Trung Quốc kêu gọi nhóm giàu có, doanh nghiệp tăng đóng góp cho xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng “thịnh vượng chung” không phải là sự giàu có dành cho thiểu số, đồng thời cũng không phải là một hình thức phân phối tài sản đồng đều.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Nguồn: AFP/TTXVN).

Tại một cuộc họp về vấn đề tài chính-kinh tế mới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng nước này cần phải thúc đẩy ý tưởng về “sự thịnh vượng chung” - tức tài sản được phân bổ ở mức vừa phải cho tất cả mọi người.

Theo truyền thông Trung Quốc, cuộc họp diễn ra ngày 17/8 kêu gọi "điều chỉnh một cách hợp lý đối với tình trạng thu nhập cao quá mức, đồng thời khuyến khích các nhóm thu nhập cao và doanh nghiệp tăng cường đóng góp cho xã hội hơn.”

Các quan chức Trung Quốc nhấn mạnh rằng “thịnh vượng chung” không phải là sự giàu có dành cho thiểu số, đồng thời cũng không phải là một hình thức phân phối tài sản đồng đều. Thay vào đó, tiến trình hướng tới mục tiêu trên sẽ diễn ra theo từng giai đoạn.

Giới quan sát cho hay trong những tháng gần đây, thông điệp về “thịnh vượng chung” bắt đầu được đề cập nhiều hơn trong các cuộc thảo luận tại Trung Quốc.

Cụm từ này thường được hiểu là “sự giàu có ở mức vừa phải cho tất cả mọi người, không tập trung ở một số ít.” Tuy nhiên, ý nghĩa của cụm từ này vẫn còn tương đối mơ hồ.

Trong bối cảnh đó, nhà kinh tế trưởng Yue Su tại đơn vị nghiên cứu thị trường Economist Intelligence Unit thuộc tập đoàn truyền thông The Economist Group (Vương quốc Anh) nhận định Bắc Kinh sẽ tìm cách tiếp cận thực tế để đảm bảo mục tiêu trên.

Theo chuyên gia Yue Su, Chính phủ Trung Quốc sẽ không thể bỏ qua tác động của chính sách tái phân phối tài sản với nền kinh tế, khi việc tăng thuế với nhóm thu nhập cao cũng như trên lợi nhuận từ vốn đầu tư có thể sẽ cản trở hoạt động đầu tư và dẫn tới tình trạng “chảy vốn” ra nước ngoài.

Chuyên gia Yue Su cũng cho rằng việc tư nhân hóa có thể sẽ diễn ra chậm ở nhóm dịch vụ công như giáo dục, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hay y tế. Bởi các cơ quan hữu trách tối thiểu sẽ siết chặt quản lý giá và điều chỉnh khả năng tiếp cận của người dân với những lĩnh vực này.

Bất bình đẳng thu nhập tại Trung Quốc ngày càng tăng cao trong những thập niên qua. Theo một ước tính vào năm 2019 của giáo sư Thomas Piketty và cộng sự tại Trường kinh tế Paris, nhóm 10% giàu nhất Trung Quốc hồi năm 2015 nắm giữ 41% tổng thu nhập quốc gia, tăng từ mức 27% của năm 1978.

Trong khi đó, nhóm thu nhập thấp chiếm khoảng một nửa dân số nước này chỉ giữ khoảng 15% tổng thu nhập quốc gia, giảm từ mức 27% hồi năm 1978.

Tin bài liên quan