Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, cả Mỹ và Trung Quốc đều cố gắng có các bước tiến trong việc đạt được thỏa thuận thương mại song phương.
Trong bối cảnh kế hoạch ký kết trong tuần tới tại Chile bị hủy bỏ và cần tìm địa điểm mới, Trung Quốc đang đòi hỏi phải có sự nhượng bộ từ phía Mỹ.
Bloomberg đưa tin từ nguồn thân cận cho biết, Bắc Kinh không chỉ yêu cầu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút lại các đe dọa về hàng rào thuế mới, mà còn phải xóa bỏ một số loại thuế đã được áp dụng với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ kể từ tháng 9/2019.
Cả hai bên cũng đang thảo luận về việc hạ thấp mức thuế 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc mà ông Trump đã áp đặt vào năm ngoái.
Về phía Mỹ, nguồn tin này cho biết, vẫn chưa rõ thái độ của ông Trump với các đòi hỏi này ra sao.
Quan điểm từ phía Trung Quốc là nếu quốc gia này chấp nhận gỡ vướng bất đồng lớn nhất với Mỹ về việc gia tăng mua hàng hóa nông sản từ Mỹ, cam kết có biện pháp mạnh tay hơn với các hoạt động xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thì nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng phải có động thái có trọng lượng tương đương, chẳng hạn gỡ bỏ một số nghĩa vụ thuế, thay vì đơn giản là không đưa ra đe dọa áp dụng các hàng rào thuế mới trong tương lai.
Trong khi đó, hàng rào thuế quan là một trong những công cụ đầu tiên và được sử dụng mạnh mẽ nhất của ông Trump, nhằm tái định hướng hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, tạo áp lực lên quá trình gia tăng sức ảnh hưởng của Đại lục với kinh tế toàn cầu, đồng thời ép nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải thực hiện nhiều cải tổ căn bản tại các ngành công nghiệp.
Thực tế, việc áp dụng các hàng rào thuế quan đã gây tổn hại tới mối quan hệ thương mại của 2 quốc gia lớn nhất và nhì thế giới.
Theo số liệu xuất nhập khẩu tháng 9/2019 được công bố ngày 5/11, nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc của Mỹ giảm 4,9% so với tháng 8, xuống mức thấp nhất 3 năm qua. Trong khi đó, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc giảm 10%, xuống mức thấp nhất 5 tháng qua.
Hiện tại, ông Trump dường như là người nóng lòng hơn trong việc đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu đồng ý gỡ bỏ một số loại thuế đang áp dụng, vị Tổng thống Mỹ sẽ đối diện với những rủi ro chính trị, vì có thể đón nhận chỉ trích từ cả 2 Đảng, nhất là khi ông Trump là người kiên quyết nhất với biện pháp thuế quan.
Chưa kể, hàng rào thuế quan đang được xem là công cụ hữu hiệu nhất của Mỹ theo quan điểm của các thành viên thuộc chính quyền Tổng thống Trump, cũng như các thành viên Quốc hội.
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, cùng nhiều quan chức khác thường xuyên có các phát biểu khẳng định, thuế quan với 250 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là sức mạnh lớn buộc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải tuân thủ các cam kết và nên được giữ vững trong dài hạn.
Đáng chú ý, việc áp dụng hàng rào thuế mang lại kết quả rõ ràng, nếu xác định theo thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - thước đo vẫn được ông Trump nhắc tới.
Cụ thể, thâm hụt thương mại trong quý III/2019 của Mỹ với Trung Quốc giảm 18% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 tới nay.
Trong khi đó, thâm hụt thương mại giảm không phải do nhu cầu nội địa Mỹ đi xuống; tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đang ở mức thấp nhất kể từ những năm 1960, chỉ số Dow Jones Industrial Average và S&P 500 liên tiếp phá vỡ các mức đỉnh; hàng rào thuế mới mang lại thêm 40 tỷ USD cho chính quyền Mỹ kể từ đầu năm 2019 tới nay…
Bối cảnh này khiến việc đưa ra lựa chọn của Tổng thống Trump càng trở nên khó khăn hơn.