Kêu gọi của trùm truyền thông Rupert Murdoch đưa ra trong bối cảnh Facebook và Google bị tố dùng "chùa" tin tức gây thiệt hại cho các publisher (các tờ báo, trang tin, kênh xuất bản nội dung số...).
Murdoch nêu hiện tượng tràn ngập các nguồn tin “nhố nhăng” được Facebook và Google thu về qua thuật toán giúp mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty này nhưng tính xác thực lại không được đảm bảo.
Tại Mỹ, đây được xem là chuẩn mực công nghiệp có từ năm 1992 sau thỏa thuận pháp lý được ký giữa đơn vị truyền hình cáp và nhà đài trong khuôn khổ luật cạnh tranh và bảo vệ người dùng truyền hình cáp của nước này.
Murdoch nói rằng nếu Facebook muốn nhận diện publisher tin cậy, công ty này cần phải trả tiền, giống loại phí tiếp sóng đang được các công ty dịch vụ truyền hình cáp chi trả.
Thật trớ trêu khi các publisher giúp nâng cao giá trị và danh tiếng của Facebook qua tin tức nhưng lại không nhận được xu nào. "Khoản phí này với Facebook chẳng đáng là bao nhưng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho các tờ báo, nhà đài, công ty truyền thông nội dung số", Murdoch nêu quan điểm.
Cũng theo Murdoch, Facebook và Google đang là thế lực lớn nhờ nền tảng kinh doanh quảng cáo trực tuyến. Đôi khi, Facebook và Google còn được phân loại là công ty truyền thông nhưng lại không đóng góp tương xứng.
Google tỏ ra khá im hơi lặng tiếng về vấn đề này dù đã khắc phục một số điểm yếu của công cụ tìm kiếm và các sản phẩm hỗ trợ quảng cáo sau cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ. Trong khi đó, vai trò YouTube trong hệ sinh thái truyền thông vẫn được định nghĩa rất mù mờ.
Với Facebook, chủ đề Murdoch đưa ra cũng khá gai góc dù trong năm 2017, Mark Zuckerberg đã dành khá nhiều thời gian định hình lại vai trò của mạng xã hội này sau tình trạng lan tràn tin tức giả mạo, tâm lý người dùng xáo trộn và tác động của Facebook với các nền dân chủ phương Tây.
Facebook từng cho biết sẽ thay đổi thuật toán tổng hợp tin tức News Feed, hỗ trợ nhiều hơn bài viết của bạn bè và gia đình thay cho các nguồn tin luôn tìm cách lợi dụng thuật toán của hãng để xuất hiện trên tường.
Tuần trước, Facebook công bố kế hoạch khảo sát người dùng về tính tin cậy của nguồn tin nhằm loại bỏ nhân tố gây tác động xấu.
Đề xuất thỏa thuận trả phí giữa công ty công nghệ và tổ chức truyền thông của Murdoch là chưa có tiền lệ.
Trong khi đó, các nhà làm luật châu Âu đã đưa Silicon Valley vào tầm ngắm. EU kêu gọi cần có thỏa thuận tương tự với Google khi đề cập tới tác động của Google News với báo chí nhiều quốc gia thuộc khối này.
Google News bị cho đang ảnh hưởng tiêu cực tới "nồi cơm" của báo chí tại Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác.
Đề xuất của Murdoch, nếu được thực hiện, sẽ là thay đổi mang tính biểu tượng trong quan hệ "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt" giữa công ty truyền thông và mạng xã hội trong nhiều năm qua.
Hiện các đơn vị xuất bản tin tức vẫn xem Facebook và Google là “đỉa hút máu” thay vì là tác nhân giúp quảng bá và lan truyền tin tức.