Trung Quốc: Đảo ngược tái cân bằng kinh tế

Trung Quốc: Đảo ngược tái cân bằng kinh tế

(ĐTCK) Tiêu dùng đang đóng góp vào kinh tế Trung Quốc nhiều hơn các thống kê chính thức.

Tại sân bay Hồng Kông, một đôi nam nữ đang tranh luận sôi nổi về việc có nên mua một chiếc áo thun polo trị giá 350 USD của hãng Hugo Boss hay không. Cuộc trò chuyện của họ, giống như ở nhiều cửa hiệu sang trọng khác thuộc thành phố này, là bằng tiếng Hán, ngôn ngữ phổ thông của Trung Quốc đại lục. Đại lục cung cấp 1/3 số khách du lịch bằng đường không tới Hồng Kông và hầu hết trong số họ là những người khát khao mua sắm.

Năm 2012, theo ước tính của Jonathan Garner và Helen Qiao, hai nhà kinh tế của Ngân hàng Morgan Stanley, người Trung Quốc đã tiêu hơn 2,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 370 tỷ USD) cho du lịch tự do trong nước. Còn theo thống kê GDP của Trung Quốc, chỉ một phần rất nhỏ chi tiêu của người dân là dành các dịch vụ tài chính, chăm sóc sức khỏe và ăn ở. Kết quả là, theo số liệu chính thức, tiêu dùng tư nhân chỉ chiếm khoảng 35% GDP. Số liệu của Morgan Stanley thì ngược lại, chỉ ra rằng, ngay từ năm 2008, tiêu dùng cũng đã đóng góp đến 46% cho GDP của Trung Quốc.

Ông Garner và bà Qiao đã sử dụng các báo cáo công ty và nghiên cứu ngành để bổ sung vào các khoảng trống trong dữ liệu chính thức. Hai chuyên gia khẳng định, tiêu dùng của Trung Quốc là 1,6 nghìn tỷ USD vào năm 2012, cao hơn cả GDP toàn bộ của Australia. Tính toán của hai nhà kinh tế tương đồng với những nghiên cứu trước đó khi cùng nhận thấy rằng, các thống kê chính thức đã tính thiếu cho tiêu dùng. Cùng với những món đồ được mua ở ngoài các cửa hàng, mua sắm trực tuyến cũng đã không được tính đến. Chỉ trong một tuần tháng 11 (tuần có “ngày độc thân”), người tiêu dùng Trung Quốc đã tiêu hơn 3 tỷ USD trên hai trang web Taobao và Tmall (cả hai đều của Alibaba, một gã khổng lồ trong lĩnh vực bán hàng qua mạng). Nhưng các số liệu chính thức đã lạc hậu so với những thói quen đã thay đổi của người tiêu dùng, bà Qiao nhận định. Các thống kê chính thức đang bỏ qua toàn bộ các hình thức tiêu dùng điện tử mà game online là một ví dụ. Chỉ tính riêng loại hình trò chơi trực tuyến này đã có giá trị khoảng 53 tỷ nhân dân tệ (8,5 tỷ USD) trong năm ngoái, theo tổng hợp doanh số các công ty game online của Morgan Stanley.

Các thống kê chính thức của Trung Quốc từ lâu đã bị hoài nghi. Một số nhà kinh tế lo ngại rằng, chúng không phản ánh đúng sự thực, số khác thì cho rằng, chúng bị áp đặt theo các mệnh lệnh chính trị. Năm 2002, Thomas Rawski, giáo sư của Đại học Pittsburgh đã phàn nàn về cái gọi là “cơn bão lừa dối”. 5 năm sau, đến lượt giáo sư Carsten Holz của Đại học Princeton nói rằng, các thống kê chính thức đó chỉ nên để “làm kỷ niệm”. Khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, ông Lý Khắc Cường, hiện là Thủ tướng Trung Quốc, từng gọi các số liệu sản lượng của tỉnh này là “nhân tạo” và “chỉ để tham khảo”.

Nhưng mọi thứ không còn tệ như trước nữa. Chẳng hạn, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), đã ngừng việc lấy số liệu sản lượng từ các tỉnh để tính toán GDP toàn quốc. Cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2004 của Trung Quốc đã cung cấp cho các nhà thống kê quốc gia một nền tảng dữ liệu tốt hơn cho công việc về sau. Năm 2006, một cuốn sách được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phát hành đã khẳng định cương quyết rằng, các tài khoản quốc gia của Trung Quốc chắc chắn là “chưa chuẩn”, chúng đã bị sửa đổi cho hợp lý hơn, nhưng không còn bởi các động cơ chính trị. Tuy nhiên, NBS không tạo điều kiện cho các chuyên gia độc lập bên ngoài kiểm tra chéo công việc của họ.

Không phải mọi sự bóp méo về thống kê đều phục vụ cho việc “tâng bốc” Trung Quốc, một trong số những sai lầm lớn nhất còn tồn tại trong hoạt động thống kê của Trung Quốc là sự bất tiện về chính trị. Ví dụ, các số liệu chính thức có lẽ đã cường điệu hóa hố ngăn cách thu nhập vốn nhạy cảm về chính trị giữa thành thị và nông thôn, lên đến 40%.

Việc đánh giá thấp tiêu dùng cũng mang lại lý lẽ cho những người chỉ trích chính sách của Trung Quốc. Những người này lo lắng rằng, nền kinh tế này đang dựa quá nhiều vào đầu tư và ca thán về thất bại của Chính phủ trong việc tái cân bằng nền kinh tế. Các tính toán của Garner và Qiao ngược lại chỉ ra rằng, sự tái cân bằng đó đang diễn ra. Trong ước tính về vai trò đang lên của tiêu dùng, họ giả định rằng, tiêu dùng ẩn không được ghi lại trong các số liệu GDP. Nếu những con số tiêu dùng bổ sung này bị lãng quên cùng với những thứ khác nữa, thì thực tế, đóng góp của tiêu dùng vào GDP của Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn.

Không phải ai cũng nghi ngờ sức cầu của người tiêu dùng Trung Quốc. Ở sân bay Hồng Kông có nhan nhản các biển quảng cáo lôi kéo khách du lịch từ đại lục đến mua sắm. Chỉ có một mặt hàng bị cấm mang ra khỏi Hồng Kông là sữa bột. Từ 1/3 vừa qua, bất cứ ai mang hơn 2 hộp sữa bột ra khỏi lãnh thổ Hông Kông sẽ đối mặt với án phạt 2 năm tù. Lệnh hành chính này nhằm giữ lại sữa bột Hồng Kông cho các bà mẹ bản địa, trong bối cảnh mà đại lục đang xuất hiện hàng loạt các sản phẩm sữa bột kém an toàn. Các nhà thống kê Trung Quốc không phải là những người duy nhất… lờ đi nhu cầu tiêu dùng này.