Cứ điểm sản xuất iPhone của Foxconn tại Trung Quốc dự báo sẽ hoạt động ổn định trở lại trong tuần tới, nhưng chỉ đạt 40-60% công suất thông thường. Ảnh: AFP
Các hãng sản xuất được “dìu dắt” bởi hãng công nghệ Foxconn - nhà cung ứng đóng góp phần lớn lượng iPhones từ thành phố Trịnh Châu, cách vùng dịch Hồ Bắc vài trăm km, đã chuẩn bị sẵn kịch bản đối phó khi hàng trăm nghìn người lao động quay trở lại làm việc.
Foxconn đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng nhiệm vụ rất khó khăn hiện nay là làm sao phải đảm bảo đủ lao động quay lại làm việc trong khi nhiều tuyến đường vẫn bị chặn, hàng nghìn người bị cách lý và nếu dịch bệnh trở thành cơn ác mộng thì có thể làm tê liệt toàn bộ chuỗi sản xuất.
Tuần trước, Foxconn có động thái chưa từng có tiền lệ khi tập đoàn cảnh báo nhân viên tránh xa trụ sở tập đoàn tại Thâm Quyến cho đến khi có thông báo mới bởi các nhà điều tra chính phủ đang quản thúc doanh nghiệp này.
“Ưu tiên hàng đầu của chúng ta là đảm bảo không có ca nhiễm virus Corona nào ngay trong trụ sở bởi nếu chúng ta tụ tập đông người và một trong số họ bị nhiễm virus thì đó sẽ là ác mộng”, Alex Yang, trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Foxconn nói với các nhà đầu tư qua điện thoại mới đây.
“Dù thách thức, nhưng chúng ta vẫn phải nỗ lực đảm bảo xác suất lây nhiễm virus Corona ngay tại trụ sở thấp đến mức bằng 0”, Yang nói thêm.
Mắt xích Trung Quốc quan trọng ra sao trong chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu càng được thấm thía trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, khi mà các mặt hàng từ may mặc, hóa chất đến ô tô và đặc biệt là công nghệ đều có đóng góp lớn của thị trường Trung Quốc. Phần lớn các sản phẩm điện tử tiêu dùng từ điện thoại iPhones, đến thiết bị trò chơi điện tử được sản xuất tại Trung Quốc. Thậm chí, một nửa lượng màn hình tinh thể lỏng (LCD) của thế giới cũng được sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Dịch bệnh lan nhanh buộc các nhà máy khắp Trung Quốc đóng cửa thêm 1 tuần so với dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đã được kéo dài thêm 3 ngày. Tình hình gián đoạn sản xuất ở Trung Quốc sẽ xấu đi nếu việc cách lý dịch bệnh và “cấm cửa” các tuyến hàng không, đường sắt gây khó cho triệu công nhân lao động trở lại làm việc.
Ở kịch bản tồi tệ nhất, sự gián đoạn sản xuất trong các nhà máy ở Trung Quốc sẽ làm “đóng băng” các thành phần trong chuỗi cung ứng, mà hệ lụy rõ rệt là thiếu hụt nguồn cung hàng.
Kuo Ming-chi, chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng tại công ty chứng khoán TF International nhận định, cứ điểm sản xuất iPhone của Foxconn tại Trung Quốc sẽ hoạt động ổn định trở lại trong tuần tới, nhưng chỉ đạt 40-60% công suất thông thường. Trong khi đó, Citigroup ước tính khoảng 30% lượng lao động làm việc trong ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc sẽ trở lại làm việc từ ngày 11/2.
Trong thông báo phát đi cuối tuần trước, Foxconn cho biết hãng này đang phối hợp với chính quyền địa phương để đưa nhân viên trở lại làm việc, nhưng không nêu thời điểm cụ thể.
Đăng tải trên mạng xã hội WeChat, chính quyền quận Long Hoa, thành phố Thâm Quyến đánh tiếng rằng địa phương nơi đây đang hỗ trợ Foxconn điều chỉnh kế hoạch hoạt động. “Để đảm bảo an toàn và sức khỏe của mọi người và tuân thủ các biện pháp phòng chống virus Corona của chính phủ, chúng tôi khuyến cáo mọi người không nên quay lại Thâm Quyến. Để có ngày ‘đoàn tụ’ hoàn hảo tại Thâm Quyến, vui lòng đợi thông báo tiếp theo”, Foxconn nhắn tin tới nhân viên tại Thâm Quyến tuần trước.
