Vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ảnh: ABC.

Vaccine Sinovac của Trung Quốc. Ảnh: ABC.

Trung Quốc chính thức gia nhập Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 của WHO

0:00 / 0:00
0:00
Sau một thời gian đàm phán, Trung Quốc đã chính thức tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Trong một tuyên bố đăng tải trên trang thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 9/10, người phát ngôn bộ này Hoa Xuân Oánh cho biết, ngày 8/10, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận với Liên minh toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), chính thức gia nhập Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine Covid-19 (COVAX).

Bà khẳng định, đây là việc làm quan trọng của phía Trung Quốc nhằm giữ vững quan điểm về cộng đồng y tế sức khỏe của nhân loại, thực hiện cam kết thúc đẩy vaccine Covid-19 trở thành sản phẩm công cộng toàn cầu.

Bà cho biết, mục đích tham gia cơ chế COVAX của Trung Quốc là "thúc đẩy vaccine được phân phối công bằng, đảm bảo các quốc gia đang phát triển được cung cấp vaccine", đồng thời kéo theo sự tham gia và ủng hộ của các quốc gia có năng lực khác, mặc dù việc nghiên cứu phát triển nhiều loại vaccine Covid-19 của nước này đang dẫn đầu thế giới với năng lực sản xuất dồi dào.

Bắc Kinh cũng khẳng định sẽ tăng cường hợp tác với các nước về vaccine.

Trung Quốc từng cho biết, nước này đã có ít nhất 4 loại vaccine Covid-19 đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn III và thời gian sớm nhất để vaccine có mặt trên thị trường là cuối năm nay.

Theo tính toán, đến cuối năm 2020, sản lượng dự kiến của các loại vaccine này ở Trung Quốc sẽ vào khoảng 610 triệu liều/năm và đạt hơn 1 tỷ liều vào năm 2021.

Trước đó, phát biểu tại phiên họp cấp cao của Liên hợp quốc hôm 30/9, ông Seth Berkley, người đứng đầu liên minh GAVI cho biết đã có 168 nước tham gia COVAX, trong đó có 76 nước giàu đủ khả năng tự chi trả vaccine.

Ông cũng kêu gọi các nước còn đang cân nhắc tham gia càng sớm càng tốt. Khi đó, cả Trung Quốc, Nga và Mỹ đều chưa tham gia.

Theo ông Berkley, từ nay đến tháng 12, GAVI cần khoảng 2 tỷ USD để đặt trước vaccine phòng Covid-19 cho khoảng 92 nước nghèo và ít nhất khoảng 5 tỷ USD nữa để có được số vaccine này vào năm 2021.

Trong khi đó, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cảnh báo đại dịch Covid-19 có nguy cơ đẩy 150 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực vào năm 2021 và những tác động tiêu cực đối với con người sẽ kéo dài nhiều thập kỷ.

Ông cho rằng việc tiếp cận vaccine "rộng rãi, nhanh chóng với giá hợp lý" sẽ là trọng tâm của công tác khôi phục kinh tế toàn cầu.

Tin bài liên quan