Trung Quốc cung cấp vào Việt Nam 70% điện thoại và linh kiện, 50% phân bón…

Đa dạng hoá nguồn nguyên liệu nhập khẩu; lựa chọn đúng nhà cung cấp, thay đổi chiến lược kịp thời... sẽ là bí quyết để doanh nghiệp gặt hái thành công trên thương trường. Đây sẽ là nội dung được các CEO bàn tới trong Hội nghị Thường niên CEO Summit 2014 sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào ngày 5/8/2014.
Trung Quốc cung cấp vào Việt Nam 70% điện thoại và linh kiện, 50% phân bón…

Theo Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố trong tháng 7/2014, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm 19% tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Trong giai đoạn 2007 - 2013, Trung Quốc luôn là đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân đạt 25,8%/năm. Kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng mạnh từ 20 tỷ USD năm 2007 lên 37 tỷ USD năm 2013, tăng 28,4% so với năm 2012 và chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

Trong năm 2013, Trung Quốc cung cấp cho Việt Nam tới 70% số lượng điện thoại và linh kiện nhập khẩu; gần 50% lượng phân bón, vải nhập khẩu và gần 40% sắt, thép, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, nguyên phụ liệu, đầu vào của ngành da giày…

Có thể thấy, Trung Quốc hiện đang là nhà cung cấp lớn nhất của một số ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là năng lượng, dệt may, da giày…

Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có lợi thế hơn về chi phí vận chuyển, giá cả... so với hàng hóa của các nước khác. Song chính những lợi thế này đang đẩy nhiều doanh nghiệp Việt Nam vào thế bị động, khi thị trường Trung Quốc có sự biến động.

Trong bối cảnh hiện tại, việc tìm cách tránh lệ thuộc vào Trung Quốc là yêu cầu cấp bách hơn bao giờ hết của các doanh nghiệp Việt Nam. Cần nhận thức rằng, đây cũng chính là cơ hội tốt để Việt Nam tìm kiếm các nhà cung cấp đến từ nhiều nước khác nhau và mở rộng mạng lưới đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu từ Trung Quốc, do có lợi thế về giá rẻ, chi phí vận chuyển thấp, thuận tiện (đặc biệt nhập qua đường tiểu ngạch)... khiến nhiều doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Các doanh nghiệp nhập khẩu cần cân nhắc kỹ những tác động của việc phụ thuộc nguồn cung từ Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, như giống lúa, nguyên phụ liệu dệt, may, điện... Những doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm điện máy, hàng điện tử (như các công ty Pico, Trần Anh...); các doanh nghiệp dệt may… cần chuyển hướng tích cực hơn nữa sang các thị trường có thể cung cấp sản phẩm tương tự, như Đài Loan, Thái Lan, Ấn Độ, Malaysia…, để tránh phụ thuộc vào hàng Trung Quốc.

Ngoài ra, việc xây dựng nguồn cung cấp nguyên, phụ liệu ngay tại thị trường trong nước và tăng tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu cũng là một biện pháp thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc tập trung đầu tư cho lĩnh vực sợi, dệt để phục vụ ngành may mặc; chú trọng nâng cao tay nghề lao động để tự máy móc, thiết bị (trước đây phải nhập từ nước ngoài)… không chỉ giúp giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên, phụ liệu Trung Quốc vào Việt Nam, mà về lâu dài, sẽ làm giảm nhập khẩu nói chung.

Từ đó, doanh nghiệp có thể sản xuất ra các sản phẩm hoàn toàn có mác “Made in Vietnam”, với chất lượng ngày càng cao, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nhiều thị trường (vốn có các đòi hỏi nghiêm ngặt, khắt khe trên thế giới). Điều này càng trở nên quan trọng và cấp bách, khi mà Việt Nam đang trong quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tin bài liên quan