Tuy nhiên, thay vì báo cáo với chính quyền để được bồi thường, Peng Weita đã chôn đàn lợn ngay lập tức. "Chi phí đầu tư trong ba năm chẳng còn lại gì", người nông dân sống tại làng Wulongqiao ở phía bắc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc cho hay.
Sự mất mát của ông Peng cũng gây tổn hại với chính quyền.
Do ông không khai báo, giới chức địa phương không thể chắc chắn rằng ông đã tuân thủ tất cả bước cần thiết để ngăn dịch bệnh lây lan, như khử trùng và chôn xác lợn cách xa trang trại.
Ông Peng thừa nhận đã chôn chúng khá gần trang trại của mình, nhưng từ chối tiết lộ thêm chi tiết về quá trình xử lý xác lợn trước khi chôn.
Theo bình luận viên Keith Bradsher và Ailin Tang của NY Times, dịch tả lợn châu Phi dường như đã để lộ những mặt hạn chế của chính quyền Trung Quốc trong việc xử lý các vấn đề quan trọng.
Họ tỏ ra lúng túng trong quá trình áp dụng các giải pháp từ trên xuống và đã phải trả giá.
Dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tàn phá ngành chăn nuôi của Trung Quốc, nước có số lượng lợn nhiều nhất thế giới, "xóa sổ" 1/3 đàn lợn của nước này.
Loại virus này vô hại với người nhưng gây tử vong cho lợn và chưa có thuốc chữa hay vắc xin.
Dịch bắt nguồn từ châu Phi, được ghi nhận ở Đông Âu và Nga trước khi xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc vào tháng 8/2018, sau đó lan sang nhiều nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Ngăn chặn các dịch bệnh luôn là một nhiệm vụ khó khăn. Những trang trại nhỏ, thường tập trung trong các khu nông nghiệp đông đúc, sở hữu gần một nửa số lợn của Trung Quốc.
Để ngăn dịch lây lan, các quan chức và nhân viên phòng dịch cần tiếp cận hàng triệu nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ.
Quá trình xử lý dịch tả lợn tập trung vào việc tái thiết mô hình nông nghiệp.
Với khoản trợ cấp lớn, Bắc Kinh đã yêu cầu các chính quyền và doanh nghiệp địa phương xây dựng những trang trại quy mô công nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, như thiết lập khu vực cách ly chứa lợn mới đến và lò đốt lợn bệnh.
Giải pháp này có thể hiệu quả về lâu dài, nhưng sự lúng túng của Trung Quốc trong trường hợp cần phản ứng tức thì dường như đã khiến tình hình tồi tệ hơn.
Khi dịch bắt đầu lan rộng 16 tháng trước, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc yêu cầu chính quyền địa phương tiêu hủy toàn bộ đàn lợn nếu phát hiện dù chỉ một con nhiễm bệnh, đồng thời bồi thường cho nông dân với mức cao nhất lên tới 170 USD với những con lợn cỡ lớn.
Tuy nhiên, trước khi dịch bùng phát, nhiều con đã có giá trên 250 USD, theo số liệu của chính phủ. Dịch bệnh khiến mức giá thậm chí tăng vọt lên hơn 600 USD.
Thêm vào đó, để nhận được tiền bồi thường, nhiều nông dân phải "vượt cửa ải" của chính quyền địa phương vốn không có nhiều ngân sách, nơi các quan chức thường gây khó dễ do chính phủ chỉ hỗ trợ 40-80% chi phí bồi thường.
Giới chức còn phải nộp bằng chứng lợn chết vì virus tả lợn châu Phi chứ không phải bệnh khác mới được cấp phí.
Hậu quả là việc tiêu hủy lợn bệnh bị chậm. Dữ liệu của chính phủ cho thấy mới chỉ có 1,2 triệu con lợn, chiếm dưới 0,3% số lợn của cả nước, bị tiêu hủy.
Hiện chưa rõ số lợn bệnh còn lại được đưa đi đâu, nhưng giới chuyên gia cho rằng nhiều con khả năng cao đã bị làm thịt và đưa vào thị trường.
Hành vi này sẽ khiến dịch bệnh lây lan tồi tệ hơn, bởi virus có thể tồn tại trong thịt suốt nhiều tháng.
Australia phát hiện gần một nửa số xúc xích và sản phẩm thịt lợn khác do hành khách mang theo vào nước này gần đây bị nhiễm dịch, Mark Schipp, chủ tịch Tổ chức Sức khỏe Động vật Thế giới trụ sở tại Paris, Pháp, cho hay.
Nhiều nông dân Trung Quốc cho biết họ cũng không thiết tha đòi tiền bồi thường bởi chúng khá thấp. Peng kể lại rằng ông đã giết đàn lợn của mình trong hoảng loạn và bí mật chôn chúng, nên không có bằng chứng về việc đàn lợn bị nhiễm bệnh.
