tại cảng Qinhuangdao của Trung Quốc cũng đã leo lên đến mức chưa từng có là 275 USD/tấn. Nếu Trung Quốc giảm nhập khẩu quặng sắt và than luyện cốc sẽ làm giá quặng sắt và than mỡ luyện cốc trên thị trường thế giới giảm đáng kể.
Tác động đến ngành thép Việt Nam
Đối với Việt Nam, thay đổi về chính sách thuế, phí trên của Trung Quốc trước hết sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất thép của Việt Nam dùng/phụ thuộc vào quặng sắt và than luyện cốc với công nghệ lò cao. Ở Việt Nam hiện nay có một số nhà sản xuất dùng công nghệ lò cao như TISCO, Công ty Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM), Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh...
Xét về quy mô, cho đến năm 2020, Formosa Hà Tính đã dẫn đầu, bỏ xa các đối thủ nội địa với tổng công suất 7,5 triệu tấn/năm từ 2 lò cao dung tích 4.350 m3 mỗi lò, được lắp đặt năm 2017 và 2020. Năm 2015, Hòa Phát có 3 lò loại 550 m3. Theo báo chí, năm 2021, Hòa Phát sẽ lắp đặt và đưa vào vận hành một số lò cao loại 1.350 m3, nâng tổng công suất thép lên gần 8 triệu tấn/năm, vượt cả Formosa Hà Tĩnh. Các đối thủ còn lại thường chỉ có một hoặc vài lò cao với dung tích nhỏ hơn nhiều.
Đối với các nhà sản xuất thép theo công nghệ lò điện hồ quang, việc thay đổi chính sách trên của Trung Quốc sẽ tác động tiêu cực tới các nhà sản xuất này, xét trên khía cạnh làm tăng giá nguyên liệu đầu vào của công nghệ này, đặc biệt là thép phế liệu. Ở Việt Nam vẫn còn hàng chục nhà sản xuất loại này như Thép Việt Ý, Thép Miền Nam, với tổng công suất vào năm 2018 là 7 triệu tấn, chiếm 38% tổng công suất thép cả nước (theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam).
Trên bình diện chung, trong khi nhu cầu tiêu thụ thép nội địa được dự báo tiếp tục tăng nhanh nhờ đầu tư gia tăng mạnh mẽ vào kết cấu hạ tầng (như Cao tốc Bắc - Nam) và dự án bất động sản, việc Trung Quốc cắt giảm xuất khẩu sắt thép sẽ làm lợi chung cho các nhà sản xuất thép của Việt Nam, dù họ sản xuất thép theo công nghệ nào.
Tuy nhiên, tác động của việc Trung Quốc xóa bỏ thuế nhập khẩu thép phế liệu đối với sản xuất và xuất nhập khẩu thép toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng có thể không quá lớn, bởi thép phế liệu cung cấp trong nước của Trung Quốc đang rẻ hơn nhiều so với thép phế liệu nhập khẩu. Ngoài ra, nguồn thép phế liệu nhập khẩu trên thế giới cũng hạn chế về quy mô so với nguồn cung trong nước của Trung Quốc.
Tóm lại, các thay đổi chính sách liên quan đến ngành thép gần đây của Trung Quốc được kỳ vọng sẽ làm lợi cho các nhà sản xuất thép dùng công nghệ lò cao của Việt Nam nhờ giảm chi phí nguyên liệu nhập khẩu như quặng sắt và than mỡ/cốc. Giá bán thép thành phẩm tiếp tục đứng ở mức cao cũng sẽ làm lợi cho tất cả các nhà sản xuất thép ở Việt Nam.