Theo đó, phản ứng của các nhà đầu tư ở Trung Quốc đã giúp cung cấp manh mối cho các thị trường chứng khoán ở những nơi khác. Chỉ số chứng khoán CSI 300 đã giảm 1,2% vào thứ Năm (8/7) trong khi đồng nhân dân tệ giảm và hợp đồng tương lai trái phiếu tăng mạnh nhất năm sau khi Bắc Kinh ám chỉ các công ty có thể cần thêm nguồn vốn mới.
Các bình luận của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc là một sự thay đổi đột ngột về giọng điệu liên quan tới các chính sách kinh tế vì trước đó, các quan chức Trung Quốc trong nhiều tháng qua đã nhấn mạnh rằng thanh khoản toàn cầu quá mức và có nguy cơ thúc đẩy bong bóng tài sản.
Mối quan tâm hiện nay là các con số kinh tế quan trọng sẽ được công bố vào tuần tới bao gồm cả dữ liệu tăng trưởng hàng quý có thể giảm đáng kể kỳ vọng, một câu chuyện cảnh báo đối với hầu hết các nền kinh tế mở cửa trở lại muộn hơn Trung Quốc.
Nathan Chow, nhà kinh tế cấp cao của DBS Bank ở Hồng Kông cho biết: “Những gì Trung Quốc đang đối phó hiện nay là một ví dụ điển hình về tất cả những bất ổn mà các quốc gia khác có thể gặp phải khi phục hồi sau đại dịch. Việc liên tục điều chỉnh lại các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương toàn cầu sẽ là một chủ đề chính khi thế giới đối phó với những điều bất ngờ như sự bùng phát Covid-19 hoặc lạm phát tăng vọt”.
Theo đó, các nhà đầu tư có thể rút ra hai điểm quan trọng từ tuyên bố của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc vào cuối ngày thứ Tư (7/7): Nền kinh tế Trung Quốc chậm lại và ngân hàng trung ương sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm. Tăng trưởng yếu hơn là tin xấu đối với cổ phiếu nhưng là tin tốt đối với các nhà đầu tư trái phiếu. Một chỉ báo về kỳ vọng cho chi phí đi vay trong tương lai đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021.
Một quan điểm khác
Sự thận trọng về sức mạnh của sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang ngày càng gia tăng trên các thị trường tài chính, khiến giao dịch theo kỳ vọng lạm phát ngày càng thoái lui nhanh chóng. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã giảm khoảng 0,25% trong hai tuần qua, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư có thể đang chán nản về triển vọng tăng trưởng.
Nền kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế đầu tiên vượt ra khỏi cú sốc đại dịch Covid-19 và sự phục hồi chậm trở lại do phụ thuộc vào xuất khẩu cho thấy khó khăn mà các chính phủ phải đối mặt trong việc phục hồi nhu cầu tiêu dùng. Một chỉ số của Citigroup theo dõi những bất ngờ về kinh tế cho thấy dữ liệu gần đây ở Trung Quốc đang giảm xuống dưới mức kỳ vọng.
Các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới đang tìm cách định hướng cho các kế hoạch sắp tới sau một loạt các đợt cắt giảm lãi suất và hàng nghìn tỷ đô la kích thích được triển khai để kéo các nền kinh tế khỏi tác động của Covid-19.
Thời gian gần đây, một số quốc gia đã bắt đầu từ chối các biện pháp kích thích khẩn cấp với 5 cơ quan quản lý tiền tệ đã tăng lãi suất trong năm nay. Những nơi khác như Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cũng đang bắt đầu thảo luận về kế hoạch thu hồi chương trình mua tài sản.
Trong một cuộc họp chính sách khá lạc quan vào tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã nhắc lại lập trường của mình là giữ ổn định chính sách, thanh khoản và tỷ giá hối đoái. Sau tuyên bố nội các hôm thứ Tư (6/7), các nhà phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ cung cấp nhiều thanh khoản hơn cho các ngân hàng để họ có thể cho các doanh nghiệp vay nhiều hơn.
Wang Tao, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại UBS Group AG ở Hồng Kông cho biết, lựa chọn khả dĩ nhất sẽ là cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong những tuần tới. Điều đó cũng sẽ làm giảm chi phí cấp vốn cho người cho vay và giúp họ hoàn trả các khoản vay chính sách đến hạn vào cuối năm.
Theo các nhà kinh tế tại Nomura Holdings, PBOC không thể đi xa tới mức cắt giảm lãi suất chính sách quan trọng. Một động thái như vậy "sẽ phát đi những thông điệp mâu thuẫn về lập trường chính sách của Bắc Kinh và có thể sẽ kích hoạt bong bóng trên thị trường bất động sản và chứng khoán".