Các Ngân hàng Trung ương toàn cầu đang xem xét phát triển các loại tiền kỹ thuật số để hiện đại hóa hệ thống tài chính và tránh khỏi mối đe dọa từ tiền điện tử như bitcoin cũng như tăng tốc độ thanh toán trong nước và quốc tế.
Mu Changchun, Tổng giám đốc viện tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã đưa ra các đề xuất mới tại hội thảo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
“Khả năng tương tác nên được kích hoạt giữa các hệ thống CBDC (tiền tệ kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương) thuộc các khu vực pháp lý và sàn giao dịch khác nhau”, ông nói.
Bên cạnh đó, PBOC đã chia sẻ các đề xuất với các Ngân hàng Trung ương khác và các cơ quan quản lý tiền tệ.
“Dòng thông tin và dòng tiền nên được đồng bộ hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý giám sát quản lý các giao dịch”, ông nói.
Khi các loại đồng tiền kỹ thuật số như bitcoin giành được nhiều sức hút hơn với các công ty và nhà đầu tư chính thống thì các Ngân hàng Trung ương phải đẩy nhanh kế hoạch phát hành tiền kỹ thuật số để chống lại các mối đe dọa đối với quyền kiểm soát tiền của họ.
PBOC đang đặt mục tiêu trở thành Ngân hàng Trung ương lớn đầu tiên phát hành CBDC, đây là một phần trong nỗ lực quốc tế hóa đồng nhân dân tệ và giảm sự phụ thuộc vào hệ thống thanh toán mà đồng USD đang chi phối.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đang khám phá việc giới thiệu đồng euro kỹ thuật số trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, ECB đang vấp phải sự phản đối của Đức vì ngân hàng Bundesbank lo ngại rằng đồng euro kỹ thuật số có thể gây ra rủi ro cho các ngân hàng.
Theo nhiều nhà phân tích, việc CBDC đạt được sự chấp nhận rộng rãi trong thương mại và thanh toán quốc tế có thể làm xói mòn địa vị của đồng USD như đồng tiền trên thực tế của thương mại thế giới và làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ.
Trung Quốc cũng cho biết rằng họ sẽ đẩy nhanh các chương trình thí điểm để phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số và tìm cách thúc đẩy tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Mu nói thêm rằng một quy tắc toàn cầu quan trọng phải là “nguồn cung tiền tệ kỹ thuật số công bằng” của các ngân hàng trung ương thế giới để tiếp tục hỗ trợ sự phát triển lành mạnh và ổn định tài chính của hệ thống tiền tệ quốc tế.
“Đồng tiền kỹ thuật số do một Ngân hàng Trung ương cung cấp không được cản trở khả năng của ngân hàng trung ương khác trong việc thực hiện nhiệm vụ ổn định tài chính và tiền tệ”, ông nói thêm.