Ảnh Internet

Ảnh Internet

Trung Quốc tăng cường hiện diện tại các dự án cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á

(ĐTCK) Doanh nghiệp đến từ Trung Quốc đang tăng cường thực hiện chiến lược đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, trong bối cảnh các nền kinh tế phát triển tại đây đang có nhu cầu rất lớn trong nâng cấp đường sá, hệ thống đường ray và cảng biển để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính, các nền kinh tế đang nổi tại châu Á cần đầu tư khoảng 26 nghìn tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng, từ hệ thống giao thông đến mạng lưới nước sạch cho tới năm 2030 nhằm duy trì đà tăng trưởng hiện tại, xóa bỏ đói nghèo và đối phó với biến đổi khí hậu.

Nhận thấy lĩnh vực này hấp dẫn, các doanh nghiệp Trung Quốc đã nhanh chóng vào cuộc. Mặc dù đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Trung Quốc vào các quốc gia ASEAN ở mức khá thấp, vào khoảng 6,8% tổng nguồn vốn FDI vào khu vực này năm 2015, nhưng các công ty Đại lục đã hiện diện và chiếm cổ phần lớn tại nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại đây, theo Weiwen NG, nhà kinh tế học tại Australia & New Zealand Banking Group.

Năm 2016, vốn FDI từ Trung Quốc chiếm khoảng 14% nguồn vốn đầu tư vào Thái Lan, 8% tại Việt Nam và Indonesia, 6% tại Malaysia, 0,14% tại Philippines.

Tính theo lĩnh vực, các khoản đầu tư của Trung Quốc tập trung vào ngành năng lượng, giao thông và bất động sản. 3 ngành này chiếm khoảng 78% lượng vốn đầu tư và hợp đồng xây dựng của Trung Quốc với ASEAN từ năm 2005 tới nửa đầu năm 2017.

Đối với các doanh nghiệp Đại lục, cơ hội tại khu vực Đông Nam Á là rất rõ ràng. 10 quốc gia thành viên ASEAN đang là những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Với dân số hơn 620 triệu người và nền kinh tế khu vực trị giá 2,6 nghìn tỷ USD, tiềm năng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây là khổng lồ. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới, khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ năm trên thế giới.

Hiện tại, kế hoạch tham vọng mang tên Sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc được đẩy mạnh, ghi dấu ấn rõ nét hơn tại khu vực Đông Nam Á. Dự án này nhận được nguồn vốn từ chính quyền Đại lục cùng nhiều tổ chức khác để tiến hành xây dựng hệ thống đường sắt dành cho tàu tốc độ cao chạy từ phía Nam Trung Quốc, đi qua Lào tới khu vực công nghiệp phía đông Thái Lan. Bên cạnh đó là các dự án đường sắt tại Lào, Indonesia và Thái Lan.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động đầu tư và các công trình được xây dựng thuộc Sáng kiến Một vành đai, Một con đường mang tới những tác động tích cực đối với kinh tế Đông Nam Á. Theo đó, các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng thu hút đầu tư của khu vực, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động hút vốn đầu tư tư nhân và các tổ chức tài chính quốc tế của Đông Nam Á còn hạn chế.

Ngoài ra, Trung Quốc đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Đông Nam Á có thể đóng góp tích cực vào việc cải thiện sự kết nối hạ tầng của khu vực, một trong những yếu tố quan trọng trong chiến lược hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Cải thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm đường cao tốc, sân bay, cảng biển, hệ thống đường sắt cũng giúp đẩy mạnh hoạt động thương mại và du lịch nội khối.

Tuy nhiên, các quốc gia ASEAN tỏ ra không quá lạc quan đối với động thái trên, bởi hoạt động đầu tư của Trung Quốc luôn đi kèm với những điều kiện. Chưa kể, thực tế hoạt động đầu tư có thể có những ảnh hưởng tiêu cực. Chẳng hạn, tại Việt Nam, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng có nguồn vốn từ Trung Quốc, do nhà thầu Đại lục xây dựng thường xảy ra nhiều vấn đề như thi công kéo dài, đội giá, thiết bị kém chất lượng, chi phí bảo hành cao.

Tin bài liên quan