Trung Quốc đóng cánh cửa cho vay tín dụng tư nhân

Trung Quốc đóng cánh cửa cho vay tín dụng tư nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Với việc hạ thấp trần lãi suất cho vay, giới chức Trung Quốc vừa đóng lại cánh cửa bơm vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như thị trường vốn cho vay tư nhân với quy mô khoảng 491 tỷ USD tại quốc gia này.

Chính phủ Trung Quốc luôn nhấn mạnh cam kết sẽ hạ chi phí vay vốn cho các thành phần của nền kinh tế và động thái mới nhất của nhà cầm quyền là nhắm vào lĩnh vực cho vay vốn tư nhân.

Theo đó, giới chức Trung Quốc yêu cầu lãi suất cho vay lĩnh vực tư nhân, bao gồm tín dụng vi mô, cho vay hiệu cầm đồ, cho vay ngang hàng online (online peer - to - peer lending) phải giảm khoảng 10% so với mức hiện tại.

Trước đó, giới chức Trung Quốc cho phép các thỏa thuận cho vay tư nhân có lãi suất lên tới 24%/năm và mức trần hiện tại còn 15,4%/năm, cao hơn khoảng 4 lần so với lãi suất tiêu chuẩn.

Nhìn thoáng qua, động thái này được xem là giải pháp bảo vệ người vay nhỏ lẻ, doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ/nhỏ. Nhưng thực tế, chính sách mới đã đóng lại cánh cửa quan trọng trong việc tìm vốn đối với những đối tượng cần kíp nhất.

Đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu khiến nền kinh tế rời vào tình trạng đình trệ, đẩy các doanh nghiệp nhỏ vào tình cảnh khốn đốn. Với hồ sơ năng lực hiện tại, nhóm doanh nghiệp này không thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, việc hạ trần lãi suất lĩnh vực cho vay vốn tư nhân khiến khả năng vay được tiền từ nhánh “ngân hàng ngầm” thêm phần khó khăn.

Moody’s Investors Service ước tính, thị trường cho vay không chính thức này có quy mô khoảng 3.400 tỷ nhân dân tệ (491 tỷ USD) tính tới cuối tháng 3/2020.

Có thể nhìn vào Chỉ số tín dụng tư nhân Wenzhou (cập nhật diễn biến lãi suất lĩnh vực cho vay vốn tư nhân theo tuần) để hiểu rõ hơn câu chuyện này. Trong 3 tuần đầu tháng 8, mức lãi suất tín dụng tư nhân luôn trên 16%/năm.

Ngay cả khi cho vay trực tiếp (thường rẻ hơn do không mất phí giao dịch ngân hàng) cũng yêu cầu lãi suất cao hơn 13%. Nếu dưới mức này, các tổ chức cho vay không có khả năng thu về lợi nhuận.

Đây là lý do tại sao quy định mới đang thắt chặt cửa ngõ vay vốn đối với nhóm đối tượng chịu tổn thương trực tiếp và nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng kinh tế xuất phát từ đại dịch Covid-19. Theo giới quan sát, động thái này mang tính chính trị nhiều hơn, bởi sắp tới thời điểm kỷ niệm lần đầu tiên của hệ thống lãi suất tiêu chuẩn mới.

Cụ thể, vào tháng 8/2019, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã cải thiện cơ chế được sử dụng để thiết lập lãi suất cho vay cơ bản (LPR) nhằm giảm lãi suất thực tế cho các công ty trong nước.

Các thông báo về LPR mới của các ngân hàng Trung Quốc sẽ dựa trên tỷ lệ hoạt động của thị trường mở và của Trung tâm Tài trợ liên ngân hàng quốc gia - cơ quan được ủy quyền công bố tỷ giá từ tháng 8/2019. Lãi suất sẽ được công bố vào ngày 20 hàng tháng. Trong 1 năm qua, lãi suất cho vay đã giảm 40 điểm cơ bản, còn 3,85%/năm.

Động thái mới của giới chức Trung Quốc khiến không ít thành viên thị trường bất ngờ, bởi nó phát đi thông điệp không rõ ràng. Một mặt, Bắc Kinh khẳng định hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ trước tác động của đại dịch là nhiệm vụ trọng tâm. Mặt khác, lại khiến khả năng tìm kiếm nguồn vốn của nhóm doanh nghiệp này trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đều đang thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí có những động thái chưa từng có tiền lệ.

Chẳng hạn, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mua vào mọi loại tài sản, từ trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu có bảo đảm bằng bất động sản, cho tới các loại trái phiếu lãi suất cao (junk bond)…, phần nào “làm ngơ” trước một số vấn đề liên quan tới thị trường tín dụng tư nhân.

Tin bài liên quan