Dự báo xuất khẩu sản phẩm sắn của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thời gian tới khi Trung Quốc đang tăng cường sản xuất xăng Ethanol và tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi .
Theo ước tính của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu sắn lát khô trong 4 tháng đầu năm đạt 222,93 nghìn tấn, trị giá 50,63 triệu USD, tăng 85,9% về lượng và tăng 85,4% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Trong đó, xuất khẩu sắn lát sang Trung Quốc chiếm 88,9% tổng lượng sắn lát trong kì với 198,11 nghìn tấn, trị giá 43,93 triệu USD, tăng 115,8% về lượng và tăng 125,1% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Hiện mặt hàng sắn lát đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc đang nỗ lực phục hồi ngành chăn nuôi heo sau dịch tả heo châu Phi dẫn đến nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng cao.
Giá xuất khẩu sắn lát vẫn tiếp tục tăng do khan hiếm nguồn cung trong nước của Trung Quốc trước bối cảnh bệnh khảm lá sắn tiếp tục bùng phát, lây lan trên diện rộng, nguy cơ sản lượng sắn năm nay có thể sẽ giảm khi nhiều diện tích bị mất trắng.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo trong ngắn hạn xuất khẩu sắn và sản phẩm từ sắn của Việt Nam sẽ ổn định hơn so với đầu năm 2020 do tình hình dịch COVID-19 đang được kiểm
Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng dự báo xuất khẩu sản phẩm sắn của Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong thời gian tới khi Trung Quốc đang tăng cường sản xuất xăng Ethanol và tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi khi các công ty được khuyến khích xây dựng trang trại lợn ở nước ngoài để khắc phục tình trạng thiếu thịt lợn nghiêm trọng do dịch tả lợn châu Phi.
Tại Trung Quốc, công suất sản xuất của các nhà máy thức ăn chăn nuôi đã đạt gần 80% so với mức bình thường vào cuối tháng 2/2020.
Hiệp hội Sắn Việt Nam cho biết, theo tin từ thương nhân, tính đến ngày 15/5, nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019 - 2020 của Việt Nam ở mức thấp, khoảng 300 nghìn tấn. Giá chào bán sắn lát khô của Việt Nam khoảng 225 USD/tấn FOB Quy Nhơn.
Hiệp hội cũng nhận định, với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid - 19 của Việt Nam và Trung Quốc ổn định tốt như thời gian qua, dự kiến hầu hết các cặp cửa khẩu biên mậu Việt - Trung có thể được mở cửa trở lại trong đầu tháng 6/2020.
Cùng với thị trường lớn – Trung Quốc, Bộ Công Thương, Hiệp hội và doanh nghiệp đã và đang tiếp tục các nỗ lực để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xuất khẩu mới. Trong đó Bộ Công thương chỉ đạo toàn bộ hệ thống Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham gia tìm kiếm và giới thiệu khách hàng mới.