Trung Quốc đổ tiền tạo “quyền lực mềm” tại châu Âu

Trung Quốc đổ tiền tạo “quyền lực mềm” tại châu Âu

(ĐTCK) Năm 2015, một khảo sát của Pew Global Research cho thấy, đa phần người dân tại các quốc gia lớn ở châu Âu tin rằng, Trung Quốc sẽ thay thế Mỹ trở thành siêu cường quốc với tầm ảnh hưởng toàn cầu, hoặc thực tế Trung Quốc đã làm được điều này.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, tại Đức và Pháp, phần lớn người dân cho rằng, Trung Quốc chứ không phải Mỹ, đang là nền kinh tế dẫn đầu thế giới.

Tất nhiên, các khảo sát này diễn ra trước khi mối lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế Đại lục gia tăng trong thời gian gần đây, mặc dù vậy, sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu, thông qua việc hàng hóa “Made in China” tràn ngập tại các cửa hiệu, nơi hàng hóa từ Mỹ khá khó tìm, đã phần nào cho thấy “quyền lực” của Trung Quốc tại lục địa này.

Nhận thức của người dân châu Âu về sự hiện diện của Trung Quốc đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây, mà nguyên nhân đầu tiên tới từ sự bùng nổ của cư dân Trung Quốc tại khu vực này. Trong 4 năm qua, lượng khách du lịch Trung Quốc tới châu Âu đã tăng gấp đôi. Một nửa trong số đó là thế hệ millennials - những người trong độ tuổi từ 18 - 35, thuộc thế hệ đầu tiên lớn lên cùng các phương tiện truyền thông xã hội. Đó là những người trẻ thích tự do, ưa tận hưởng và dễ dàng thích nghi với môi trường mới.

Bên cạnh đó, cư dân Trung Quốc đứng thứ hai về số lượng người nhập cư mới vào Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2015, chỉ sau Ấn Độ. Họ kinh doanh trên mọi con phố, từ Prague cho tới Lisbon, làm việc chăm chỉ với các cửa hàng luôn đóng cửa muộn nhất.

Thứ hai, lượng tiền đầu tư từ Trung Quốc đổ vào châu Âu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, khi châu Âu là khu vực được ưu tiên hàng đầu đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Trung Quốc. Năm ngoái, các công ty Đại lục đã đổ 23 tỷ USD vào EU, trong khi đầu tư 15 tỷ USD vào Mỹ.

Nhìn chung, các khoản đầu tư từ Mỹ vào châu Âu vẫn dồi dào hơn rất nhiều so với Trung Quốc. Theo số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, con số này đạt 193 tỷ USD trong năm 2015. Tuy nhiên, ở một số quốc gia châu Âu, nhà đầu tư Trung Quốc vẫn có hoạt động mạnh hơn so với nhà đầu tư Mỹ. Chẳng hạn, Italy, quốc gia gần đây bất ngờ trở thành địa điểm ưa thích của các công ty Trung Quốc, đã nhận được 7,8 tỷ USD đầu tư từ Đại lục, so với 434 triệu USD từ Mỹ. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Pháp.

Phần lớn tiền đầu tư từ Trung Quốc tập trung vào lĩnh vực bất động sản, ngành công nghiệp y tế và cơ sở hạ tầng. Bên ngoài, có vẻ như các khoản đầu tư này tập trung vào các quốc gia mà du khách Trung Quốc ưa chuộng, nhưng thực tế, còn có những lý do khác. Các nhà đầu tư Trung Quốc thường hoạt động tích cực hơn tại khu vực ngoại vi châu Âu, nơi các nhà đầu tư Mỹ ít có hứng thú.

Bồ Đào Nha là một ví dụ, khi quốc gia này gần đây chứng kiến làn sóng các thương vụ sáp nhập trong ngành năng lượng, bảo hiểm, công nghệ và thực phẩm, mà người thực hiện không ai khác chính là các công ty Đại lục. Bên cạnh đó, các thương nhân Trung Quốc đang được hưởng lợi nhờ chính sách ưu đãi đầu tư từ Chính phủ Bồ Đào Nha.

Các quốc gia vùng biên châu Âu đồng thời cũng có mối liên hệ mật thiết nhất đối với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, khi chiếm tới 70% lượng vốn đầu tư vào châu Âu của các công ty này. Điều này cũng phần nào lý giải tại sao các chính sách ngoại giao của Trung Quốc gần đây có sự tập trung vào Đông Âu. Trong tháng 3/2016, ông Tập Cận Bình đã tới thăm Prague (thủ đô Czech), trong đó có nội dung thảo luận về kế hoạch đầu tư lớn vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng tại đây, một phần trong chiến lược xây dựng Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Âu ngày càng mở rộng, một phần nhờ các quốc gia tại đây có sự hấp thụ tốt hơn so với Mỹ. “Người dân châu Âu có cái nhìn tích cực hơn đối với Trung Quốc, so với Mỹ, bởi họ ít cảm nhận thấy sự đối đầu trực diện quá lớn, trong khi một số lại cho rằng đã tới lúc châu Âu cần tạo khoảng cách với Mỹ”, Yukon Huang, chuyên gia tại Quỹ Hòa bình quốc tế Carnegie nói.

Mặc dù Mỹ vẫn đang là đồng minh thân cận, đồng thời ở vị thế thượng phong so với Trung Quốc tại thị trường châu Âu, tuy nhiên, sự kiên nhẫn của Đại lục tại khu vực này đã bắt đầu mang lại “trái ngọt”, đặc biệt là tại các vùng còn nghèo khó, yếu ớt so với mặt bằng chung của khu vực. Chắc chắn, Trung Quốc sẽ còn đổ nhiều tiền vào khu vực này.

Tin bài liên quan