Ngành chứng khoán Trung Quốc, vốn được định giá 14 nghìn tỷ nhân dân tệ (2 nghìn tỷ USD) được chia làm 2 nhóm: những công ty chứng khoán lớn nhất - thường được gọi là đầu rồng và nhóm doanh nghiệp nhỏ phía sau - được gọi là đuôi rồng.
Gần đây, giới chức quản lý ngành tài chính - chứng khoán Đại lục đã dựng nên các hàng rào đối với nhóm đuôi rồng, tiến thêm một bước trong việc ngăn chặn các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của nhóm này. Theo đó, các công ty chứng khoán nhỏ bị tách ra khỏi các nghiệp vụ mang tính rủi ro cao, các dòng vốn nhạy cảm như cầm cố chứng khoán, phái sinh, ký quỹ, bảo lãnh…
Theo giới chuyên gia, đây là thời điểm để cắt bỏ đuôi rồng. Thực tế, ngành chứng khoán Đại lục luôn trong tình trạng “chật chội” với hơn 131 công ty chứng khoán, bất chấp việc lợi nhuận thu về của đa số doanh nghiệp là không đáng kể. Năm ngoái, ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của các công ty chứng khoán tại Trung Quốc chỉ đạt 2,5%, so với mức 7,8% trên toàn cầu, theo Bloomberg Intelligence. Việc hạn chế hoạt động của nhóm doanh nghiệp nhỏ trên thị trường sẽ là biện pháp giúp giới chức dễ dàng quản lý hơn trong bối cảnh thị trường còn nhiều vấn đề như hiện nay.
Đáng chú ý, việc đưa ra các quy định không lấy làm khó khăn, nhưng thực tế, các thành viên thị trường toàn cầu luôn cảm thấy bất ngờ khi giới chức Trung Quốc khó lòng kiểm soát được hoạt động của các doanh nghiệp tại thị trường này. Theo đó, đã không ít vụ việc cho thấy, một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp quản lý tài sản tại Trung Quốc đồng thời cũng đóng vai trò là nhà cung cấp nguồn vốn trên thị trường ngân hàng ngầm (shadow banking).
Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của các công ty chứng khoán, doanh nghiệp còn có thể tạo nhu cầu giả đối với trái phiếu doanh nghiệp được phát hành. Diễn biến này không chỉ làm méo mó giá cả thị trường, mà còn để lại hậu quả lớn đối với hệ thống tài chính Đại lục.
Top 5 công ty chứng khoán lớn nhất chiếm hơn 40% doanh thu toàn thị trường.
Vụ việc gây chấn động nhất gần đây là Xiao Jianhua, người sáng lập tập đoàn Tomorrow Holding Co đã bị bắt giữ. Xiao Jianhua cũng sở hữu lượng lớn cổ phần tại Công ty Chứng khoán Hengtou.
Vụ việc tiếp tục lan rộng khi tháng 5/2019, lần đầu tiên trong hơn 20 năm, chính phủ Trung Quốc phải ra tay thâu tóm một ngân hàng tư nhân là Baoshang Bank - nhà băng do Xiao Jianhua điều hành. Sự sụp đổ của Baoshang đến từ các giao dịch cho vay ngoài sổ sách, tức là các giao dịch mà doanh nghiệp sử dụng để "lách" quy định hạn chế cho vay với các đối tượng có điểm tín dụng kém, cũng như trốn tránh yêu cầu về vốn lẫn trích lập dự phòng.
Một vấn đề đáng lo ngại khác đối với ngành chứng khoán Trung Quốc là tỷ lệ cẩm cố cổ phiếu để vay vốn tại các công ty chứng khoán. Cách đây 1 năm, 22% số doanh nghiệp niêm yết đang cầm cố ít nhất 30% số cổ phiếu của mình cho các khoản vay ngắn hạn. Chính điều này dẫn tới những biến động mạnh của thị trường vào các thời điểm cổ phiếu được cầm cố đối diện tình trạng margin call.
Hiện tại, ngành chứng khoán Trung Quốc được nhận định đã sẵn sàng để cải tổ. Năm ngoái, Top 5 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường chiếm tới 40% doanh thu toàn ngành, trong khi hơn 20 công ty chứng khoán nhỏ nhất báo thua lỗ. Bằng việc loại bỏ bớt các doanh nghiệp yếu kém, giới chức Đại lục kỳ vọng có thể nâng cao tính minh bạch, giúp thị trường phát triển bền vững hơn.