Trứng đà điểu trang trí trưng bài tại Bảo tàng Anh, London. Ảnh: CNN.

Trứng đà điểu trang trí trưng bài tại Bảo tàng Anh, London. Ảnh: CNN.

Trứng đà điểu chạm khắc 5.000 năm tuổi

Người xưa bất chấp nguy hiểm để lấy trứng từ tổ chim hoang dã, sau đó chạm khắc và sơn màu để biến chúng thành món hàng giá trị cao. 

Thời Đồ Đồng và Đồ Sắt, trứng đà điểu trang trí là một trong những vật phẩm được giới thượng lưu của các nền văn minh Địa Trung Hải đánh giá cao.

Tuy nhiên, giới khoa học mới chỉ nắm rất ít thông tin về quá trình sản xuất và buôn bán chúng.

Để tìm hiểu, nhóm chuyên gia từ Đại học Bristol và Đại học Durham tiến hành nghiên cứu 5 quả trứng trưng bày ở Bảo tàng Anh, London, CNN hôm 9/4 đưa tin. Chúng được tìm thấy trong lăng mộ Isis, Italy, tồn tại từ năm 625-550 trước Công nguyên.

4 quả được chạm khắc và sơn màu, một quả chỉ sơn màu. Họa tiết trang trí trên trứng gồm động vật, thực vật, các hình khối, binh lính và xe ngựa.

Họ phát hiện trứng được đem bán tại một vùng rộng lớn ở Địa Trung Hải sau khi các thợ săn lấy về từ tổ chim hoang dã. Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng vì đà điểu có thể rất nguy hiểm.

"Việc buôn bán trứng diễn ra ở một nơi rộng lớn cho thấy thế giới cổ đại kết nối nhiều hơn những gì chúng ta từng nghĩ", Tamar Hodos, tiến sĩ tại Đại học Bristol, cho biết.

"Nhờ phân tích đồng vị, chúng tôi có thể phân biệt trứng bắt nguồn từ các khu vực khí hậu khác nhau, từ nơi lạnh, ẩm hay nơi nóng và khô hơn. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là trứng bắt nguồn từ khu vực này được tìm thấy ở khu vực kia và ngược lại, nghĩa là các tuyến đường thương mại rất phát triển", Hodos giải thích.

Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy, trứng cần thời gian để khô trước khi quá trình chạm khắc vỏ bắt đầu.

Do đó, chúng cần được bảo quản an toàn. Việc bảo quản đòi hỏi sự đầu tư lâu dài. Điều này kết hợp với những rủi ro có thể gặp phải làm tăng giá trị cho trứng đà điểu trang trí, Hodos chia sẻ.

Tin bài liên quan