Chẳng thế mà trong cuộc trao đổi với nhà đầu tư tuần trước, Alex Yang, trưởng bộ phận quan hệ nhà đầu tư của Foxconn nhắc nhiều đến các biện pháp phòng chống virus Corona và tính cấp thiết phải tuân thủ các quy định liên quan tại thành phố Trịnh Châu - nơi được coi là “thủ phủ” sản xuất iPhone và cách ổ dịch Vũ Hán khoảng 500km. Trịnh Châu cũng đang áp dụng các biện pháp chống dịch, từ cách ly, trang bị khẩu trang đến tích trữ nước rửa tay khử trùng.
“Nếu khi hàng chục nghìn người đang xếp hàng, bên trong tòa nhà hay trong khuôn viên cơ sở nào đó, chúng ta phải cố gắng phòng chống virus trong khi vẫn phải yêu cầu họ làm việc như bình thường. Đó quả là thách thức lớn”, Yang nói thêm.
Apple và Foxconn là những doanh nghiệp đầu tiên cố gắng lượng hóa tác động của dịch bệnh. Tuần trước Foxconn hạ triển vọng tăng trưởng năm 2020 khi cho rằng dịch bệnh làm gián đoạn chuỗi sản xuất rất quy củ tại Trung Quốc của Apple, đe dọa tới nhu cầu tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất Trung Quốc đồng thời là đối tác “ruột” của nhiều hãng sản xuất hàng tiêu dùng có tiếng trên thế giới, Foxconn trở thành biểu tượng đáng khen giữa “cơn bão” corona đang đảo lộn chuỗi sản xuất tại Trung Quốc và chuỗi cung ứng điện tử thế giới.
Việc gián đoạn sản xuất vượt xa khỏi phạm vi của lĩnh vực điện tử hay công nghệ. Nhiều nhà máy sản xuất ô tô ở Trung Quốc vẫn đang “ngồi chơi xơi nước”. Điển hình, Toyota ban đầu tạm dừng hoạt động các nhà máy ở thị trường đông dân nhất thế giới đến ngày 9/2, nhưng sau đó tiếp tục hoãn sản xuất đến ngày 17/2, trong khi Honda cho biết sẽ kích hoạt lại nhà máy tại vùng dịch Hồ Bắc vào ngày 14/2, nhưng nhiều khả năng sẽ tái khởi động sản xuất trong tuần tới. Còn Volkswagen cũng trong cảnh tương tự khi buộc hoãn sản xuất tại một số doanh nghiệp Trung Quốc cho đến ngày 17/2.
Tuy nhiên, thời điểm này cũng là lúc may mắn cho ngành công nghiệp điện tử bởi thường 6 tháng đầu năm là khoảng thời gian tạm lắng của thị trường mua sắm hàng điện tử tiêu dùng. Doanh số bán hàng điện tử tiêu tùng chủ yếu được kích thích vào dịp Tết, còn việc ra mắt iPhone mới cũng hạn chế trong khoảng thời gian này.
Alex Yang cho rằng sự gián đoạn sản xuất hiện nay có thể kiểm soát được và Foxconn sẽ tăng tốc để bù lại khoảng hụt sản xuất những tháng đầu năm.
Những “ông lớn” công nghệ như Sony và Samsung cho biết họ khởi động sản xuất tại Trung Quốc như dự kiến, còn nhà máy hãng xe điện Tesla tại Thượng Hải - nhà máy đầu tiên của Tesla bên ngoài nước Mỹ - đã trở lại hoạt động hôm 10/2.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang hoạt động dè chừng để quan sát phạm vi và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. Ngay cả khi dịch đạt đỉnh sớm, sự kết nối trong chuỗi cung ứng toàn cầu theo nguyên lý hệ thống sản xuất tức thời (JIT) sẽ có những biến động chưa từng có.
Chỉ cần thiếu hụt một thành phần trong chuỗi cung ứng có thể gây ra hiệu ứng gợn sóng tới toàn bộ chuỗi cung ứng bằng cách xuyên thủng mạng lưới sản xuất vốn rất quy củ mà các hãng công nghệ lớn như Apple đến Huawei hay nhà sản xuất linh kiện điện tử BOE của Trung Quốc trông cậy vào.
“Chắc chắn sẽ có nguy cơ nhiễm virus ngay tại chỗ vì các doanh nghiệp không thể nào quyền kiểm soát được các khu vực xung quanh nhà máy của mình”, ông Eric Tseng, CEO công ty nghiên cứu công nghệ Isaiah Research (Đài Loan) nhận định.
“Mức độ cung ứng nhân lực cho hầu hết doanh nghiệp sản xuất sẽ vẫn ở mức thấp trong 2-3 tuần đầu tháng 2 do cách ly dịch bệnh và không nhiều công nhân trở lại làm việc.”