Giới chức Trung Quốc còn cố trấn an người dân bằng cách tuyên bố đã kiểm soát được dịch bệnh hồi tháng 4, tháng 7 và tháng 10, nhưng đổi lại là những dấu hiệu cho thấy dịch thậm chí lây lan rộng hơn.
Bộ Nông nghiệp Trung Quốc gần đây thừa nhận họ chỉ hy vọng sản lượng thịt lợn cuối năm sau bằng 4/5 mức bình thường.
Lợn thịt được đưa vào một nhà kho thuộc hệ thống dự trữ thịt lợn quốc gia Trung Quốc ở ngoại ô Bắc Kinh. Ảnh:NY Times.
Quá trình đối phó với dịch tả lợn cũng tái hiện rõ ràng nỗ lực tự đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm của đất nước 1,4 tỷ dân. Trung Quốc lâu nay vẫn coi an ninh lương thực tương đương với an ninh quốc gia.
Về cơ bản, họ đã tự túc đủ thịt lợn, cũng như gạo và lúa mì nhờ sự hỗ trợ từ chính quyền và quản lý đất nông nghiệp thích hợp.
Tuy nhiên, dịch tả lợn đã đặt ra thử thách đối với sự phụ thuộc vào thịt của những người dân có nhu cầu ngày càng cao, đồng thời tác động sâu sắc đến thế giới.
Giá thịt lợn tăng mạnh khiến mức giá thực phẩm nói chung của Trung Quốc tháng trước cao hơn 1/5 so với cùng kỳ năm ngoái, sau 7 năm rất ít biến động.
Việc Trung Quốc nhập khẩu số lượng lớn thịt lợn cũng đẩy giá mặt hàng này tại Mỹ, châu Âu và toàn cầu.
Do vậy, từ xúc xích Đức tới thịt viên Việt Nam đều tăng giá.
Việc các hộ gia đình khắp thế giới tìm kiếm nguồn thực phẩm thay thế khiến giá thịt bò và thịt cừu cũng tăng mạnh, dẫn tới giá thịt nói chung trên thị trường hàng hóa quốc tế tăng gần 20% trong năm qua.
Nhằm thúc đẩy ngành sản xuất thịt bò và thịt gà đáp ứng nhu cầu thị trường, nhiều nông dân Brazil đã đốt rừng ở Amazon để lấy đất nông nghiệp.
"Dịch tả lợn có thể gây ảnh hưởng sâu rộng tới nền kinh tế ở cấp độ toàn cầu. Chúng tôi không nghĩ thế giới có đủ thịt lợn để bù đắp sự thiếu hụt ở Trung Quốc", Boubaker Ben Belhassen, giám đốc thương mại và thị trường của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới, nhận định.
Tính cấp bách của dịch tả lợn được cho là một trong những yếu tố thúc đẩy Bắc Kinh chấp nhận thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Washington, qua đó giúp nối lại nhập khẩu thực phẩm Mỹ.
Giá thịt lợn ở Trung Quốc đã tăng cao đến mức Guangxi Yangxiang, một công ty chăn nuôi ở Quảng Tây, phải treo biển tuyển dụng nông dân với dòng chữ: "Nuôi 10 con lợn nái để lái BMW vào năm sau".
Su Dezhi, người bán thịt lợn tại khu chợ ngoài trời ở làng Wulongqiao, cho biết anh từng mua và xẻ thịt hai con lợn mỗi ngày để bán, nhưng bây giờ chỉ bán được nửa con một ngày.
Giá bán buôn mỗi kg thịt lợn đã tăng hơn gấp ba.
Tuy nhiên, người tiêu dùng Trung Quốc dường như vẫn không muốn ăn thứ gì khác ngoài thịt lợn. She Xinbao, người bán gà vịt gần quầy hàng của Su, cho biết doanh số của anh chỉ tăng từ 30 con mỗi ngày lên mức 33-34 con, một phần vì giá gia cầm cũng tăng.
Chen Zhixiang, nông dân 36 tuổi, nằm trong số rất ít người chăn nuôi lợn ở Wulongqiao không mất bất cứ con lợn nào.
Anh dùng ngô nấu cám cho lợn thay vì mua nguồn thực phẩm có nguy cơ nhiễm virus từ bên ngoài.
Chen cho biết lợn ở địa phương khan hiếm tới mức khi anh lái xe tới một ngôi làng để bán lợn, đám đông lập tức vây quanh.
"Mọi người tập trung quanh xe tải của tôi và nhìn chằm chằm vào chúng, như thể họ đang ngắm gấu trúc vậy", anh kể.