Không như các năm trước, Foxconn hiện vẫn chưa bắt đầu tuyển dụng hàng trăm nghìn lao động để lắp ghép các thiết bị điện tử như bộ chơi game của Sony và máy tính HP, những nguồn thạo tin cho biết. Giám đốc điều hành của nhiều doanh nghiệp tại Trung Quốc đang nín đợi tình hình trở nên rõ ràng hơn để tung ra biện pháp phản ứng nhanh, nhưng đôi khi các biện pháp này lại mâu thuẫn với các biện pháp phòng chống virus của chính quyền địa phương.
Rất có thể nhà máy sản xuất iPhone chủ lực của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu hoạt động trở lại hôm 10/2 với một số ít công nhân - những người không về quê nghỉ Tết, nguồn thạo tin cho hay.
Phần lớn lao động tại nhà máy sản xuất này sẽ gặp phải trở ngại lớn về đi lại. Hai cơ sở sản xuất lớn nhất của Foxconn tại thành phố Thâm Quyến cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự và cảnh báo nhân viên “tránh xa” khu nhà xưởng sản xuất.
Vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn khi dịch bệnh do virus Corona ngày càng co hẹp lực lượng lao động có sẵn. Một nguồn tin khác cho biết Foxconn sẽ tạm ngừng tuyển nhân công từ tỉnh Hồ Bắc và các khu vực khác bị dịch bệnh càn quét.
Tập đoàn vốn đầu tư Đài Loan này đã yêu cầu công nhân đang ở Hồ Bắc cũng như 7 thành phố khác ở các tỉnh lân cận như Hà Nam, Chiết Giang và Giang Tô không nên trở lại làm việc, theo tài liệu nội bộ mà Bloomberg thu thập tuần trước.
Tập đoàn này cũng treo thưởng 200 nhân dân tệ (tương đương 28 USD) cho nhân viên nào tố cáo đồng nghiệp vi phạm lệnh cấm trên. Dù dịch bệnh hiện nay vẫn còn nhiều điều khó đoán, nhưng Foxconn cho thấy doanh nghiệp này khá lúng túng trước dịch bệnh và sự lúng túng đó ngày tác động lên chuỗi cung ứng.
Ở góc nhìn rộng hơn, các nhà kinh tế vẫn đang vật lộn để đánh giá tác động kinh tế của dịch bệnh. Thời dịch SARS đã ảnh hưởng xấu tới kinh tế Trung Quốc và các nước láng giềng, mà cụ thể là hoạt động xuất khẩu và du lịch đều lao dốc. Tuy nhiên, tác động của dịch SARS tới kinh tế Trung Quốc và ảnh hưởng toàn cầu lúc đó vẫn hạn chế bởi GDP Trung Quốc thời điểm đó chỉ chiểm khoảng 4% GDP toàn cầu, còn nay tỷ lệ này lên tới 17%.
Điều này có nghĩa, ngay cả khi dịch đạt đỉnh sớm và các nhà sản xuất gấp đôi thời gian sản xuất để bù lại khoảng thiếu hụt do dịch bệnh, thì nhu cầu về các mặt hàng, thiết bị của cả năm 2020 vẫn bị tác động nghiêm trọng.
Tại Huawei, tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, các nhà quản lý tập đoàn đang tranh luận về thời điểm khôi phục hoạt động sản xuất do lo Bắc Kinh nổi giận vì ép lượng lớn lao động trở lại làm việc ở các nhà máy chật chội.
Còn các nhà sản xuất màn hình LCD quy mô lớn như công ty công nghệ BOE hay Tianma Microelectronics đang chiếm giữ đến 50% hoặc hơn số lượng màn hình dùng cho TV, điện thoại và thậm chí cả bảng điều khiển ô tô tiêu thụ trên thị trường và phần lớn trong số này được sản xuất ở Vũ Hán.
Vũ Hán cũng được xem là cứ điểm sản xuất của nhà sản xuất thiết bị mạng FiberHome và các nhà sản xuất sợi cáp quang khác. Đây cũng là những nhà cung ứng hàng đầu của Huawei và các nhà mạng khác.
“Các nhà sản xuất thiết bị mạng hay sợi cáp quang sẽ bị tác động trực diện. Trong ngắn hạn, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp này sẽ “ngấm” dịch, kể cả khi trở lại hoạt động bình thường thì các doanh nghiệp này sẽ đối mặt với vấn đề lớn là làm sao huy động đủ lao động cho sản xuất lúc đó, điều này khiến hiệu quả sử dụng lao động thấp”, Kevin Chen, chuyên gia phân tích tại công ty chứng khoán China Merchants Securities đánh giá.